Bitcoin đang "sốt xình xịch"

Sự kiện: Tiền điện tử

Nhiều tổ chức, cá nhân đã tạo lập sân chơi tiền ảo với nhiều cách thức giao dịch lạ lẫm.

Tuy pháp luật không công nhận tiền ảo - bitcoin (BTC) - là tiền tệ hay hàng hóa nhưng gần đây, đồng tiền này liên tục lập kỷ lục tăng giá hàng trăm, hàng ngàn lần khiến hoạt động mua bán, giao dịch, đầu tư BTC tại Việt Nam hết sức sôi động.

Mua bitcoin tại máy BTM

Tại địa chỉ 290 Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM, phóng viên ghi nhận phía trước một nhà hàng bán bánh pizza có treo bảng BTM Exchange (tạm gọi là chuyển đổi BTC qua máy ATM - máy BTM). Bên trong nhà hàng có đặt một thiết bị gần giống máy rút tiền tự động của ngân hàng (ATM) với đầy đủ màn hình cảm ứng, bàn phím, khe nạp - nhả tiền, in hóa đơn… Đặc biệt, màn hình của máy luôn hiển thị mục mua - bán BTC, tỉ giá quy đổi BTC với VNĐ.

Bitcoin đang "sốt xình xịch" - 1

Mua bán bitcoin (BTC) bằng máy BTM Đồ họa: VƯƠNG FƯƠNG ANH

Tại máy BTM, chúng tôi ghi nhận một vài người dùng VNĐ đưa vào khe nạp tiền để mua BTC; ngược lại người đã có BTC có thể thực hiện việc bán BTC và máy BTM chi trả bằng tiền mặt VNĐ. Lân la làm quen, chúng tôi được anh T., người từng giao dịch BTC, hướng dẫn nhập số điện thoại vào máy BTM, lập tức hệ thống gửi đến điện thoại mã xác thực để người mua nhập mã này vào máy, sau đó màn hình hiển thị mục mua và bán BTC. Tiếp theo, hệ thống hỏi người mua có ví điện tử để cất giữ BTC không; nếu chưa thì máy BTM sẽ in ra chứng từ được gọi là ví ảo trong đó thể hiện một mã vạch. Người mua BTC phải quét mã vạch lên màn hình cảm ứng để hệ thống ghi nhận. Tiếp đến, người mua đưa VNĐ vào khe nạp tiền của máy BTM, hệ thống sẽ quy đổi sang BTC rồi đưa dữ liệu này vào ví điện tử ảo và một tin nhắn xác nhận giao dịch thành công được gửi đến điện thoại của người mua. Sau đó, máy BTM in ra hóa đơn mua BTC, giao dịch hoàn tất.

"Sau khi mua được BTC, nếu muốn bán, người bán phải chuyển BTC đến một ví điện tử ảo khác do máy BTM cung cấp. Sau đó, hệ thống sẽ quy đổi BTC sang VNĐ để máy BTM nhả tiền VNĐ thanh toán cho bên bán BTC" - anh T. hướng dẫn thêm.

Tiếp xúc với một số nhân viên nhà hàng, nơi đặt máy BTM, họ cho biết máy không có người quản lý. Chủ máy là một công ty tại TP HCM xin chủ nhà hàng đặt nhờ cách đây vài tháng. "Để tìm hiểu thêm về mua bán BTC, anh có thể liên hệ với chủ máy qua thông tin này" - nhân viên nhà hàng nói và chỉ tay vào số điện thoại 0909287…, 0120505… được dán sẵn trên máy BTM.

Rối rắm chuyển đổi qua sàn và BTM

Liên hệ với các số máy này, một phụ nữ tự xưng là nhân viên tư vấn của sàn bitcoin.vn - chủ máy BTM. Người này cho biết ngoài máy BTM trên đường Lý Tự Trọng, chủ sàn bitcoin.vn còn đặt một máy khác trên Hàn Thuyên, quận 1, TP HCM. Đồng thời, người này thông báo người mua BTC tại máy BTM phải bỏ ra ít nhất trên 1 triệu đồng mới thực hiện được giao dịch (1 BTC có thể chia thành nhiều phần nhỏ) và cho biết ngày 14-12, giá trị 1 BTC là gần 400 triệu đồng. "Nếu anh giao dịch với số tiền lớn thì nên lên sàn bitcoin.vn rồi tạo lập tài khoản ngân hàng để mua bán trực tiếp. Tuy nhiên, người mua hay bán BTC đều phải trả cho chủ sàn phí môi giới 2,5%, cộng với một mức phí giao dịch nhất định cho người giải mã giao dịch BTC (người đào BTC)" - nhân viên này hướng dẫn.

Cũng theo nhân viên này, tại một số thời điểm, lượng giao dịch quá nhiều nên hệ thống phải lần lượt xử lý các lệnh bán chấp nhận trả phí giao dịch từ cao đến thấp. Khi đó, lệnh bán của người trả phí thấp có thể bị treo lại và vài ngày sau mới nhận được tin nhắn xác nhận giao dịch thành công gắn kèm với mã nhận tiền VNĐ. Người bán nhập mã này vào máy BTM hoặc hệ thống bitcoin.vn để nhận tiền.

Khi chúng tôi đặt tình huống giá BTC tăng giảm đột biến, sàn bitcoin.vn có thể đóng cửa, người nắm giữ BTC sẽ "ôm sô" thì nhân viên sàn bitcoin.vn trấn an rằng sàn không thể ngừng hoạt động. "Do sàn hoạt động với phương thức mua đi bán lại, thu phí môi giới từ người mua lẫn người bán nên bất chấp giá BTC tăng hay giảm bitcoin.vn vẫn thực hiện giao dịch" - nhân viên này lý giải.

Tuy nhiên, một số người từng giao dịch BTC cho biết rủi ro mà người chơi loại tiền này có thể đối mặt sau khi dùng VNĐ để mua chưa chắc đã nhận được BTC ngay tức khắc vì phải chờ chủ sàn chuyển thông tin cho các đối tượng tham gia hệ thống tiền ảo. Đó là những người chuyên đào BTC có tên gọi Miner (nút mạng) để giải mã các thuật toán của từng giao dịch BTC và sau khi giải mã, đối tượng này là người thu phí giao dịch.

"Nếu những Miner hạn chế đào BTC hoặc chuyển sang đào các loại tiền ảo khác thì việc hoàn tất lệnh mua hay bán BTC có thể kéo dài trong nhiều ngày. Nếu chẳng may trong khoảng thời gian này, giá BTC giảm thì người đã đặt lệnh bán không cắt lỗ được, thậm chí có thể trắng tay nếu BTC tuột dốc không phanh" - anh Hùng, người giàu kinh nghiệm về BTC, cảnh báo.

Đổ xô sắm máy đào BTC

Ngoài dùng tiền mặt mua bán, giao dịch BTC, nhiều người còn đổ xô sắm dàn máy đào BTC với hy vọng sẽ kiếm được nhiều tiền từ đào BTC. Việc này đã khiến thị trường máy đào BTC lên cơn sốt từ đầu năm đến nay. Lượng linh kiện liên quan đến máy đào BTC trong đó có thành phần chính là card đồ họa (VGA) nhập về Việt Nam đã tăng đột biến. Bên cạnh đó, các máy đào chuyên dụng được nhập về cũng tăng theo dù giá rất đắt.

Cục Hải quan TP HCM cho biết tính đến cuối tháng 10, đơn vị đã tiếp nhận 98 tờ khai nhập khẩu 1.478 bộ máy xử lý dữ liệu tự động giải mã BTC và litecoin (một loại tiền ảo tương tự BTC) tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh. Đối tượng làm thủ tục nhập khẩu mặt hàng này đa phần là cá nhân, tổ chức không có mã số thuế. Theo Cục Hải quan TP HCM, máy xử lý dữ liệu tự động BTC và litecoin không thuộc danh mục cấm hoặc tạm ngừng xuất nhập khẩu theo nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế nên vẫn được thông quan.

Ông Lâm Tấn Vinh, chủ một cửa hàng kinh doanh linh kiện máy tính tại TP HCM, cho biết: "Hiện nay, có nhiều cách để đào BTC, trong đó chủ đạo là lắp ráp các dàn máy đào từ nhiều linh kiện khác nhau hoặc mua máy đào chuyên dụng được lắp sẵn. Với hình thức lắp ráp dàn máy đào từ linh kiện thì trước đây giá một dàn máy đào vào khoảng 30-60 triệu đồng nhưng hiện nay đã tăng lên 80-90 triệu đồng. Các dàn máy đào này thành phần chủ yếu là card VGA, một dàn đào có từ 4-6 hoặc 8 card VGA. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, phần lớn các card VGA nhập về Việt Nam đã bị giới đào BTC săn lùng triệt để và giá thành cũng theo đó mà tăng lên. Còn với các máy đào BTC chuyên dụng được lắp ráp sẵn, chỉ mua về là đào được ngay thì giá thành từ 100-200 triệu đồng, tuy đắt nhưng vừa qua vẫn có hàng ngàn máy được nhập về. Giá BTC liên tục tăng nên các card VGA, dàn máy đào sẽ tiếp tục được săn lùng nhiều trong thời gian tới".

Đại diện một hãng sản xuất card VGA tại Việt Nam cho biết đúng là thời gian qua có hiện tượng sốt card VGA khi giới đào BTC liên tục mua về để lắp ráp máy đào BTC. Thậm chí, nhiều nơi chuyên cho thuê máy đào BTC đã mua 1 lần hàng trăm card VGA khiến cho mặt hàng này có lúc khan hiếm, tăng giá.

Rủi ro vì thiếu khung pháp lý

Đánh giá về giao dịch BTC qua máy BTM và khớp lệnh qua sàn, TS Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, cho rằng người mua - bán BTC hết sức rủi ro vì hiện nay chưa có khung pháp lý cho giao dịch BTC, nếu sàn BTC "sập" sẽ không có ai đứng ra phân xử. Mặt khác, giá cả đồng tiền ảo này không có cơ sở để dự báo, trong vài ngày gần đây, giá BTC tăng giảm hàng ngàn USD, nguyên nhân được cho là hệ thống giao dịch bị hack. "Còn trong tương lai, không ai biết được BTC tăng hay giảm giá. Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế hiện đang thực hiện các hợp đồng BTC tương lai và đó có thể là một động tác làm giá BTC" - ông Tín hoài nghi.

Liên quan đến đồng tiền ảo, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định BTC và các loại tiền ảo tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng BTC và các loại tiền ảo tương tự để làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết đã nắm bắt được các giao dịch BTC thông qua thiết bị giống như máy ATM và một số website. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị ngành tư pháp ban hành các quy định pháp lý liên quan đến BTC bởi hiện tại pháp luật không công nhận đồng tiền này là tiền tệ.

Bitcoin tăng “điên cuồng”, bong bóng tiền ảo sắp nổ?

Bitcoin- đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đang khiến giới đầu tư chao đảo với những màn tăng nóng kỷ lục....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ - Chánh Trung (Người lao động)
Tiền điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN