Tín hiệu mừng: Vắc xin ung thư làm thu nhỏ khối u gan

Sự kiện: Ung thư Bệnh gan

Gần 1/3 số bệnh nhân mắc ung thư gan giai đoạn muộn được tiêm vắc xin chuyên biệt do Geneos Therapeutics phát triển cùng với thuốc trị liệu miễn dịch đã nhận kết quả đáng mừng khi khối u teo lại, các nhà nghiên cứu Mỹ báo cáo hôm 7/4.

Các phát hiện từ nghiên cứu sơ bộ, được trình bày tại Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ ở San Diego và được công bố trên tạp chí Nature Medicine, cho thấy loại vắc xin dựa trên các đột biến chỉ xuất hiện trong khối u của bệnh nhân có thể tăng cường khả năng của hệ miễn dịch trong việc nhận biết và tấn công các tế bào ung thư cứng đầu.

Theo các chuyên gia, kết quả này là gần gấp đôi phản ứng thường thấy nếu chỉ sử dụng liệu pháp miễn dịch mà không tiêm vắc xin.

Dù đây mới là thử nghiệm quy mô nhỏ và hiệu quả cần được xác nhận trong một cuộc thử nghiệm lớn hơn, nhưng phát hiện này đã đưa ngành công nghiệp tiến gần hơn đến một loại vắc xin ung thư hiệu quả sau nhiều thất bại trong quá khứ.

Moderna và Merck and Co cùng các đối tác khác cũng đã nhận được những kết quả đầy hứa hẹn khi kết hợp vắc xin tùy chỉnh với liệu pháp miễn dịch để ngăn ngừa ung thư da tái phát ở bệnh nhân sau phẫu thuật.

Trong thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng mẫu từ khối u của bệnh nhân để chế tạo vắc xin dựa trên kháng nguyên mới - những đột biến chỉ xuất hiện trên khối u của từng bệnh nhân. Mục đích là "huấn luyện" hệ thống miễn dịch chỉ tấn công và loại bỏ những protein gây hại này, và giúp các mô khỏe mạnh không bị tổn thương.

Không giống như ung thư da có nhiều đột biến để cơ thể nhận biết, ung thư gan được coi là ung thư lạnh vì nó chứa ít đột biến hơn, khiến các liệu pháp miễn dịch kém phát huy hiệu quả hơn.

Bác sĩ Mark Yarchoan thuộc Trung tâm Ung thư Johns Hopkins Kimmel cho biết: “Về cơ bản, loại vắc-xin này huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận ra các kháng nguyên mà nó đã bỏ qua”.

Nghiên cứu có sự tham gia của 36 bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan, dạng ung thư gan phổ biến nhất. Bệnh nhân được tiêm vắc xin tùy chỉnh dựa trên liệu pháp miễn dịch Keytruda được sử dụng rộng rãi của Merck.

Gần 1/3 số bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp kết hợp (30,1%) đã nhận thấy khối u co lại, với ba người có phản ứng hoàn toàn, nghĩa là không còn dấu hiệu nào của khối u còn sót lại sau thời gian theo dõi trung bình là 21,5 tháng. Con số này cao hơn đáng kể so với hiệu quả khoảng 12% đến 18% ở những bệnh nhân ung thư gan chỉ điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.

Bác sĩ Yarchoan nói: “Điều này chắc chắn cho thấy vắc xin thực sự đã bổ sung thêm hiệu quả lâm sàng”.

Tác dụng phụ thường gặp nhất là phản ứng nhẹ tại chỗ tiêm. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Không giống như nhiều ứng cử viên vắc xin dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA), phương pháp điều trị Geneos là vắc xin DNA trong đó mã di truyền của protein đột biến được tiêm vào bằng một xung điện nhỏ. Mỗi loại vắc-xin có thể nhắm mục tiêu tới 40 gen đột biến.

Ông Yarchoan cho biết các thử nghiệm lớn hơn đang được lên kế hoạch nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Nguồn: [Link nguồn]

Tại Việt Nam, hơn 60% người ung thư gan liên quan đến mắc viêm gan B.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN