Thực phẩm nào là "kẻ thù" của người bệnh tăng huyết áp?

Người mắc bệnh tăng huyết áp nên ăn cá thay cho các thực phẩm giàu chất béo.

TS.BS. Trương Tuyết Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, người tăng huyết áp cần chú ý một chế độ ăn ít chất béo, hạn chế đồ ăn mặn (giảm muối), hạn chế rượu, bia, thuốc lá, ăn nhiều rau và quả chín, kiểm soát cân nặng.

Những thực phẩm là "kẻ thù" của bệnh nhân tăng huyết áp:

Chất béo

TS.BS. Trương Tuyết Mai cho biết, “kẻ thù” đầu tiên của người tăng huyết áp là chất béo. Chất béo từ thịt cũng như chất béo có trong da các loại gia cầm không chỉ làm tăng cân mà còn là yếu tố góp phần quan trọng vào việc gây xơ vữa động mạch, dẫn đến tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ.

Do đó, người mắc bệnh tăng huyết áp thay vì ăn thực phẩm có chất béo nên dùng các món ăn chế biến từ cá, hải sản để vừa giảm bớt mỡ vừa có thêm các acid béo không no, omega, khoáng chất có lợi cho người tăng huyết áp.

Thực phẩm nào là "kẻ thù" của người bệnh tăng huyết áp? - 1

“Kẻ thù” đầu tiên của người tăng huyết áp là chất béo.

Cần lưu ý rằng, ăn nhiều đồ ngọt gây tăng cân do khi có nhiều đường năng lượng từ đường làm tích tụ mỡ nhiều hơn bình thường.

Hơn nữa, đường qua chuyển hóa trong cơ thể lại là nguồn nguyên liệu để sản xuất ra chất béo. Qua thực nghiệm đã cho thấy, đường cũng làm tăng huyết áp, có lẽ do đường làm tăng sản xuất adrenaline gây co mạch và ứ muối dẫn đến tăng huyết áp. Như vậy, không chỉ người bị đái tháo đường cần hạn chế mà người bị tăng huyết áp, người không muốn tăng cân cũng phải hạn chế tối thiểu việc ăn bánh kẹo ngọt.

Muối

Cũng theo TS.BS. Trương Tuyết Mai, các món ăn mặn với nhiều muối cũng cần đặc biệt chú ý quan tâm và hạn chế tối đa đối với bệnh nhân mắc bệnh này.

Muối ăn (sodium chloride) đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là nguyên nhân làm tăng huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy, ở những quốc gia có chế độ ăn nhiều  muối có tỷ lệ dân số bị tăng huyết áp nhiều hơn. Các nhà khoa học cho rằng, khi thừa muối thì lượng dịch trong máu tăng lên gây tăng huyết áp; và lượng muối ứ đọng nhiều trong thành mạch làm thành mạch “cứng hơn” là một yếu tố thuận lợi cho tăng huyết áp.

Mỗi ngày chỉ nên dùng dưới 5 gam muối/người trưởng thành (khoảng một muỗng cà phê muối ăn) sẽ giúp giảm huyết áp 2 – 8 mmHg. Hạn chế muối ăn đặc biệt cần thiết ở người bị tăng huyết áp bị suy tim hoặc người già. Ăn giảm muối quả là một điều khó khăn, đặc biệt với chế độ ăn của người Việt Nam nhiều món kho, món muối.

Để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người tăng huyết áp cần chú ý kiểm tra lượng muối ghi trên bao bì thực phẩm đối với thực phẩm mua sẵn, hạn chế ăn các món có dùng nhiều muối như dưa hành, món kho, nấu ăn nên dùng các loại gia vị thay thế vị mặn của muối.

Rượu bia

Chỉ cần uống 100 ml rượu là đủ để tăng áp lực thành mạch lên 3 mmHg. Do đó, để ngừa tăng huyết áp nên hạn chế uống rượu, nếu có uống thì nên giới hạn ở mức độ không quá 50 ml rượu mạnh, 150 ml rượu vang và 350 ml bia.

Người bị tăng huyết áp nên bổ sung những thực phẩm nào?

Người tăng huyết áp nên sử dụng sinh tố trái cây để tăng cường vitamin, sử dụng sữa không đường, ít béo, để bổ sung thêm canxi (khoảng 1-2 cốc sữa/ngày), và cần uống đủ nước (>1500ml/ngày).

Ăn nhiều rau xanh, các loại củ và quả chín để cung cấp nhiều chất xơ, kali, magiê, vitamin C and vitamin A, đây là những chất dinh dưỡng có ảnh hưởng tốt tới huyết áp.

Những loại thực phẩm giàu kali như quả bơ, nước ép cà chua, nước ép cam, dưa gang, quả chà là, quả mơ khô, sữa chua… cũng nên bổ sung trong khẩu phần ăn hằng ngày.

Ngoài ra, các loại chất xơ trong bữa ăn là rất quan trọng. Lợi ích lớn nhất của chất xơ với bệnh nhân tăng huyết áp là các sợi xơ tạo thành gel hòa tan trong nước như các loại rau (trong đó rau là loại cung cấp chất xơ rất tốt cho người bị tăng huyết áp), yến mạch, táo, đậu đỗ, thanh long, bưởi, cam gọt vỏ,… Các chất xơ này ngoài lợi ích chống tăng huyết áp, chúng còn giúp giảm cân, gắn với các kim loại nặng có hại trong cơ thể để thải ra ngoài. Nên sử dụng đủ rau, quả với lượng trung bình là 400 g/người/ngày, với người cao huyết áp nên ăn 500g mỗi ngày; và có thể ăn 100-300g quả chín mỗi ngày.

Ngoài ra, người tăng huyết áp cần đưa ra cho mình lịch trình đi lại, nghỉ ngơi phù hợp, giảm căng thẳng, không quá gắng sức, không quên kiểm tra cân nặng; Cần chú ý các bài tập luyện như đi bộ, yoga, thái cực quyền cho mỗi buổi sáng (trung bình 30 phút)…

5 món canh ngon, bổ cho người bệnh tăng huyết áp

PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết chế độ dinh dưỡng có tác động đến việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN