Gần một nửa dân số Việt Nam bị tăng huyết áp

Sự kiện: Bệnh huyết áp

Theo điều tra mới nhất của Hội Tim mạch học Việt Nam, có gần 48% người Việt Nam bị mắc bệnh tăng huyết áp, trong đó, có 39% người bị tăng huyết áp không được phát hiện.

Gần một nửa dân số Việt Nam bị tăng huyết áp - 1

GS.TS Nguyễn Lân Việt cho biết, Việt Nam có tới 48% người bị tăng huyết áp.

Sáng 14.5, tại Hà Nội, Hội Tim mạch học Việt Nam và Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam tổ chức buổi họp báo giới thiệu chính thức thông tin về Hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ II với chủ đề “Tiếp cận đa ngành với tăng huyết áp”

Tăng huyết áp (THA) là một vấn đề rất thường gặp trong cộng đồng, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm, đồng thời là nguyên nhân gây suy tim và đột quỵ não; là nguyên nhân hàng thứ hai gây nhồi máu cơ tim cấp.

Tỷ lệ người mắc THA ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ hóa. Vào năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới có tới 972 triệu người bị THA và con số này được ước tính là vào khoảng 15,6 tỷ người vào năm 2025.

Hiện nay, cứ trung bình 10 người lớn có 4 người bị THA. Theo WHO, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần 3 bệnh lý là HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp là trên 7 triệu người.

Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị THA, đến năm 2009, tỷ lệ THA ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị THA đang ở mức báo động là 48%, một mức báo động đỏ ở trong thời điểm hiện tại.

Gần một nửa dân số Việt Nam bị tăng huyết áp - 2

Các giáo sư phân tích về tỉ lệ THA ở Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Giám đốc Chương trình quốc gia Phòng chống tăng huyết áp cho biết, theo thống kê năm 2015 của Hội Tim mạch học Việt Nam trên 5.454 người trưởng thành (>= 25 tuổi) trong quần thể 44 triệu người tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc, kết quả cho thấy, có 52,8% người Việt có huyết áp bình thường (23,2 triệu người), có 47,3% người Việt Nam (20,8 triệu người) bị tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những người bị tăng huyết áp, có 39,1% (8,1 triệu người) không được phát hiện bị tăng huyết áp; có 7,2% (0,9 triệu người) bị tăng huyết áp không được điều trị; có 69,0% (8,1% triệu người) bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được.

Bệnh THA được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi hầu hết người cao huyết áp không có triệu chứng lâm sàng, một số ít biểu hiện triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, ù tai,…

Nói về độ nguy hiểm của căn bệnh THA, GS.TS Phạm Gia Khải, nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ, nhiều người không biết mình bị bệnh THA, do đó, nhiều trường hợp đột tử nhưng trước đó 1-2 phút họ vẫn nói chuyện bình thường và cảm thấy khỏe mạnh.

Để phòng ngừa cũng như hạn chế tác hại từ căn bệnh THA, GS Việt khuyến cáo, mọi người nên nhớ con số huyết áp của mình như nhớ tuổi. Bên cạnh đó cần có chế độ dinh dưỡng như không ăn mặn, giảm bớt thực phẩm có axit béo, mỡ động vật, gan, não, trứng,…

Hạn chế uống rượu bia, cần giảm cân với người béo phì, nên vận động thể lực mỗi ngày như đi bộ 30 – 45 phút, vận động thể lực nhẹ nhàng 4-5 ngày 1 tuần. Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị sớm bệnh (nếu có).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Phương ([Tên nguồn])
Bệnh huyết áp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN