Sưng nửa mặt chỉ vì lỗ hở bằng đầu tăm ở tai

Sự kiện: Tin ngắn

Theo các chuyên gia tai mũi họng, rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh. Ban đầu nó không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ, nhưng nếu vệ sinh kém có thể gây áp xe nguy hiểm.

Sưng nửa mặt chỉ vì lỗ hở bằng đầu tăm ở tai - 1

Hình ảnh rò luân nhĩ

Khổ sở với lỗ rò bằng đầu tăm gần tai

Rò luân nhĩ chỉ là cái lỗ nhỏ, ít ai để ý. Chỉ đến khi nó gây áp xe thì mọi người mới tìm đến bác sĩ.

Chị Nguyễn Thu Hà trú tại Kiến Xương, Thái Bình lên khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng, Trung ương với triệu chứng sưng nửa mặt, nguyên nhân được xác định là do lỗ rò luân nhĩ.

Chị Hà kể, từ bé chị đã thấy tai mình có lỗ nhỏ xíu và chảy dịch mùi rất hôi. Chị chẳng để ý đến dị tật này vì trong nhà, em trai chị cũng bị nhưng không bị chảy dịch như chị Hà.

Lâu dần, mỗi khi chảy dịch chị lại lấy khăn lau. Tuy nhiên, hai năm nay, thi thoảng chị lại bị viêm tai.

Chị Hà đi khám, bác sĩ kê đơn kháng sinh về uống nhưng cứ hết đợt này đến đợt khác, bệnh không thấy khỏi. Chị sợ động dao kéo nên không đi phẫu thuật. Đến giờ, vết rò đóng mủ, gây áp xe sưng nửa mặt, động vào đâu cũng đau.

Chị Hà đến khám bác sĩ kê đơn kháng sinh uống đồng thời hẹn 1 tháng sau khám lại để phẫu thuật cắt bỏ đường rò, tránh biến chứng.

Cũng giống trường hợp của chị Hà, mẹ con chị Hoàng Thị Ngọc trú tại Văn Giang, Hưng Yên cũng bị rò luân nhĩ. Chị Ngọc cho biết, từ nhỏ chị đã bị rò luân nhĩ nhưng chưa bị viêm, sưng bao giờ. Riêng con gái chị 7 tuổi đã hai lần áp xe. Lần này, bác sĩ chỉ định mổ nhưng chị còn đang e dè vì sợ cháu bé quá.

Chị Ngọc cho biết, bé thường xuyên bị chảy dịch ở lỗ rò. Đặc biệt có hôm ngủ dậy dịch chảy ướt gối, rất mất vệ sinh. Có thể đó là nguyên nhân khiến cháu hay bị áp xe ở vùng rò.

Em Trần Thu Hường trú tại Nam Trực, Nam Định cũng bị rò luân nhĩ, đã vào viện làm thủ thuật hai lần nhưng chưa được. Lần thứ nhất Hường vào khám, bác sĩ cho biết phải điều trị khỏi viêm mới phẫu thuật được. Lần thứ hai cách đây 2 tháng cô vào làm thủ tục để làm thủ thuật thì lại đến chu kỳ con gái nên đành ra về.

Khi nào nên phẫu thuật rò luân nhĩ?

PGS TS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện An Việt - cho biết, rò luân nhĩ là một dạng dị tật bẩm sinh do khe mang thứ nhất khép không kín trong thời kỳ phôi thai. Bệnh mang tính chất di truyền. Bình thường lẽ ra đường này mất ngay khi em bé sinh ra nhưng sẽ là bất thường khi lớn vẫn còn đường rò đó.

Bên trong lòng ống là nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã... nên khi đường rò này hoạt động, các chất tuyến bã hoạt động tiết ra các chất bã nhờn, bã đậu trong đường rò đó, gây ra mùi khó chịu.

Dịch nhầy này dễ khiến cha mẹ của trẻ, thậm chí người bị rò luân nhĩ, hiểu lầm là mủ nên thường có thói quen nặn hoặc đưa tăm bông vào lỗ rò để vệ sinh cho trẻ. Thao tác này vô tình đưa vi trùng vào sâu trong lỗ rò.

PGS An cho biết, khi các chất bã tắc ở cái cửa lỗ rò, các chất bẩn không ra ngoài sẽ gây viêm, sưng tấy, áp xe xung quanh lỗ rò. Có trường hợp mủ ứ đọng gây sưng tấy, bác sĩ phải điều trị hết áp xe và bóc tuyến bã này đi. Còn trường hợp lỗ rò không gây viêm, không tạo mủ thì bệnh nhân không nên quá lo lắng vì có thể sống chung với dị tật này suốt đời.

Hiện nay việc bóc tuyến rò này không quá cầu kỳ, bác sĩ chỉ làm thủ thuật và bệnh nhân không phải điều trị nội trú.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN