Rét đậm, rét hại làm tăng nguy cơ đột quỵ, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Sự kiện: Đột quỵ

Mọi triệu chứng của đột quỵ đều xuất hiện đột ngột như tê chân, tay một bên, méo miệng, nói khó, nhìn mờ. Một số người có biểu hiện chóng mặt, đau đầu.

Rét đậm, rét hại làm tăng nguy cơ đột quỵ, bác sĩ chỉ cách phòng tránh - 1

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay (20/12), các tỉnh miền Bắc chuyển rét khô, rét đậm, rét hại.

Thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Khi trời lạnh, nhiều người có xu hướng ít vận động, dẫn tới tăng cân. Đó cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.

Mới đây, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận trường hợp ông N.Q.V (67 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ) được con cháu đưa vào viện cấp cứu, biểu hiện liệt nửa người, nói khó. Trước đó, người nhà phát hiện ông nằm bất động trước cửa nhà vệ sinh.

Bác sĩ chẩn đoán ông V. bị nhồi máu não. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, mắc bệnh mạch vành nhưng không sử dụng thuốc đều đặn. Bác sĩ đã kê thuốc tiêu sợi huyết, ông V. đang hồi phục.

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 6 bệnh nhân bị đột quỵ, những ngày lạnh sâu.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Ân - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, những thay đổi đột ngột của thời tiết nhất là lạnh cực đoan làm gia tăng số ca mắc. Với những người có bệnh lý nền, nguy cơ này càng cao.

Nguyên nhân chính là khi gặp lạnh, cơ thể sinh ra phản xạ tự bảo vệ và co mạch, giữ ấm cho cơ thể. Ở người có bệnh lý nền, mức độ đàn hồi của mạch máu giảm, áp lực trong lòng mạch tăng lên khiến huyết áp tăng cao gây vỡ mạch máu não, xuất huyết não.

Cách phòng tránh đột quỵ khi trời lạnh

Theo bác sĩ Ân, mọi triệu chứng của đột quỵ đều xuất hiện đột ngột như tê chân, tay một bên, méo miệng, nói khó, nhìn mờ. Một số người có biểu hiện chóng mặt, đau đầu.

Bệnh nhân đột quỵ phải được cấp cứu kịp thời vì não bộ cần cung cấp oxy trở lại. Nếu chậm, vùng não sẽ chết, người bệnh có thể tử vong. Thời gian vàng cấp cứu là 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Người nhà cần đưa bệnh nhân tới cơ sở uy tín, không nên qua cơ sở y tế chưa có chuyên môn điều trị đột quỵ, trì hoãn thời gian cấp cứu. Bệnh nhân có thể dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối cơ học.

Thường khi trời trở lạnh, số bệnh nhân nhập viện do biến chứng cao huyết áp tăng rõ rệt. Một nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, có gần 70% người bệnh không biết mình bị cao huyết áp cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện TƯ Quân đội 108, tăng huyết áp có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Trời rét sẽ làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, dễ gây ra tai biến. Nhất là với người già, khi ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực.

Dấu hiệu nghi ngờ

Các dấu hiệu nghi ngờ do biến cố tim mạch gồm: đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực; khó thở có thể xảy ra kèm hoặc không kèm với tức ngực; vã mồ hôi, buồn nôn, hay nhức đầu.

Trong khi đó, dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch não là: đột ngột tê (hay yếu) một bên mặt, tay hoặc chân; đột ngột choáng, nói khó; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân…

Theo các chuyên gia, đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên; giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.

Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.

Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị tiểu đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol.

Và vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng (3 giờ đầu) của não.

Nguồn: [Link nguồn]

Cụ bà chưa từng có tiền sử bệnh bỗng dưng bị đột quỵ, bác sĩ lưu ý với người cao tuổi

Cụ N. (Thanh Ba, Phú Thọ) có tiền sử khỏe mạnh, chưa từng phát hiện tiền sử bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường,…)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TUẤN ANH ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN