Khổ sở với cân nặng và sức khỏe yếu khi không thể ngừng ăn khuya

Khi bạn không thể ngừng ăn khuya do tính chất công việc thì hãy cố gắng chọn thức ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe.

Không thể ngừng ăn đêm

Với đặc tính công việc truyền thông của mình, Minh Thanh (26 tuổi, TP.HCM) cho biết chị vẫn thường phải thức khuya để giải quyết xong các công việc, và tần suất thức đêm trở nên dày đặc hơn vào những dịp cuối năm. Cũng vì thức khuya nên Thanh thường xuyên phải ăn đêm để có sức làm việc, nhưng cũng chính thói quen này đã khiến chị tăng cân nhanh chóng.

“Vẫn biết rằng ăn đêm không tốt cho sức khỏe, cũng gây béo bụng nhưng không ăn đêm thì mình không có sức làm việc. Chính vì thế mình bị mắc kẹt giữa ăn đêm sợ mập mà không ăn đêm thì không có sức làm việc”, chị Thanh chia sẻ.

Giống như Minh Thanh, anh Đình Tú (32 tuổi, TP.HCM) là một lập trình viên nên thường xuyên thức khuya để làm việc. Ý thức được ăn đêm không tốt cho sức khỏe, anh Tú đã lùi giờ ăn tối muộn hơn thông thường vào lúc 19g30 tối để no lâu hơn, nhưng theo Tú, chỉ cần 1 – 2 giờ đêm cơ thể anh lại mệt mỏi và thèm ăn, khó tập trung vào công việc.

“Những lúc bận tôi thường ăn đồ ăn liền như mì gói, phở gói, hủ tiếu… Nhưng ăn nhiều và ăn liên tục sẽ không tốt cho sức khỏe, nên gần đây tôi đã chuyển qua ăn các loại hạt để no lâu hơn, mặc dù chưa quen lắm với việc ăn uống này nhưng vì sức khỏe lâu dài nên tôi vẫn cố gắng”, anh Tú chia sẻ.

Vì tính chất công việc nhiều người trẻ phải thức khuya và không thể ngừng ăn đêm. ẢNH: Pexels

Vì tính chất công việc nhiều người trẻ phải thức khuya và không thể ngừng ăn đêm. ẢNH: Pexels

Ăn khuya sẽ khiến hệ tiêu hóa "làm việc" xuyên đêm

Bác sĩ chuyên khoa II, Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó chủ tịch Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết, ăn uống muộn hơn 20 giờ sẽ có một số tác động không tốt cho sức khỏe. Đơn cử như ăn khuya sẽ gây quá tải cho hệ thống tiêu hóa của cơ thể, bởi về mặt sinh lí, ban đêm là lúc cơ thể cần được nghỉ ngơi, nhưng nếu chúng ta vẫn nạp thức ăn vào thì hệ tiêu hóa vẫn sẽ phải tiết ra dịch vị, dịch tiêu hóa để xử lí thức ăn.

Thêm vào đó, khi ăn khuya chúng ta thường không vận động mà đi ngủ ngay, năng lượng từ thức ăn đi vào cơ thể sẽ tích trữ khiến cơ thể dễ bị thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, ăn khuya còn có liên quan đến các nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tinh thần, tim mạch, thậm chí gây ra các bệnh sâu răng, viêm nướu.

Làm sao để ăn đêm hiệu quả?

Không chỉ Minh Thanh, Đình Tú mà có lẽ rất nhiều người vẫn biết việc thức khuya và ăn khuya vốn không mang lại những lợi ích sức khỏe, nhưng vì tính chất công việc nhiều người vẫn không thể từ bỏ thói quen này.

Tiến sĩ Sarah Musleh, chuyên gia nội tiết tại Anzara Health, chia sẻ trên tờ Insider rằng, ảnh hưởng của việc ăn khuya có thể khác nhau dựa trên đặc điểm cá nhân, loại thức ăn và lượng ăn. Vì thế rất khó để kết luận xem ăn khuya là tốt hay xấu.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên ngừng ăn khuya trong khung giờ nhất định trước khi đi ngủ, mặc dù thời gian chính xác bạn ăn bữa cuối cùng trong ngày tùy thuộc vào giờ đi ngủ của bạn. Cùng với đó việc lựa chọn thức ăn khuya cũng là cách giúp bạn tiết giảm những tác hại cho cơ thể.

Tiến sĩ Robert Lustig, chuyên gia thần kinh học và giáo sư tại Đại học California, San Francisco nói: “Nếu bạn đói và cần ăn gì đó trước khi đi ngủ thì nên chọn những loại thực phẩm giúp bạn mang lại giấc ngủ ngon hơn”.

Một số thức ăn có thể kể đến như các loại hạt, hạnh nhân, óc chó, sữa chua nguyên chất, cherry, kiwi, trà hoa cúc. Bạn cũng cần tránh các loại thức uống chứa caffeine, rượu, bia thức ăn cay, nhiều dầu mỡ, đồ ăn giàu carbohydrate tinh chế và đường như bánh mì trắng, mì ống…

Nguồn: [Link nguồn]

Thanh niên 29 tuổi phát hiện bị ung thư do thường xuyên ăn đêm bằng những thực phẩm này

Các chuyên gia cảnh báo, một chế độ ăn không hợp lý, nhiều chất béo, ít chất xơ… là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HẠ QUYÊN ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN