Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW: "Chúng tôi không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân..."

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, mật độ tại cơ sở 2 của bệnh viện này đang rất đông, rất cần giải phóng lượng bệnh nhân thường để đón bệnh nhân COVID-19 mới...

Nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K sáng 12/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định sau khi phát hiện ca bệnh trong bệnh viện, các bệnh viện đã cố gắng, tập trung với mức độ cao nhất để khoanh vùng, dập dịch.

"Thực tế, đến nay, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước và hai bệnh viện" – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định. Tuy nhiên, để rà soát biện pháp chống dịch trên cả nước, đặc biệt là hai bệnh viện lớn, Bộ Y tế họp bàn với các lãnh đạo và hai cơ sở y tế này để đưa ra pháp giải tỏa cách ly sớm nhất.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định đang kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước và hai bệnh viện

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định đang kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước và hai bệnh viện

"Chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân..."

TS Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, tới sáng 12/5, cơ sở 2 của Bệnh viện đang điều trị 284 bệnh nhân dương tính, 21 bệnh nhân thường, 15 người nhà.

Trong số các bệnh nhân COVID-19 có 9 nhân viên y tế và học viên, 13 bệnh nhi. Ngoài 5 ca nguy kịch, còn có 11 bệnh nhân thở oxy, 14 bệnh nhân nặng.

Với số lượng người đang điều trị, cách ly trong bệnh viện đông, mật độ dày, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bày tỏ mong muốn được chuyển các bệnh nhân thường (không mắc COVID-19) nặng và không nặng đã có 3 lần âm tính tới các cơ sở y tế khác.

BS Thạch cho biết bệnh viện ở các địa phương xung quanh Hà Nội vẫn chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. 

BS Thạch cho biết bệnh viện ở các địa phương xung quanh Hà Nội vẫn chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. 

"16 tháng nay chúng tôi đã làm nhiệm vụ điều trị COVID-19 rồi, chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2-3 lần, chỉ mong "giải phóng" bớt bệnh nhân thường, bệnh nhân nặng, để nhận bệnh nhân COVID-19 mới" - TS Thạch nhắn nhủ.

Ông chia sẻ, sau khi có bác sĩ xét nghiệm dương tính, toàn thể thầy thuốc ở đây đều trở thành F1. Nhưng với lượng bệnh nhân đông, ngoài những cán bộ y tế dương tính phải điều trị bệnh, còn lại các F1 là thầy thuốc vẫn phải tham gia phòng chống dịch theo các cách khác nhau.

Tại Bệnh viện, có một bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 bị vỡ lách, các bác sĩ ngoại khoa ở đây đã mổ cấp cứu. Các trường hợp thai sản được các tuyến chuyển trong đêm, Bệnh viện vẫn mổ...

Đa phần bệnh nhân không triệu chứng 

Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng chia sẻ giải trình tự gene cho thấy biến chủng virus tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ đã xâm nhập cơ sở y tế này. Đa số người mắc không có triệu chứng, do đó, việc khám sàng lọc, đo nhiệt độ không thể phát hiện. 

Theo ông Thạch, đến nay, các khu mắc bệnh đều nằm ở khu kiểm soát, cách ly. Ông nhận định khả năng trong tuần này, Bệnh viện sẽ cơ bản kiểm soát được bệnh nhân COVID-19.

Tại Bệnh viện K, PGS.TS Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện cho hay, ngoài xét nghiệm lần 1 cho toàn bộ nhân viên, các khoa có nguy cơ cao đã xét nghiệm lần 2, lần 3. Hiện tại, Khoa Ngoại gan - mật - tụy không phát hiện thêm ca bệnh nào trong viện. Người dương tính với SARS-CoV-2 là những trường hợp F1 trong khu cách ly.

Cán bộ y tế Bệnh viện K động viên tinh thần bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại cơ sở 3 của bệnh viện này.

Cán bộ y tế Bệnh viện K động viên tinh thần bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại cơ sở 3 của bệnh viện này.

Đến nay, số ca bệnh COVID-19 liên quan Bệnh viện K là 19 người, gồm 12 bệnh nhân, người nhà (phát hiện trong bệnh viện) và 7 trường hợp trong khu cách ly ở Hà Nội. 

PGS Quảng cũng chia sẻ việc sàng lọc người vào viện rất khó khăn vì không có triệu chứng. Nếu chỉ đo thân nhiệt, hỏi dịch tễ, Bệnh viện rất khó phát hiện người dương tính. Trong khi đó, xét nghiệm trước khi vào viện cũng rất khó.

Theo PGS Quảng, hiện nay Bệnh viện đang chịu áp lực lớn, đặc biệt từ bệnh nhân ung thư đang trì hoãn điều trị với khoảng 15.000 người. Bệnh viện đã phân công cho các khoa, phòng gọi điện trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân theo dõi sức khoẻ. Đến hôm nay đã gọi gần hết cho các bệnh nhân. 

Dự kiến cuối tuần này, Bệnh viện K hoàn thành xét nghiệm lần 2 với toàn bộ nhân viên ở 3 cơ sở. Nếu họ có kết quả âm tính, Bệnh viện K đề xuất Bộ Y tế xem xét mở cửa lại cơ sở 1 (Phan Chu Trinh) và 2 (Tam Hiệp).

Lãnh đạo Bệnh viện K cũng kiến nghị, đề nghị hỗ trợ cho các F1 đang cách ly tại bệnh viện, hỗ trợ test nhanh, tạo điều kiện cho bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới…

Rà soát toàn diện 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị hai bệnh viện rà soát lại khâu tổ chức điều hành trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó, rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch của bệnh viện với các tiểu ban Tiền phương và Hậu phương. 

Dịch hiện nay đã lan ra 26 tỉnh, thành, nhưng có 3 tỉnh gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc rất cần hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Thứ trưởng đề nghị Cục Y tế dự phòng sớm tham mưu để có tổ về các địa phương "hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn, cứ không phải xuống tăng cường, không cắm chốt" như ở Hải Dương hay Đà Nẵng.

Rà soát kế hoạch phòng chống dịch ở trong từng bệnh viện - Thứ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta phải có kế hoạch mới làm được. Không phải cứ chờ sau khi có dịch mới chạy theo nó thì rất khó". Trong đó, kế hoạch phải đưa ra các tình huống không có ca bệnh; khi xuất hiện ca bệnh… chi tiết, cụ thể, thực hiện nghiêm theo phương châm "4 tại chỗ".  

Yêu cầu rà soát lại công tác sàng lọc trong Bệnh viện cũng được Thứ trưởng đưa ra. Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết về phân luồng, khám sàng lọc những người đến viện.  

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đi kiểm tra công tác phòng dịch tại Hưng Yên.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đi kiểm tra công tác phòng dịch tại Hưng Yên.

"Tôi đi các bệnh viện kiểm tra thì thấy phân luồng, khám sàng lọc rất tốt. Vấn đề quan trọng là sau khi đoàn kiểm tra rút đi thì bệnh viện có duy trì được như lúc đoàn kiểm tra đến không?" - Thứ trưởng đặt vấn đề.

Trong sàng lọc, định kỳ ít nhất 7 ngày phải xét nghiệm cho cán bộ, nhân viên làm việc ở nơi có nguy cơ như bộ phận tiếp đón bệnh nhân khoa khám bệnh, cấp cứu, thận nhân tạo, hô hấp và truyền nhiễm. "Dứt khoát sàng lọc đối tượng nguy cơ, tiến tới sàng lọc toàn bộ nhân viên, người bệnh trong bệnh viện" - ông nhấn mạnh.

Các bệnh viện phải chuẩn bị phải sẵn sàng cơ sở vật chất chuẩn bị thu dung bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân, phải rà soát lại quy chế, hướng dẫn, quy trình thực hiện các khu điều trị bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo, lây nhiễm ra cộng đồng.

Đối với bệnh viện khác bố trí một khu sẵn sàng khi phát hiện bệnh nhân dương tính phải chuyển đến khu đó để điều trị khi chưa chuyển đi được nơi khác. Tất cả phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 Bộ Y tế đã hướng dẫn rõ. 

Theo đánh giá, trên 80% bệnh nhân COVID-19 ở Việt Namm không cần hỗ trợ thở máy, chưa cần sử dụng biện pháp hỗ trợ khác, chủ yếu điều trị bằng thuốc, chế độ ăn, luyện tập để nâng cao thể trạng.

Trong tình hình hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các bệnh viện thường xuyên nhắc nhở nhân viên, người nhà, bệnh nhân. Mỗi cơ sở y tế cần có hệ thống phát thanh để nhắc nhở những nơi đông người như phòng khám, yêu cầu thực hiện 5K, tránh tụ tập.  

Mỗi bệnh viện cần rà soát quy chế ra, vào thăm bệnh nhân; có thời gian cụ thể, hạn chế người thăm bệnh. Lấy ví dụ từ ổ dịch ở Mão Điền, Thuận Thành (Bắc Ninh) khi một thôn thuê xe 16 chỗ lên thăm người quen ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào dịp nghỉ lễ, mấy ngày sau phát hiện có 6 người trên xe nhiễm bệnh.

Riêng với hai bệnh viện đang phong tỏa, cách ly y tế, ông chỉ đạo rà soát lại kỹ tất cả bệnh nhân, người khám chữa bệnh. Thời gian rà soát là 14/4 ngày trở lại đây với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và từ 16/4 với Bệnh viện K.

Các bệnh viện cần thông báo về địa phương, giao cho công an, y tế rà soát, giám sát những ca nghi ngờ để tìm ra F0.

"Bộ đã ra quyết định phong tỏa, cách ly y tế nên đề nghị tất cả viện chấp hành nghiêm các quy định, nội bất xuất, ngoại bất nhập, buồng bệnh nào ở buồng bệnh đó, khoa nào ở khoa đó", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh với lãnh đạo hai bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và K.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ trưởng Y tế: “Giặc” COVID-19 lan rộng ra nhiều tỉnh, thành, chúng ta không được phép chậm trễ

“Giặc” COVID-19 không chỉ xuất hiện ở một số địa phương như trước đây, mà đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN