Từ vụ diễn viên hài Anh Vũ đột tử do tắm khuya: Những người tuyệt đối không nên tắm khuya?

Sự kiện: Sống khỏe

Nhiệt độ nước lý tưởng để tắm là bằng nhiệt độ cơ thể, không quá nóng, quá lạnh.

Mới đây, nam danh hài Anh Vũ qua đời ở tuổi 47. Một thành viên của gia đình cho biết: "Anh ấy đi diễn về khuya nhưng vẫn tắm, bị đột quỵ và rồi ra đi lúc nào không ai biết".

Khi nói về trường hợp này, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, thực ra tắm thời điểm nào cũng như nhau. Tuy nhiên, nếu bị nhiễm lạnh nhiều hay thay đổi nhiệt độ đột ngột thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt đối với người có tăng huyết áp. Chính vì vậy, người có tiền sử huyết áp, tim mạch không nên tắm khuya vì thông thường đêm khuya thì dễ nhiễm lạnh hơn.

Từ vụ diễn viên hài Anh Vũ đột tử do tắm khuya: Những người tuyệt đối không nên tắm khuya? - 1

Khi tắm, nếu bị nhiễm lạnh nhiều hay thay đổi nhiệt độ đột ngột thì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe

Theo bác sĩ, đột tử sau khi tắm khuya thường xảy ra trên nền những bệnh lý mãn tính có sẵn như tim mạch, huyết áp, mỡ máu. Đặc biệt, trong điều kiện kết hợp với các yếu tố như ăn uống no, say rượu, ngủ trong phòng lạnh… sẽ rất dễ xảy ra các tai biến nguy hiểm với cơ thể.

TS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai khuyến cáo, để tránh hiện tượng choáng váng sau tắm, cơ thể cần làm quen với nước từ từ bằng cách để vùng chân, tay tiếp xúc với nước trước rồi mới đến toàn thân.

Nhiệt độ nước lý tưởng để tắm là bằng nhiệt độ cơ thể, không quá nóng, quá lạnh, tốt nhất từ 38 độ trở xuống và cần tắm ở nơi kín gió. Trường hợp tắm nước quá nóng đột ngột sẽ phá vỡ chất dầu trên da, nở lỗ chân lông, giãn huyết quản, tăng áp lực cho tim.

Ngoài ra, mọi người nên vận động nhẹ nhàng để làm ấm cơ thể trước khi tắm. Sau khi ngâm mình trong nước nóng, cần đứng dậy một cách từ từ.

Mọi người cũng không nên tắm quá lâu (không nên quá 10 phút) hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Vào những đợt lạnh sâu, không cần tắm hằng ngày, chỉ cần 2-4 buổi/tuần.

Những người vừa ra ngoài về cơ thể đang lạnh, vừa đi thể dục về không nên tắm nước nóng ngay, nhất là khi tắm xong ra ngoài không mặc đủ ấm sẽ dễ bị nhiễm lạnh, bị cảm. Khi ăn no, cần phải nghỉ ngơi 1-2 tiếng trước khi tắm.

BS Chính cũng lý giải về hiện tượng choáng váng sau khi tắm nước nóng là do nhiệt làm giãn mạch máu dưới da, cơ thể sẽ cố gắng tự làm mát bằng cách tăng dòng máu tới các khu vực bề mặt lớn gần nhất với môi trường bên ngoài.

Máu bị dồn ra ngoại vi nhiều hơn và gián tiếp làm giảm dòng máu ở các khu vực trung tâm của cơ thể, đặc biệt khi đứng dậy nhanh khiến cho nhu cầu máu ở các khu vưc trung tâm tăng (cung lượng tim cần được bồi phụ nhanh). Tất cả những điều này làm giảm dòng máu lên não khiến cho bạn bị chóng mặt hoặc lâng lâng và thậm chí có thể gây ngất xỉu.

Do vậy, cần giữ mình trong nước và đứng dậy một cách từ từ khi bạn tắm nước nóng. Cần đi khám bác sĩ để đảm bảo rằng tim mạch và huyết áp của bạn bình thường sẽ giúp bạn dự phòng được hiện tượng này.

Bà mẹ 2 con đột tử vì thói quen dùng điện thoại rất nhiều người mắc phải

Mới đây, một bà mẹ trẻ họ Đổng, 27 tuổi ở Chiết Giang, Trung Quốc được phát hiện đã tử vong trên giường vào buổi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN