Cô gái 26 tuổi suýt vỡ ruột thừa sau cơn đau bụng dữ dội

Sự kiện: Đau ruột thừa

Trước khi nhập viện 2 ngày, người bệnh xuất hiện các triệu chứng: đầy bụng khó tiêu và đau bụng, thường được cảm nhận ở vùng quanh rốn.

Các bác sĩ Bệnh viện E vừa cấp cứu và phẫu thuật thành công cứu sống một người bệnh (nữ, 26 tuổi, quốc tịch Philippines) bị áp xe ruột thừa trong ổ bụng.

TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu, Nam học, Bệnh viện E cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy hiểm: đầy bụng, đau dữ dội quanh vùng rốn, buồn nôn, nôn và chán ăn…

Các bác sĩ cấp cứu đã khám lâm sàng phát hiện người bệnh đau phản ứng kèm xuất hiện khối ở vùng bụng hố chậu phải. Ngay lập tức, người bệnh được các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm, siêu âm bụng, chiếu chụp cần thiết và xác định người bệnh bị áp xe ruột thừa trong ổ bụng có biểu hiện nhiễm khuẩn nặng.

Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân. 

Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân. 

Theo khai thác tiền sử bệnh án, trước đó hai ngày, người bệnh xuất hiện các triệu chứng: đầy bụng khó tiêu và đau bụng ít thường được cảm nhận ở vùng quanh rốn. Tuy nhiên, với các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm ruột thừa rất dễ nhầm với nhiễm khuẩn đường ruột nên người bệnh đến khám tại một cơ sở y tế tư nhân. Sau đó, cơn đau trở nên nổi bật hơn ở phần phải của bụng dưới kèm với biểu hiện của nhiễm khuẩn nặng.

Trong ca mổ cấp cứu diễn ra khoảng hơn 60 phút, các phẫu thuật viên đã lựa chọn phương án can thiệp bằng phẫu thuật nội soi qua ổ bụng.

Cái khó của ca bệnh này chính là khối áp xe ruột thừa trong ổ bụng (nằm giữa khoang bụng), cần được phẫu thuật để giải quyết cùng lúc ổ áp xe và cắt ruột thừa viêm. Các phẫu thuật viên tiến hành quan sát toàn ổ bụng đánh giá tình trạng ổ áp xe, có thể hút dịch tiết hoặc dịch mủ (nếu có) ở khoang bụng tự do. Sau đó, tiến hành phẫu tích để vào ổ áp xe, khéo léo không để mủ tràn vào khoang bụng và làm tổn thương các quai ruột non cạnh ổ áp xe. Tìm ruột thừa viêm và cắt ruột thừa theo kỹ thuật mổ nội soi, sau đó hút rửa, làm sạch ổ áp xe, kiểm tra các quai ruột, toàn ổ bụng và đặt dẫn lưu ổ bụng…

ThS.BSNT Phùng Văn Quyên – Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Bệnh viện E, bác sĩ trực tiếp tham gia ca mổ, giải thích thêm, áp xe ruột thừa là biến chứng của viêm ruột thừa cấp: khi ruột thừa hoại tử vỡ được các mạc nối lớn, mạc treo ruột và ruột non bao bọc tạo thành một ổ mủ vì thế còn có tên gọi là viêm phúc mạc khu trú. Áp xe ruột thừa thường được chỉ định điều trị chọc hút, dẫn lưu. Nhưng đối với trường hợp người bệnh này, ổ áp xe nằm sâu bên trong ổ bụng chỉ có thế can thiệp được bằng phẫu thuật nội soi.

ThS.BSNT Phùng Văn Quyên khuyến cáo, viêm ruột thừa là một căn bệnh thường gặp, có thể điều trị một cách dễ dàng nhưng nếu người bệnh chủ quan tự ý điều trị hoặc dùng thuốc kháng sinh, giảm đau thì có thể bị biến chứng gây nguy hiểm tính mạng. Vì thế, khi thấy những dấu hiệu bệnh như: đau bụng âm ỉ vùng hố chậu, đau dữ dội từng cơn, chán ăn, ăn không ngon miệng, rối loạn tiêu hóa, chức năng đại tiện, một số bệnh nhân có thể sốt cao, cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

Viêm ruột thừa ở trẻ em thường không có các biểu hiện điển hình và khó phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Vì vậy, khi trẻ có các triệu chứng như: Đau bụng quanh rốn hoặc hố chậu phải, sốt, nôn, đại tiện lỏng, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn... cần được khám sớm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TUẤN ANH ([Tên nguồn])
Đau ruột thừa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN