Bé 5 tuổi nguy kịch vì vỡ ruột thừa khi cha mẹ chủ quan với các dấu hiệu thường gặp

Sự kiện: Sống khỏe

Bé trai 5 tuổi đã phải nhập viện nguy kịch vì ruột thừa bị vỡ, mủ tràn ra ổ bụng chỉ sau 2 ngày xuất hiện dấu hiệu rất hay gặp mà cha mẹ không nên chủ quan.

Chủ quan với dấu hiệu trẻ đau bụng

Bé T. V. D (5 tuổi, Hà Nội) vừa qua nhập viện trong tình trạng nguy kịch do viêm phúc mạc ruột thừa (ruột thừa bị vỡ, mủ tràn ra ổ bụng) chỉ sau 2 ngày xuất hiện dấu hiệu rất hay gặp mà cha mẹ không nên chủ quan. Theo lời mẹ bé kể lại, thấy con than đau bụng, buồn nôn, chị nghĩ con bị rối loạn tiêu hoá nên cho uống thuốc như bình thường. 

Tuy nhiên, cơn đau của con không thuyên giảm, thậm chí còn kèm theo sốt cao không hạ. Khi những cơn đau bụng của con tăng dần, gia đình vội đưa bé đi cấp cứu. Vào viện, sau khi tiến hành một số xét nghiệm và thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ kết luận bé bị viêm phúc mạc toàn thể do viêm ruột thừa hoại tử. Để cấp cứu kịp thời, bé đã được bác sĩ phẫu thuật nội soi.

Ô bụng bệnh nhi rất nhiều mủ và dịch do ruột thừa viêm hoại tử đã vỡ. Ảnh BVCC

Ô bụng bệnh nhi rất nhiều mủ và dịch do ruột thừa viêm hoại tử đã vỡ. Ảnh BVCC

Trong mổ, ê kíp ghi nhận, ổ bụng bệnh nhi rất nhiều mủ và dịch do ruột thừa viêm hoại tử đã vỡ. Các bác sĩ đã cắt thành công ruột thừa cho bệnh nhi, rửa sạch mủ trong bụng và dẫn lưu kèm kháng sinh phổ rộng. Bệnh nhi sức khỏe hồi phục nhanh, xuất viện sau 4 ngày nhờ phẫu thuật nội soi.

Theo BS.CKII Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, rất nhiều trường hợp trẻ gặp nguy hiểm vì cha mẹ chủ quan với các dấu hiệu dễ gặp phải như trường hợp bệnh nhi trên. Khi thấy các con đau bụng, thường cha mẹ dễ dàng bỏ sót dấu hiệu nguy hiểm của bệnh viêm phúc mạc ruột thừa.

Trên thực tế, viêm phúc mạc ruột thừa là một biến chứng nặng, nguy hiểm và hay gặp của bệnh viêm ruột thừa cấp. Nguyên nhân chính là do bệnh không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến tình trạng vỡ mủ vào trong ổ bụng, làm viêm nhiễm khắp ổ bụng, sốc nhiễm trùng, điều trị phức tạp, tốn kém và có thể gây tử vong.

Dễ nguy hiểm tính mạng

Viêm phúc mạc ruột thừa là căn bệnh không thể xem nhẹ vì có thể nguy hiểm tính mạng. Viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh, chỉ cần 6-8 giờ có thể vỡ. Do đó, việc phát hiện và chẩn đoán sớm viêm ruột thừa để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm là rất cần thiết nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

BS Nguyễn Văn Thưởng chia sẻ thêm, dấu hiệu để nhận biết viêm phúc mạc ruột thừa ở trẻ không dễ phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Đặc biệt, trẻ chưa biết diễn đạt rõ ràng nên gây khó khăn cho quá trình chẩn đoán. Ngoài dấu hiệu đau bụng, khi thấy trẻ có những biểu hiện như buồn nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa… cha mẹ cũng nên đưa trẻ tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị kịp thời.

Bé 5 tuổi nguy kịch vì vỡ ruột thừa khi cha mẹ chủ quan với các dấu hiệu thường gặp - 2

Để chẩn đoán bệnh viêm phúc mạc ruột thừa ở trẻ em, bác sĩ sẽ kiểm tra lâm sàng, dựa vào triệu chứng mà trẻ gặp phải để chẩn đoán bệnh. Sau khi có đầy đủ thông tin, bác sĩ sẽ tiến hành một số kiểm tra cận lâm sàng giúp xác định tình trạng bệnh viêm phúc mạc ruột thừa ở trẻ chính xác và cụ thể hơn.

Theo chuyên gia y tế, các cận lâm sàng cần tiến hành bao gồm:

+ Xét nghiệm máu: Dựa vào kết quả, bác sĩ sẽ đánh giá trẻ có bị nhiễm trùng hay không. Đồng thời phát hiện những vấn đề khác ở cơ quan bụng (nếu có) như gan hoặc tuyến tụy.

+ Xét nghiệm nước tiểu: Để loại trừ nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng bàng quang hay thận, bởi triệu chứng của các bệnh đó đều tương tự như viêm phúc mạc ruột thừa.

+ Siêu âm ổ bụng: Sử dụng phương pháp sóng âm thanh tần số cao để quan sát ổ bụng, đặc biệt chú ý phần mô và các mạch máu ngay ở ruột thừa.

+ Chụp CT hoặc MRI: Đây là một trong những bước xét nghiệm hình ảnh không thể thiếu để giúp bác sĩ quan sát rõ hơn ruột thừa. Khi đó có thể xác nhận chính xác ruột thừa có bị viêm nhiễm hay tổn thương không.

Nguồn: [Link nguồn]

Đau bụng dữ dội, em bé 3 tuổi ở Hà Nội mắc bệnh lý vô cùng hiếm gặp, đe dọa tính mạng

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng quấy khóc, đau bụng nhiều vùng thượng vị, nôn khan, nôn dịch không có dịch mật và chướng bụng tăng dần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN