Bệnh nhân ung thư vẫn... “yêu” tốt?

Sự kiện: Ung thư

Khi bệnh nhân ung thư bắt đầu việc trị liệu, vẫn có thể duy trì mọi sinh hoạt một cách bình thường, ngay cả trong... “chuyện ấy”.

Bác sĩ (BS) Trần Nguyên Hà, Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, người bệnh càng rối loạn tâm lý nhiều thì mức độ rối loạn tình dục càng lớn. Trong đó, trầm cảm là nguyên nhân thường gặp nhất gây mất ham muốn tình dục.

Sự lo lắng và sợ sệt như sợ đau, sợ chết, sợ tàn phế hay sợ trở thành gánh nặng kinh tế cũng gây giảm ham muốn tình dục. Bên cạnh đó, cơ thể người bệnh cũng thay đổi nhiều do quá trình điều trị. Phẫu thuật có thể gây khiếm khuyết và biến dạng cơ thể; hóa trị gây sạm da, rụng tóc, móng tay, chân bị đen, gãy hoặc có sọc, da bị sạm đen, nổi mụn, ngứa.

Một số thay đổi khác như sụt cân hay tăng cân sẽ ảnh hưởng tới sự hấp dẫn về mặt ngoại hình của người bệnh… Mệt mỏi, thiếu máu và đau không thể kiểm soát cũng góp phần gây ảnh hưởng đến quan hệ chăn gối.

Bệnh nhân ung thư vẫn... “yêu” tốt? - 1

Dù mắc loại bệnh gì thì người bệnh vẫn có thể cảm nhận khoái cảm. (Ảnh minh họa).

Theo BS Nguyên Hà, cho dù mắc loại bệnh gì thì người bệnh vẫn có thể cảm nhận khoái cảm. Khoái cảm rất có lợi đối với người bệnh ung thư nếu vẫn còn nhu cầu “yêu”. Người bệnh cần thổ lộ, chia sẻ với bạn tình và BS của mình. Cần biết, kẻ thù xấu nhất của sức khỏe tình dục là sự im lặng. Người bệnh cần trao đổi với BS về những rối loạn tình dục và phản hồi cho “đối tác”. Khi người bệnh cảm thấy yếu, mệt thì nên chủ động nói với bạn tình để có những ứng xử phù hợp. Khi khỏi bệnh thì không nên “kiêng” chuyện vợ chồng mà nên tham khảo ý kiến BS để được hỗ trợ thông tin về đời sống tình dục của mình.

Quan hệ tình dục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đời sống tâm lý cho cả nam lẫn nữ, giúp người bệnh đối mặt với những rối loạn do bệnh tật và những phương pháp điều trị gây nên. Ngoài ra, bạn tình còn giúp nâng đỡ về mặt tinh thần và góp phần vào quá trình chọn lựa phương cách điều trị cũng như việc điều chỉnh những rối loạn tình dục.

Thực tế, BS điều trị thường ít đề cập đến những ảnh hưởng của bệnh ung thư đối với chuyện “yêu”, thậm chí có những ý kiến gây hiểu lầm cho người bệnh là đời sống tình dục đã chấm dứt.

BS Nguyên Hà cho biết, ở giai đoạn muộn, người bệnh ung thư thường buông xuôi và lúc này sức khỏe họ rất kém để sinh hoạt mặc dù cảm giác “yêu” vẫn còn tồn tại. Lúc này, nhu cầu được yêu thương, được chia sẻ cảm xúc có thể trở nên mãnh liệt. Bạn tình có thể hỗ trợ người bệnh qua sự gần gũi, sẻ chia. Một số người thắc mắc: “Có thể bị nhiễm xạ, hóa chất khi quan hệ tình dục với người bệnh?”. Câu trả lời là không, mặc dù một số thuốc hóa trị có thể hiện diện một lượng nhỏ trong tinh dịch hoặc dịch âm đạo. Nên tham khảo ý kiến BS về việc sử dụng bao cao su khi quan hệ ở những thời điểm người bệnh đang hóa trị.

Trong thời gian hậu phẫu, việc quan hệ có thể gây chảy máu hoặc ảnh hưởng đến vết mổ. Những tiếp xúc thân mật có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng. Một số loại ung thư cổ tử cung, ung thư bàng quang có thể gây xuất huyết bộ phận sinh dục hay đường niệu. Nếu xuất huyết nhiều hơn sau “yêu”, cần ngưng cho đến khi hết xuất huyết. Trong quá trình điều trị ung thư, có những thời điểm hệ miễn dịch của người bệnh bị suy giảm như suy tủy trong lúc xạ hoặc hóa trị, nên tham khảo ý kiến BS về khả năng nhiễm trùng nếu quan hệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Giang (Phụ Nữ Online)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN