Bệnh có tỷ lệ lây nhiễm đến 90% khi vào mùa và dấu hiệu nhận biết

Sự kiện: Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch.

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần trước (từ ngày 15 đến 22-3), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 44 ca mắc thuỷ đậu (tăng 21 ca so với tuần trước đó). Trong đó có một số huyện có nhiều bệnh nhân như Mê Linh với 12 ca, Thanh Trì (8 ca) và Mỹ Đức (6 ca).

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 246 ca mắc thuỷ đậu (giảm 364 ca so với cùng kỳ năm 2023). Dù vậy, theo CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc thuỷ đậu có thể gia tăng trong thời gian tới.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Theo ThS.BS Nguyễn Phương Thảo – Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, biểu hiện của thủy đậu giai đoạn tiền triệu chứng thường kéo dài 1-2 ngày trước khi xuất hiện ban. Người bệnh mệt mỏi, sốt từ 37,8°-39,4°C.

Ban trên da xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra tất cả các vùng khác trên cơ thể.

Ban lúc đầu có dạng dát sẩn, tiến triển đến phỏng nước trong vòng vài giờ đến một vài ngày; Phần lớn các nốt phỏng có kích thước nhỏ 5-10 mm, có vùng viền đỏ xung quanh. Các tổn thương da có dạng tròn hoặc bầu dục; vùng giữa vết phỏng dần trở nên lõm khi quá trình thoái triển của tổn thương bắt đầu.

Các nốt phỏng ban đầu có dịch trong, dạng giọt sương, sau đó dịch trở nên đục; nốt phỏng bị vỡ hoặc thoái triển, đóng vảy; vảy rụng sau 1 đến 2 tuần, để lại một sẹo lõm nông.

Ban xuất hiện từng đợt liên tiếp trong 2-4 ngày; trên mỗi vùng da có thể có mặt tất cả các giai đoạn của ban – dát sẩn, phỏng nước và vảy.

Virus thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp. Nguồn lây lớn nhất là người bị thủy đậu; người bệnh có khả năng lây cho người khác khoảng 48 giờ trước khi xuất hiện ban, trong giai đoạn phát ban (thường kéo dài 4-5 ngày), và cho đến khi ban đóng vảy.

Thủy đậu là bệnh dễ lây truyền; tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch. Bệnh thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.

Theo bác sĩ, vắc-xin thủy đậu là vắc-xin sống giảm độc lực, được chỉ định cho tất cả trẻ em trên 1 tuổi (cho tới 12 tuổi) chưa mắc thủy đậu và người lớn chưa có kháng thể với Herpes zoster. Vắc-xin thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao.

Trẻ em cần được tiêm một liều vắc-xin và người lớn được tiêm hai liều. Một số trường hợp có thể có thủy đậu sau tiêm phòng.

Hiện nay, vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Tuy nhiên, đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng của trẻ càng nặng hơn:

- Vệ sinh mắt mũi, răng miệng nhẹ nhàng cho con hằng ngày từ 2-3 lần bằng nước muối 0,9% vì thủy đậu có thể mọc trong miệng, nếu không vệ sinh có thể gây bội nhiễm.

- Tắm cho con bằng nước ấm đun sôi để nguội (hạn chế dùng xà phòng tránh gây viêm nhiễm khi xà phòng đọng lại ở các nốt bong tróc).

- Cho trẻ vào chậu nước, lấy tay té nước lên người nhẹ nhàng, dùng khăn xô mềm vỗ nhẹ lên các vùng da để làm sạch, không cọ xát mạnh gây vỡ nốt phỏng.

- Sau khi tắm xong dùng khăn xô hoặc khăn loại chất coton dễ thấm, thấm  nhẹ nhàng toàn thân, mặc quần áo thoáng mát và có thể bôi xanh methylen, để sát khuẩn.

- Thường xuyên cắt móng tay cho con để trẻ không gãi mạnh làm vỡ các nốt thủy đậu, gây nhiễm trùng.

Nguồn: [Link nguồn]

Hiện nay, các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng qua đã có ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÀ ANH ([Tên nguồn])
Bệnh thủy đậu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN