Nhiều ca thủy đậu nặng nhập viện, đã có 2 bệnh nhân tử vong

Sự kiện: Bệnh thủy đậu

Hiện nay, các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng qua đã có ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền.

Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), gần đây, các bác sĩ tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh thủy đậu nặng, phải nhập viện, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng qua đã có ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Hiện tại, ở Trung tâm vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam, 29 tuổi, ở Bắc Ninh. Qua khai thác người nhà cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu, nhưng đi khám thì chỉ uống thuốc rồi về, 2 hôm sau bệnh nhân thấy có dấu hiệu khó thở hơn.

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, phải hỗ trợ thở oxy, tình trạng tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt.

Đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng, suy gan, suy hô hấp, có biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gút. Hiện bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng vi rút, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực….

BS khuyến cáo, người dân nên đi tiêm phòng vắc-xin thủy đậu, không nên chủ quan với suy nghĩ, bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp.

Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì thường có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác. Do đó, người dân tuyệt đối không chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.

Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước.

Khi bị thủy đậu, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những nốt rạ. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ, các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày.

Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học hoặc nghỉ đến nơi giữ trẻ.

Biến chứng của bệnh thủy đậu

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó trị.

Viêm não do thủy đậu cũng xảy ra, không hiếm: sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, kích thích, nhiều khi kèm theo co giật, hôn mê. Những trường hợp này có thể mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, chậm phát triển, động kinh…

Người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi đang mang thai có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh sau này.

Nguồn: [Link nguồn]

Bệnh thủy đậu vào mùa, cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ?

Bệnh thủy đậu thường xuất hiện thành dịch ở trẻ em lứa tuổi đi học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Bệnh thủy đậu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN