Đối diện quá nhiều khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi lợn quyết định "treo chuồng", bỏ nghề

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến giá lợn xuống thấp, nay lại bùng phát thêm dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều người "treo chuồng", bỏ nghề.

Dịch tả heo châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương

Nuôi hai lợn mẹ và hai đàn lợn thịt gối nhau trong nhiều năm qua, gia đình ông Ngô Văn Chín (Lý Nhân, Hà Nam) trung bình một năm có 5 lứa lợn xuất bán. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng nay hai đàn lợn nhỡ và hai con lợn mẹ (hơn 20 con) không hiểu sao cứ chết dần. Hiện trong chuồng còn sót 02 con lợn nhỡ.

“Tôi chăn nuôi trong nhiều năm nay, tuy không nhiều nhưng lúc nào chuồng cũng có 20 – 30 con các loại. Tôi luôn tuân thủ vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ, tuy nhiên không hiểu sao thời điểm này cả đàn lợn đều nhiễm bệnh. Đầu tiên là hai con lợn mẹ, trong đó một con đang cho con bú, một con mới bỏ đực; tiếp đến là hai đàn lợn con. Dù tôi đã mời thú y khám và tiêm điều trị nhưng vẫn không chữa được”... ông Chín nói.

Lợn dịch chết tại nhiều địa phương

Lợn dịch chết tại nhiều địa phương

Trước đó, cũng trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đã tổ chức tiêu hủy 339 con lợn thịt mắc dịch tả lợn Châu Phi tại trang trại của ông Phạm Ngọc Tuấn, xã Liêm Tuyền (Phủ Lý).

Đây là đàn lợn được ông Phạm Ngọc Tuấn mua và vận chuyển từ tỉnh Bình Phước ra. Ngay khi đàn lợn được đưa về trang trại đã có 46 con bị chết. Ngày tiếp theo hơn 70 con tiếp tục chết. Khi nhận được thông tin, Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN & PTNT) đã phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố về kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng I - Cục Thú y (Bộ NN & PTNT) mẫu bệnh phẩm dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.

Được biết, trong thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện nhiều tại các hộ chăn nuôi ở các xã của huyện Lý Nhân, Bình Lục, Duy Tiên,… Nhiều hộ lợn ốm, chết số lượng lớn chưa rõ nguyên nhân và  tình trang trên tiếp tục xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Đinh Huy Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN & PTNT tỉnh Hà Nam), dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, phát sinh và lây lan khá nhanh trong thời gian ngắn. Chi cục chăn nuôi đang phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ những biện pháp dập dịch. 

Nhiều tỉnh phía Nam cũng bùng phát nhiều ổ dịch tả heo châu phi từ các hộ chăn nuôi

Nhiều tỉnh phía Nam cũng bùng phát nhiều ổ dịch tả heo châu phi từ các hộ chăn nuôi

Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang, dịch tả heo châu phi khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng, cuộc sống càng khó khăn hơn.

Chỉ trong vòng hơn nửa tháng tái bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 10 ấp thuộc 7 xã, thị trấn của huyện Tân Hiệp. Có 19 hộ đã buộc phải tiêu hủy trên 520 con, ước trọng lượng khoảng 36 tấn. Điều này khiến cho hơn 1.900 hộ chăn nuôi lợn của huyện hết sức lo lắng.

Tại Hà Tĩnh và Quảng Bình cũng có nguy cơ bùng phát dịch tả heo châu Phi khá lớn do phát hiện nhiều ổ dịch trong thời gian qua. Trong bối cảnh mùa mưa lạnh đang đến tại khu vực miền Trung và các tỉnh phía Bắc lo ngại dịch tả heo châu Phi bùng phát lại càng lớn hơn.

“Treo chuồng”, bỏ nghề vì dịch và càng nuôi càng lỗ

Còn tại Đồng Nai, bà Lê Thị Thúy, người nuôi lợn tại Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, tuy trên địa bàn không có dịch nhưng vì giá lợn rẻ và giá cám tăng liên tục khiến các hộ chăn nuôi như nhà bà Thúy càng nuôi càng lỗ.

“Sau hai tháng nuôi cầm cự đàn để chờ lên giá 50.000 đồng/kg nhưng cuối cùng vẫn chỉ được người mua trả giá 48.000 đồng/kg vì lợn quá lứa, nhiều mỡ. Lợn có trọng lượng tới 140 -150 kg/con nên thương lái ép giá. Tính ra tôi bị lỗ trên 10.000 đồng/kg”, bà Lê Thị Thúy chia sẻ.

Giá lợn hơi vẫn rẻ, nhiều hộ chăn nuôi "treo chuồng" vì quá nhiều rủi ro

Giá lợn hơi vẫn rẻ, nhiều hộ chăn nuôi "treo chuồng" vì quá nhiều rủi ro

Trong chuồng nhà bà Thúy hiện còn hàng chục con lợn nhỡ và 5 lợn nái tới kỳ sinh sản. “Cả tháng nay, tôi gọi bán lợn giống, nhưng không ai mua, vì giá cám liên tục tăng, giá lợn xuất chuồng thì giảm nên không ai dám đầu tư nuôi trong giai đoạn này”, bà Thúy nói.

Cũng vì dịch bệnh và càng nuôi càng thua lỗ, rất nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Đồng Nai buộc phải tạm ngưng tái đàn. Ông Nguyễn Hà Lý, ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho hay, đã xuất bán đàn lợn cả trăm con và quyết định tạm dừng tái đàn.

“Gia đình tôi gắn bó với nghề nuôi lợn đã lâu, chăn nuôi có lúc lãi lúc lỗ. Tuy nhiên, liên tiếp những năm qua, chúng tôi thường xuyên mất trắng do dịch bệnh, do thị trường không ổn định nên rất khó phục hồi”.

Những chuồng lợn trắng trơn là hình ảnh không hiếm gặp ở nhiều hộ chăn nuôi. Treo chuồng, ngưng chăn nuôi và thậm chí là bán cả trại lợn…, người chăn nuôi không còn cách nào để đối phó với khó khăn này. Lợn thịt hiện vẫn tồn nhiều, nhưng nếu nhìn dài hơn tới cuối năm và nửa đầu năm sau thì nguy cơ thiếu thịt do nông dân không thể tái đàn là khó tránh khỏi.

Do lo ngại dịch tả heo châu Phi bùng phát trở lại, giá lợn hơi tại nhiều địa phương điều chỉnh giảm từ 1 - 4 giá trong những ngày gần đây.

Ngày 16/11, giá lợn hơi tại khu vực phía Bắc tiếp tục giảm 1.000 - 3.000 đồng, giao dịch ở mức thấp nhất nước, từ 42.000 - 46.000 đồng/kg. Trong đó, lợn hơi tại 3 tỉnh Lào Cai, Bắc Giang và Phú Thọ về mức 43.000 đồng/kg. Giảm nhiều nhất ghi nhận tại Hà Nội, từ 45.000 đồng xuống 42.000 đồng/kg.

Tại thị trường miền Nam, giá lợn hơi hôm nay cũng giảm nhẹ 1 giá tại vài địa phương, mức giá chung dao động trong khoảng 42.000 - 46.000 đồng/kg. Tương tự, tại miền Trung, giá heo hơi hôm nay đi ngang dao động từ 44.000 - 46.000 đồng/kg.

Nguồn: [Link nguồn]

Bão giá vật liệu xây dựng: Nhà thầu ''vừa làm vừa khóc''

Từ đầu năm đến nay, giá vật liệu xây dựng như: sắt, thép trải qua nhiều đợt tăng giá, kéo theo các vật liệu xây dựng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN