Liên tục đại hạ giá tài sản đảm bảo, nợ xấu của BIDV thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cùng với việc liên tục đại hạ giá tài sản đảm bảo để xử lý nợ, sau 9 tháng đầu năm BIDV ghi nhận nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn tăng khá mạnh dù tổng nợ xấu gần như không thay đổi so với đầu năm.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong những nhà băng tích cực thanh lý tài sản để xử lý nợ xấu nhất kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, có nhiều khối tài sản lớn BIDV đã nhiều lần rao bán và giá đã giảm tới gần 50% nhưng vẫn chưa xử lý thành công.

Theo đó, cuối tháng 10/2021, BIDV Phú Tài tiếp tục rao bán khối nợ nghìn tỷ của Công ty CP Tập Đoàn Khải Vy (tổng nợ 1.036 tỷ đồng) với tài sản đảm bảo gồm nhiều BĐS, cổ phiếu, xe ô tô trong đó có cả tòa nhà Crystal Palace tại quận 7 TP HCM.

Tuy nhiên, trong lần rao bán thứ 7 này, ngân hàng đưa ra giá khởi điểm chỉ gần 626 tỷ đồng, tức giảm tới gần 40% so với dư nợ gốc của doanh nghiệp.

Trong lần thứ 3 rao bán tài sản đảm bảo cho khối nợ hơn 475 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép Việt Nga, BIDV cũng đã giảm giá khởi điểm xuống chỉ còn 385 tỷ đồng, tương đương với 81% tổng nợ gốc và lãi của doanh nghiệp.

Ngân hàng BIDV ghi nhận nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn tăng khá mạnh sau 9 tháng đầu năm

Ngân hàng BIDV ghi nhận nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn tăng khá mạnh sau 9 tháng đầu năm

Một khoản nợ trăm tỷ khác đang được BIDV miệt mài rao bán là khoản nợ gần 498 tỷ đồng của Công ty TNHH XD và KD nhà Bách Giang, Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên.

Theo đó, trong lần rao bán thứ 7 tài sản đảm bảo cho khoản nợ này, BIDV đưa ra mức giá khởi điểm chỉ còn 253 tỷ đồng, tương đương gần 51% tổng nợ của hai doanh nghiệp.

Ngoài những khối tài sản trăm tỷ và nghìn tỷ kể trên, BIDV cũng đang rao bán hàng loạt khối tài sản đảm bảo khác để xử lý nợ xấu.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất được BIDV công bố mới đây, cùng với lợi nhuận suy giảm, thì nợ xấu trong đó nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn tăng khá mạnh dù tổng nợ xấu gần như không thay đổi so với đầu năm.

Cụ thể, mảng tín dụng mang về cho BIDV hơn 12.204 tỷ đồng trong quý 3, tăng 33,4%. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 16,5%.

Tuy nhiên, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư chỉ đạt 151,4 tỷ đồng, giảm gần 55,5%. Về mua bán chứng khoán kinh doanh, quý 3, ngân hàng lỗ 2,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lãi 58,2 tỷ đồng). Chi phí hoạt động dịch vụ và chi phí hoạt động khác tăng mạnh so với cùng kỳ.

Ngân hàng trích lập hơn 7.502 tỷ đồng chi phí hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Kết quả, BIDV lãi trước thuế đạt hơn 2.673 tỷ đồng, giảm so với con số 2.703 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế ngân hàng cũng suy giảm, còn 2.122 tỷ đồng, trong khi quý 3/2020 là 2.174 tỷ đồng.

Dù vậy, lũy kế 9 tháng, BIDV vẫn báo lãi trước thuế 10.733 tỷ đồng, tăng gần 52%, còn lãi sau thuế 8.583 tỷ đồng, tăng mạnh 51,5% so với mức gần 5.667 tỷ đồng 9 tháng năm 2020.

Lãi "khủng" sau 9 tháng, phía BIDV lý giải do ngân hàng đẩy mạnh cơ cấu nền vốn, tiết kiệm chi phí huy động vốn, gia tăng nguồn thu dịch vụ, thu từ ngân hàng số, nợ ngoại bảng.

Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 13.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, bất chấp đại dịch Covid-19, ngân hàng vẫn hoàn thành 82,6% kế hoạch.

Dù ghi nhận lãi lớn sau 9 tháng đầu năm nhưng báo cáo tài chính của BIDV cũng cho biết đến 30/9, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn tăng khá mạnh.

Cụ thể, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 2.382 tỷ đồng lên gần 4.404 tỷ đồng (tăng gần 84,9%). Nợ nghi ngờ mất vốn tăng từ 2.462 tỷ đồng lên 3.148 tỷ đồng (tăng 27,8%).

Riêng nợ có khả năng mất vốn giảm từ 16.525 tỷ đồng về hơn 13.880 tỷ đồng (giảm 16%). Đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức 1,39%, giảm 0,15% so với đầu năm, tỷ lệ nợ nhóm 2 là 1,29%, giảm 0,03% so với đầu năm.

Tại ngày 30/09/2021, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt trên 1,686 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11,2% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt trên 1,328 triệu tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm. Tổng Tiền gửi của khách hàng và Phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,424 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với đầu năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh nghiệp bầu Đức tiếp tục báo lãi, giảm gần 10.000 tỷ đồng nợ vay

Doanh nghiệp của bầu Đức báo lãi quý 2 liên tiếp bất chấp tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Cùng với đó, HAGL cũng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN