Vụ mất 11,9 tỷ trong tài khoản Vietcombank, tranh luận lỗi của 2 phía

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

TAND tỉnh Bắc Ninh đang mở phiên phúc thẩm giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán giữa nguyên đơn là khách hàng Trần Thị Chúc và bị đơn là Ngân hàng Vietcombank.

Chiều nay 2/7, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên toà xét xử phúc thẩm liên tiếp 2 vụ án “Tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán” giữa bà Trần Thị Chúc (trú tại thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh) với 2 Ngân hàng lớn là Vietcombank và Techcombank.

Mất hàng chục tỷ đồng sau cuộc gọi mạo danh công an

Theo bà Trần Thị Chúc trình bày, ngày 22/4/2022 bà nhận được cuộc điện thoại của 1 người giới thiệu là cán bộ điều tra Công an thành phố Đà Nẵng thông báo kết quả điều tra vụ án hình sự và gửi cho bà xem lệnh bắt giữ người khẩn cấp đối với bà là người có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy. 

Người này cũng chỉ định cho bà Chúc mở 1 tài khoản tại Vietcombank và 1 tài khoản tại Techcombank sau đó chuyển số tiền 40 tỷ đồng chia đều vào 2 tài khoản ngân hàng mới mở này để chứng minh không liên quan đến đường tội phạm đồng thời dặn bà Chúc đến ngày 25/4 sẽ được mở phong tỏa và ra ngân hàng rút tiền về. 

Trong 2 ngày 22 và 23/4/2022 bà Chúc đã tìm đến Vietcombank Chi nhánh Kinh Bắc và Techcombank Chi nhánh Từ Sơn để mở 2 tài khoản mới, đồng thời vay mượn bạn bè, khách hàng, huy động tiền từ người thân chuyển số tiền 11,9 tỷ đồng vào Vietcombank và 14,6 tỷ vào Techcombank. 

Tuy nhiên, sáng ngày 25/4/2022, khi bà Chúc đến Vietcombank Chi nhánh Kinh Bắc và Techcombank Chi nhánh Từ Sơn để làm thủ tục rút tiền thì được nhân viên của 2 nhà băng này thông báo tài khoản của bà không còn tiền, trong khi bà Chúc không hề thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền trực tiếp hay gián tiếp nào. 

Theo sao kê của phía ngân hàng cung cấp, đã có người chuyển 39 bút toán với tổng số tiền 14,66 tỷ đồng tại Techcombank và 11,9 tỷ đồng tại Vietcombank từ tài khoản của bà Chúc đi các tài khoản khác.

Trước đó, tại phiên toà xét xử sơ thẩm đại diện của Vietcombank và Techcombank đều cho rằng các cán bộ, nhân viên của ngân hàng đã tuân thủ đầy đủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về  mặt nghiệp vụ chuyên môn khi tư vấn thủ tục và lập hồ sơ mở tài khoản, cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Phía ngân hàng không có lỗi trong việc bà Chúc bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản mở tại ngân hàng nên không chấp nhận bồi thường thiệt hại cho bà Chúc.

Tại bản án sơ thẩm, TAND thành phố Từ Sơn xác định có lỗi hỗn hợp trong vụ án này, trong đó lỗi 1 phần thuộc về đơn vị cung cấp dịch vụ ngân hàng là Techcombank và Vietcombank khi không kịp thời cập nhật những thủ đoạn của kẻ gian để hướng dẫn, cảnh báo cho người dân phòng tránh dẫn đến mất tiền nên đã chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Chúc, buộc Techcombank có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Chúc số tiền 800 triệu đồng. 

Tương tự, Ngân hàng Vietcombank cũng bị buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Chúc số tiền 700 triệu đồng. 

Nguyên đơn, bị đơn đều kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị

Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn Trần Thị Chúc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, xác định bà không có lỗi vi phạm hợp đồng và cho rằng số tiền được bồi thường là quá nhỏ so với tổng số tiền 26,6 tỷ đồng bà đã bị rút mất bất hợp pháp, không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mình. 

Đại diện Techcombank và Vietcombank kháng cáo một phần bản án sơ thẩm đề nghị TAND tỉnh Bắc Ninh bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Chúc do ngân hàng hoàn toàn không có lỗi gì. 

VKSND thành phố Từ Sơn có kháng nghị cho rằng chưa có đủ căn cứ xác định lỗi của ngân hàng đồng thời việc Tòa án xác định tỷ lệ lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án chưa phù hợp ...

Trao đổi với PV VietNamNet, Luật sư Lê Ngọc Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (người bảo vệ quyền lợi của bà Chúc) cho biết, việc đánh giá mức độ lỗi (nếu có) của nguyên đơn và lỗi của bị đơn phải được đặt trong mối quan hệ pháp luật tranh chấp do Tòa án đang giải quyết là “Tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán” mới đảm bảo chính xác. 

Trong quá trình thực hiện hợp đồng mở tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank và Techcombank bà Chúc với vai trò là khách hàng đã thực hiện đúng theo chỉ dẫn, hướng dẫn của cán bộ, nhân viên ngân hàng nên bà Chúc không có lỗi gì. Các hành vi có lỗi khác (nếu có) của đương sự nếu thực hiện ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán giữa ngân hàng với khách hàng sẽ không thuộc phạm vi xem xét, đánh giá, giải quyết trọng vụ án này. 

Trong vụ án này, nguyên đơn đã chứng minh đầy đủ các lỗi vi phạm, sai phạm, thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên ngân hàng là bên cung cấp dịch vụ thanh toán tuy nhiên còn nhiều lỗi vẫn chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét công nhận, trong đó có lỗi vi phạm quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng là “Không khuyến cáo cho người sử dụng về nguyên tắc, phạm vi sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng” và “Không hướng dẫn khách hàng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trên Internet”.

Nguồn: [Link nguồn]

Với quy định phải xác thực khuôn mặt khi thực hiện giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng, tài khoản không chính chủ, mở bằng giấy tờ "vay mượn" sẽ bị loại bỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Khánh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN