Vụ 18.168 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Masan nói "chưa từng xuất tương ớt sang Nhật"

Sự kiện: Kinh Doanh

Masan cho biết chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc của lô hàng nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ.

Chiều 6-4, Công ty CP hàng tiêu dùng Masan chính thức lên tiếng về việc Cổng thông tin của Thành phố Osaka, Nhật Bản đăng tin Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhãn hiệu Chin-su của Công ty Masan nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo Masan, sự việc liên quan đến việc ghi nhãn không đầy đủ của Công ty Javis Co., Ltd. (đại diện pháp lý: Yasuhiro Naka, địa chỉ: Osaka City Nishi Ward Sale Bori 2-chome 4-19), là đơn vị đã nhập khẩu 757 thùng (18.168 chai) tương ớt Chin-Su cho 3 lô hàng có hạn sử dụng đến ngày 10-6-2019, 17-6-2019, 6-7-2019 và bán toàn bộ cho Công ty ISC Industrial Co., Ltd. (địa chỉ: Kobe City Tarumi-ku Shimobata-cho Character God Nowaki 429).

Vụ 18.168 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Masan nói "chưa từng xuất tương ớt sang Nhật" - 1

Hình ảnh loại tương ớt Chin-su bị chính quyền thành phố Osaka buộc thu hồi . Ảnh: OsakaCity.

"Theo thông tin được công bố trên cổng thông tin của thành phố Osaka, nhà nhập khẩu đã thiếu sót trong ghi nhãn. Cũng theo thông tin từ cổng thông tin này, phụ gia thực phẩm benzoic acid không phải là chất cấm mà được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau với hàm lượng tối đa lên đến 2,5g/kg. Hàm lượng phụ gia thực phẩm benzoic acid được Trung tâm y tế công cộng thành phố Osaka kiểm tra trên sản phẩm Tương ớt Chin-Su này là từ 0,41-0,45g/kg là an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của Nhật Bản" - đại diện Masan cho hay và nói thêm là tại Việt Nam, benzoic acid được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Theo Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30-11-2012 về quản lý phụ gia thực phẩm, hàm lượng benzoic acid được sử dụng với hàm lượng tối đa 1g/kg sản phẩm tương ớt.

Cũng theo Masan, tất cả các sản phẩm Masan sản xuất và phân phối đều tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, bao gồm cả các quy định về ghi nhãn, thành phần và sử dụng phụ gia.

Ngoài ra, Masan chưa chính thức xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Đến nay, công ty này chỉ chính thức xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-Su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Séc, Trung Quốc, Đài Loan.

Vụ 18.168 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Masan nói "chưa từng xuất tương ớt sang Nhật" - 2

Hình ảnh mặt sau loại tương ớt Chin-su bị chính quyền thành phố Osaka buộc thu hồi. Ảnh: Masan cung cấp

"Sau khi kiểm tra thông tin nội bộ chúng tôi khẳng định rằng Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin-Su cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd" - phía Masan khẳng định và nêu rõ trường hợp xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản sẽ phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản.

Nói thêm về lô hàng bị cơ quan chức năng Nhật Bản thu hồi, Masan cho biết chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised", hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ. Nói cách khác, Công ty Javis Co., Ltd. đã đã nhập khẩu nhầm sản phẩm lưu hành nội địa của Masan hoặc hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Trước đó, ngày 2-4, chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản thông báo trên trang web www.city.osaka.lg.jp về việc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt nhập khẩu từ Việt Nam. Những chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan Việt Nam đã sử dụng chất phụ gia bị cấm theo tiêu chuẩn của Nhật Bản là benzoic acid cùng một số chất phụ gia khác như sorbic acid...

Đơn vị nhập khẩu là Tập đoàn Javis (trụ sở tại Higashi-ku, TP Osaka) và người đại diện Yasuhiro Naka.

Cơ quan Giám sát An toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế và Phúc lợi Tokyo đã tiến hành kiểm tra vào ngày 8-3 do nghi ngờ tương ớt Chin-su được Tập đoàn Javis (Nhật Bản) nhập khẩu vi phạm luật an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản. Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng TP Osaka sau đó yêu cầu các nhà nhập khẩu thu hồi tất cả sản phẩm tương ớt Chin-su nhập khẩu từ Việt Nam sau quyết định vận chuyển tương ớt ngày 7-12-2016 vì có chứa benzoic acid.

Vụ 18.168 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Masan nói "chưa từng xuất tương ớt sang Nhật" - 3

Những chai tương ớt Chin-su của Công ty Masan Việt Nam đã sử dụng chất phụ gia bị cấm benzoic acid theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Ảnh: www.city.osaka.lg.jp

Kết quả phân tích của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Tokyo cho thấy hàm lượng benzoic acid trong những chai tương ớt bị thu hồi là 0.41 g/kg (với những chai có hạn sử dụng 10-6-2019), 0.44 g/kg (hạn sử dụng 17-6-2019) và 0.45 g/kg (hạn sử dụng 6-7-2013). Tổng cộng có 757 thùng gồm 18.168 chai tương ớt đã bị thu hồi.

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị rằng lượng benzoic acid được phép tiêu thụ hằng ngày mà không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người là 5 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.

Tức là một người nặng 50 kg có thể tiêu thụ 0,25 g benzoic acid/ngày. Trong kết quả thử nghiệm, lượng benzoic acid tối đa trong chai Chin-su được nhập khẩu vào Nhật Bản là 0,45 g/kg. Vì vậy, trang web www.city.osaka.lg.jp viết rằng một người nặng 50 kg có thể tiếp tục ăn 0,56 kg tương ớt (khoảng 0,22 g benzoic acid) mỗi ngày trong suốt cuộc đời mà không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tương tự, một người nặng 30 kg có thể tiêu thụ 0,33 kg (khoảng 1/3 chai) tương ớt mỗi ngày.

Mỗi năm Masan thu bao nhiêu tiền từ nước chấm, mì gói, đồ uống?

Thực phầm, đồ uống đang là mảng đem lại cho Masan doanh thu và lợi nhuận lớn nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nhân - Phạm Nghĩa ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN