Vì sao lãi suất 'thủng đáy' nhưng tiền gửi vẫn tăng kỷ lục?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Gần hết tháng 12 nhưng các ngân hàng vẫn chưa dừng việc giảm lãi suất, tiền gửi người dân vào ngân hàng tăng kỷ lục trong năm nay. Chuyên gia cho rằng, lượng tiền gửi ngân hàng tăng cao phần nào cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng trong việc dịch chuyển sang các kênh khác.

Nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV) dẫn đầu về giảm lãi suất huy động. Ngày 28/12, ngân hàng Agribank giảm lãi suất lần thứ 3 kể từ đầu tháng 12. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,2% chỉ còn 2%/năm. Agribank giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn còn lại.

Trước đó ngày 22/12, Agribank giảm 0,5% lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng, đồng thời giảm mạnh 0,8% kỳ hạn 3-5 tháng và giảm 0,6% kỳ hạn 6-9 tháng.

Lãi suất huy động ngân hàng liên tục giảm dù gần hết năm 2023 (ảnh: Ngọc Mai).

Lãi suất huy động ngân hàng liên tục giảm dù gần hết năm 2023 (ảnh: Ngọc Mai).

VietinBank cũng chính thức giảm lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi từ 1-9 tháng. Kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,4% xuống 2,2%/năm. Kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng giảm mạnh 0,5% xuống 2,5%/năm.

Tương tự, nhà băng này cũng mạnh tay điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn từ 6-9 tháng xuống chỉ còn 3,5%/năm. Kỳ hạn từ 12 đến 18 tháng giữ nguyên 5%/năm, 24-36 tháng giữ nguyên 5,3%/năm.

Hiện lãi suất huy động thấp nhất vẫn thuộc về Vietcombank với 1,9%/năm, kỳ hạn 1-2 tháng. Lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank chỉ 4,8%/năm đối với kỳ hạn 12-24 tháng.

Lãi suất huy động cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng này là 5,3%, được cả ba ngân hàng còn lại áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 24-36 tháng.

Một ngân hàng yếu kém đang trong diện kiểm soát đặc biệt cũng “đua” giảm lãi suất huy động với nhóm quốc doanh là ngân hàng SCB. Nhà băng này vừa tiếp tục giảm lãi suất huy động về gần bằng với Vietcombank. Đây cũng là lần hạ lãi suất thứ 3 kể từ đầu tháng.

Cụ thể, SCB giảm 0,3% kỳ hạn từ 1-11 tháng. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng còn 1,95%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn 2,25%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng còn 3,25%/năm. SCB giữ nguyên mức lãi suất 4,85%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12-36 tháng.

Ngân hàng MSB giảm lãi suất huy động lần thứ 2. MSB giảm lên đến 1,3% khiến cho một số kỳ hạn dài từ 6,2%/năm, chỉ còn 4,9%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng giảm 0,3% xuống còn 3,5%/năm. Kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,5% và kỳ hạn 9-11 tháng giảm mạnh 1,2% về mức 4,2%/năm. Kỳ hạn từ 12-13 tháng giảm 0,6% xuống còn 4,9%/năm.

Theo thống kê kể từ đầu tháng đến nay đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất huy động là: HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank, ABBank, Vietcombank, BIDV, VIB, VPBank, TPBank, Saigonbank, VietBank, ACB, VietinBank, Agribank, LPBank, SeABank.

Thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của cư dân và các tổ chức kinh tế vẫn đạt gần 12,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng - cho biết, mức lãi suất huy động các ngân hàng đang ở mức thấp lịch sử tại các kỳ hạn. Thống kê cho thấy, mức huy động 12 tháng trung bình toàn hệ thống hiện ở ngưỡng 5%, giảm mạnh từ mức 6,2% vào trung tuần tháng 8. Kỳ hạn ngắn hạn cũng chứng kiến các mức giảm đáng kể.

Ông Dũng cho rằng, lượng tiền gửi ngân hàng vẫn tăng cao, phần nào cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng trong việc dịch chuyển sang các kênh khác như bất động sản hay chứng khoán... sau loạt sự kiện vừa qua.

Bên cạnh đó, 2024 dự kiến còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay vẫn duy trì được xu hướng hướng quý sau cao hơn quý trước. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 ước đạt 5-5,5%. Con số này mặc dù cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, nhưng Việt Nam đã không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%.

"Dự kiến trong năm 2024, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn khi năng lực hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn ở mức thấp; nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng… Trên thế giới, xung đột địa chính trị thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và khó lường cũng như môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn. Do đó, dù lãi suất tiền gửi thấp nhưng người dân vẫn hướng dòng tiền vào kênh tiết kiệm nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn", ông Dũng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Lãi tiết kiệm xuống thấp kỷ lục, người gửi tiền hụt hẫng

Trước việc các ngân hàng liên tục điều chỉnh mạnh lãi tiết kiệm thời gian gần đây, những người có tiền nhàn rỗi có kế hoạch gửi tiết kiệm cảm thấy hụt hẫng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN