VCCI: Doanh nghiệp ra nước ngoài mở công ty vì bị áp thuế VAT 10%

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

VCCI phản ánh không ít doanh nghiệp Việt lập thêm công ty ở nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhằm giảm nghĩa vụ thuế.

Nhận xét này được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu khi góp ý về Luật thuế Giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi.

Theo quy định hiện nay, dịch vụ xuất khẩu kinh doanh trên Internet, sản xuất nội dung số, ứng dụng, trò chơi điện tử... được hưởng thuế VAT 0%. Đây cũng là ngành tăng trưởng nhanh, bình quân khoảng 11% mỗi năm. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của các công ty trong nước khoảng 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, VCCI dẫn phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn bị áp mức thuế 10% do "cán bộ thuế không phân biệt được giữa dịch vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu".

Theo tổ chức này, các doanh nghiệp đã cung cấp cho cơ quan thuế nhiều thông tin như dữ liệu của các nền tảng trung gian (Google, Apple), IP người dùng, thanh toán ngân hàng, hợp đồng, email. Thậm chí, có đơn vị buộc phải tách sản phẩm thành hai phiên bản cho thị trường trong nước và nước ngoài, nhưng vẫn không được cơ quan thuế chấp nhận.

"Không ít cá nhân, doanh nghiệp lập thêm công ty tại nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên thế giới, nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp", VCCI cho hay.

Vướng mắc này cũng được Bộ Tài chính thừa nhận khi sửa Luật thuế VAT. Theo cơ quan này, dịch vụ có tính vô hình nên việc xác định tiêu dùng tại Việt Nam hay nước ngoài là "rất khó", cho cả cơ quan thuế và người nộp. Hơn nữa, việc xác định sẽ làm tăng chi phí quản lý cho ngành thuế.

Do đó thay vì mức 0% như hiện hành, Bộ này đề xuất đánh thuế với hầu hết dịch vụ xuất khẩu lên 5-10% hoặc không được khấu trừ đầu vào do thuộc diện không chịu thuế. Các lĩnh vực không bị đánh thuế được thu hẹp lại, chỉ còn vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ở nước ngoài và một số dịch vụ liên quan.

Góp ý, VCCI cho rằng quy định như vậy sẽ làm tăng chi phí thuế của nhiều doanh nghiệp Việt cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài. Trong khi, hầu hết các công ty ngành này đang phải cạnh tranh với đối thủ từ các nước.

"Nếu họ phải chịu thuế VAT 5-10% sẽ dẫn tới nguy cơ mất khách hàng, thị phần, khó có cơ hội phát triển", VCCI bình luận, thêm rằng quy định này có thể làm mất cơ hội việc làm trong nước, giảm nguồn thu ngoại tệ quốc gia.

Riêng với lĩnh vực phần mềm, sản phẩm xuất khẩu sẽ chuyển từ diện 0% sang không chịu thuế. Tức là, các doanh nghiệp không được khấu trừ đầu vào, khiến chi phí sản xuất tăng 2-3%.

Thực tế, dịch vụ xuất khẩu thường là những ngành đòi hỏi lao động trình độ cao, không yêu cầu vốn đầu tư lớn như công nghiệp chế biến chế tạo. Theo VCCI, đây là những lĩnh vực phù hợp với bối cảnh kinh tế của Việt Nam. Cùng đó, xuất khẩu dịch vụ trên Internet giúp gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia. Việc một số đơn vị gian lận để trục lợi hoàn thuế, nhưng điều này không thể phủ nhận ích lợi ích của chính sách thuế xuất khẩu hàng hóa 0%.

"Đề nghị Bộ Tài chính giữ quy định, cho phép các dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%", VCCI kiến nghị.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng trước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách cũng nhận xét việc tăng thuế với xuất khẩu dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến những lĩnh vực dịch vụ như thanh toán, marketing, trung tâm hỗ trợ bán hàng, logistics. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn ý kiến doanh nghiệp cho rằng, số thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí, dẫn đến giá hàng hóa xuất khẩu tăng. "Cần tính toán để tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và khả năng cạnh tranh hàng Việt", ông nói.

Liên quan tới khó phân biệt người dùng trong nước và nước ngoài với dịch vụ xuất khẩu, VCCI cho rằng thực tế Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hướng dẫn, được nhiều nước áp dụng. Việt Nam tiếp thu khuyến nghị này của OECD khi thu thuế dịch vụ nhập khẩu. Từ 2021, nhà cung cấp nước ngoài khi cung ứng dịch vụ tại Việt Nam sẽ phải kê khai và nộp thuế. Doanh thu phát sinh của các công ty này được xác định qua nhiều nguồn thông tin, như thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng, địa chỉ IP, vị trí đường dây điện thoại cố định...

Như vậy, tổ chức này cho rằng luật yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài sử dụng những thông tin trên để thu thuế dịch vụ nhập khẩu, nhưng lại không cho công ty trong nước dùng để hưởng thuế 0% khi xuất khẩu dịch vụ. Đây là điểm bất hợp lý.

Vì thế, ngoài duy trì thuế VAT 0%, VCCI đề nghị nhà chức trách cần đưa ra cách xác định doanh thu đến từ nước ngoài theo phương pháp tương tự như khi đánh thuế với dịch vụ nhập khẩu.

Nguồn: [Link nguồn]

Nắm 40.336 tỷ tiền mặt và tiền gửi đã mang về cho Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn 345,7 tỷ đồng lời từ nhà băng trong quý I, tức mỗi ngày lãi gần 4 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN