Tín dụng đen - "bẫy người” giăng công khai: Vay của "công ty tài chính", trả cho dịch vụ đòi nợ thuê? (kỳ 3)

Sự kiện: Kinh Doanh

Qua tìm hiểu, PV Người Đưa Tin được biết các công ty có app (ứng dụng trên điện thoại - PV) cho vay tiền hiện nay chỉ quản lý về mặt "thương hiệu" của app, đồng thời làm nhiệm vụ "tư vấn tài chính". Khi người vay gật đầu, họ mới chuyển tiền cho "đối tác" để "xuất kho".

Chính đơn vị này hoặc bên thứ ba (chủ yếu là dịch vụ cầm đồ) hoặc các công ty đòi nợ sẽ chịu trách nhiệm phần việc còn lại nếu con nợ chây ì hoặc chưa trả đúng tiến độ. App Doctor Dong là một ví dụ điển hình.

"Văn phòng pháp lý điều tra an ninh"

Như các bài báo trước đã đề cập, các công ty quản lý app cho vay tiền trên mạng luôn có nhiều chiêu đòi nợ hết sức tinh vi và sặc mùi... xã hội đen. Có nơi còn lấy hình ảnh của các chiến sĩ công an nhân dân để làm ảnh đại diện nhằm hù dọa con nợ. Chuyện chửi bới, mạt sát con nợ diễn ra như cơm bữa. "Đ.m. Không phải thích trả khi nào thì trả nhé. Trong hôm nay mày không gửi biên lai mày chết mẹ mày với tao. Mày nghĩ chắc bên tao đ. làm được gì mày hả...", đây là nội dung một tin nhắn đòi nợ của một app chuyên cho vay tiền qua mạng. "Thậm chí, họ còn vào Facebook cá nhân của tôi lấy hình con trai tôi rồi hù dọa sẽ bắn chết cháu", chị N. cho hay.

Theo chia sẻ của chị Trần Minh T. (ngụ quận 9, TP.HCM), sau khi lỡ vay tiền qua app nhưng chưa trả đúng hẹn, chị nhận được tin nhắn đòi nợ của người tự xưng là Gia Hùng, chuyên đòi nợ thuê, với nội dung: "Mày đã vay tiền công ty giờ nó bán hợp đồng, tao thu. Tao không chém mày rồi mới lạ"!

Nhiều người vay còn bị các chủ app lôi chứng minh thư nhân dân, hình ảnh tung lên các trang phim người lớn với dòng chú thích "em nhận đi khách"... Điển hình như người tên Lâm ở app OLava (công ty TNHH F360, vốn là dịch vụ cầm đồ Xương Thịnh, 432B/51 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8-PV) đã đưa hình ảnh của chị T. lên và giới thiệu là gái "Nhận đi khách hả?".

Chỉ vì thiếu nợ vài triệu đồng, không ít sinh viên đã trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ khi bị các app hoặc người đòi nợ thuê "bêu tên" trên các trang Facebook và trang mạng của trường. Có người còn bị dọa đuổi học nếu không chịu trả tiền.

Anh Trần Thiện Đ. vay tiền của một app và sau đó, người quen của anh nhận được tin nhắn với nội dung: "Anh Trần Thiện Đ. đã vay của công ty chúng tôi 2.034.000 đồng, viện hết cớ này đến cớ khác, thái độ bất hợp tác. Nhiều lần không liên lạc được, chứng tỏ muốn giựt nợ, có hành vi chiếm dụng bất hợp pháp. Lúc vay tiền đã thêm anh/chị vào số liên lạc khẩn cấp và để thực hiện việc trả nợ thay. Để tránh bị liên lụy, anh/chị có trách nhiệm chi trả khoản nợ này hôm nay 20/2/2019. Nếu không trả, chúng tôi sẽ thông báo công khai để anh chị xấu hổ, mất mặt với mọi người xung quanh".

Tín dụng đen - "bẫy người” giăng công khai: Vay của "công ty tài chính", trả cho dịch vụ đòi nợ thuê? (kỳ 3) - 1

"Đã thanh toán tiền cho Ucash chưa? Có thanh toán tiền cho Ucash không hay trốn nợ để anh biết mà xử lý?", đó là tin nhắn hù dọa khi đòi nợ của app Ucash gửi cho một con nợ của mình. Để con nợ sợ hãi mà thanh toán sớm, các đối tượng đòi nợ còn tự "chế cho bản thân những cái tên rất "oách" như "Văn phòng pháp lý điều tra an ninh gửi ông/bà Nguyễn Minh Ng. (ngụ tỉnh Tiền Giang) có số chứng minh nhân dân 33161xxx. Chúng tôi đã thương lượng nhưng ông/bà không trả nợ vay theo thỏa thuận"...

Trong tin nhắn gửi con nợ còn có đoạn: "Ông/bà đã nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền còn lại. Người thân trong gia đình có dấu hiệu che giấu tội phạm, quyết định cuối cùng: Đúng 15h ngày 12/3/2019, tức thứ Ba, ông/bà đóng 1 tháng tiền đang nợ. Hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (khoản 1, Điều 139,140 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam) chiếm đoạt, lừa đảo từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng phạt tù 6 đến 36 tháng tù giam, tịch thu tài sản...".

"Nếu ông/bà sai phạm, chúng tôi sẽ khởi kiện ra TAND tỉnh Tiền Giang hoặc tố cáo với cơ quan công an bắt tạm giam ông/bà để điều tra...", đoạn kết của 1 tin nhắn mà con nợ của app điện thoại nhận được.

Ai đang hưởng lợi từ app DoctorDong?

Theo tìm hiểu, DoctorDong đang là một app "làm mưa làm gió" với lượng người vay tiền rất lớn. Điều đáng nói là app này có rất nhiều nhà "điều hành" trong đó, có những công ty chuyên kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ. Trong một tin nhắn gửi cho con nợ, phía DoctorDong thông báo: "Khoản vay của quý khách tại DoctorDong đã được chuyển sang AMG Collect để xử lý".

Theo tìm hiểu của PV, AMG Collect tên đầy đủ là công ty TNHH AMG Collect thành lập từ tháng 9/2018 (địa chỉ trụ sở đăng ký kinh doanh tại phòng 2.13, tầng 2 khu 1, tòa nhà số 19 - 21 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là "hoạt động dịch vụ hỗ trợ thanh toán tín dụng, chi tiết là kinh doanh dịch vụ đòi nợ".

Được biết, khi khách hàng vay của DoctorDong thì số tiền thanh toán sẽ được chuyển trả về cho tài khoản thụ hưởng không phải là công ty LGC hay AMG Collect mà là công ty TNHH MTV TM - DV Vạn An Phát (có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại 87 Đỗ Tấn Phong, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Công ty này thành lập từ tháng 7/2015 với ngành nghề kinh doanh chính là "dịch vụ cầm đồ".

Theo giới thiệu trên website của DoctorDong thì app DoctorDong không phải của công ty LGC. Theo đó, DoctorDong là dịch vụ tư vấn tài chính cho các khoản vay cầm cố ngắn hạn với khoản vay từ 1 đến 10 triệu đồng, các lựa chọn kỳ hạn vay là 10, 20 hoặc 30 ngày được cung cấp bởi các đối tác cho vay của chúng tôi. Hiện nay, đối tác cho vay chiến lược các khoản vay cầm cố của chúng tôi là công ty Vạn An Phát. Thanh toán khoản vay sẽ được thực hiện vào cuối kỳ hạn như quy định trong hợp đồng vay cầm cố.

Thực tế, trong các phương án trả tiền đối với người vay, ngoài việc thông qua các đơn vị trung gian thì người vay cũng có thể đóng tiền qua ngân hàng và đơn vị nhận tiền cũng là công ty Vạn An Phát. Trước đó, PV đã rất khó khăn mới tìm được trụ sở công ty LGC ở số 27B Nguyễn Đình Chiểu. Văn phòng của công ty này nằm ở góc khuất ở tầng 2 của toà nhà trên.

Khi PV đến, tại đây có rất nhiều nhân viên đang trực điện thoại. Ở đây, người ra vào đều phải bấm vân tay hoặc có thẻ của công ty. Trước cửa văn phòng công ty còn có một nhân viên bảo vệ ngồi canh giữ nên người lạ không dễ lọt vào bên trong.

Về hình thức cho vay, theo hướng dẫn trên website của công ty LGC, nếu là khách hàng mới sẽ được chọn khoản vay và thời hạn vay yêu cầu. Sau khi hoàn tất các mục theo hướng dẫn, người vay nhấn nút đăng ký sau đó chờ xác nhận. Khi khách hàng đã được duyệt khoản vay thì sẽ nhận được tin nhắn SMS qua số điện thoại đã đăng ký. Lúc này, hợp đồng cũng sẽ được gửi đến qua email hoặc SMS của người vay ngay sau đó. Cuối cùng, người vay nhận tiền theo 2 cách: Qua tài khoản ngân hàng hay là nhận tiền mặt trực tiếp tại điểm giao dịch của các đối tác.

Sau khi kích thử vào bảng minh họa vay 1,5 triệu đồng trong 30 ngày, PV được thông báo số tiền thực phải thanh toán sẽ là 2.080.000 đồng, bao gồm tiền gốc, lãi và phí. Về lãi suất, công ty LGC đang áp dụng mức 10,95%/năm. Riêng phí dịch vụ, phí tư vấn (nếu có) thì theo quy định của hợp đồng. Trường hợp thanh toán trễ hạn thì khách hàng phải "liên hệ với bộ phận xử lý nợ của công ty Vạn An Phát để được xem xét và chấp thuận gia hạn việc thanh toán khoản vay".

Liên quan đến việc cho vay và thu nợ của công ty nói trên, khi làm việc với PV, đại diện công ty này cho biết: "Hiện có rất nhiều đơn vị với nhiều app khác nhau nên sợ cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, công ty đề nghị PV cung cấp thông tin để kiểm tra". PV đã cung cấp thông tin như yêu cầu nhưng đến nay,phía LGC vẫn không có phản hồi.            

(Còn nữa...)

1001 chiêu “bêu” xấu, uy hiếp để khủng bố con nợ tín dụng đen (kỳ 2)

Để đòi tiền, chủ nợ “chế” tin nhắn với hình ảnh con nợ đang cầm giấy chứng minh nhân dân, ghi rõ “đối tượng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chí Thanh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN