Tỉ phú Thái chật vật cạnh tranh trên đất Việt

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều doanh nghiệp Việt đã đủ lực cạnh tranh sòng phẳng và ngang ngửa trước các đối thủ nước ngoài tên tuổi, vốn mạnh.

Liên tục thực hiện nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập khủng, các tỉ phú Thái muốn rút ngắn thời gian cắm rễ trên đất Việt và thu lợi nhuận ngay. Chiến lược này đã thành công bước đầu nhưng hiện các tỉ phú Thái đang đối diện với không ít thử thách tại thị trường Việt Nam, nhất là sự cạnh tranh không khoan nhượng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bốc hơi tài sản

Chỉ trong vòng khoảng một năm qua, Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã đối diện với hai thái cực: Từ tích cực chuyển sang không mấy lạc quan với thị trường bia Việt. Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2019, Sabeco có khoản lợi nhuận lên đến hơn 2.600 tỉ đồng. Đây là một mức tăng trưởng đầy hấp dẫn sau khi người Thái tiếp nhận Sabeco.

Thời điểm này thị trường bia vẫn tăng trưởng tốt, mọi thứ chạy đúng theo kế hoạch. Đặc biệt từ lúc về tay chủ mới, ban lãnh đạo Sabeco đã nhanh chóng tái cấu trúc công ty, quản trị tài chính hiệu quả khiến lãi ròng tăng mạnh.

Tập đoàn Thaibev của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi từng khẳng định Sabeco là con át chủ bài, góp phần tăng trưởng chung kinh doanh của tập đoàn. Ban lãnh đạo Thaibev cũng từng tin rằng việc mua lại Sabeco sẽ giúp mở rộng kinh doanh vào Việt Nam, nơi mà thị trường bia tăng trưởng mạnh nhất khu vực.

Nhưng nửa đầu năm 2020 lại là bức tranh hoàn toàn trái ngược. Sabeco vẫn có lợi nhuận nhưng con số chỉ dừng ở mức 1.800 tỉ đồng, kém rất xa so với cùng kỳ năm trước. Ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Sabeco, giải thích lý do doanh thu và lợi nhuận giảm sút do Nghị định 100/2019 về phòng, chống tác hại của rượu bia và dịch bệnh COVID-19 đã khiến sức tiêu thụ bia giảm. Điều này khiến không chỉ Sabeco mà toàn ngành bia đều bị sụt giảm doanh số.

Sức ép này cũng buộc Sabeco đã đặt lại kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm nay giảm đi hơn 30% so với kế hoạch thực hiện năm trước. “Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn vì khi thị trường bia suy giảm, nhiều công ty thu hẹp sản xuất thì chúng tôi tập trung đầu tư cho thương hiệu, đưa ra nhiều sản phẩm mới, dịch chuyển các chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới” - ông Bennett Neo nói.

Gã khổng lồ Thái Lan Central Group sau gần một thập niên mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã thu rất nhiều lợi ích. Tập đoàn này mở rộng hệ thống bán lẻ trên khắp các tỉnh, thành và thị trường Việt Nam có thời điểm đóng góp đến 17% doanh thu cho Central Group.

Đặc biệt, Central Group nổi danh với hai thương vụ lớn là thâu tóm Big C lẫn Nguyễn Kim với giá trị lên đến cả tỉ USD. Tuy nhiên, sau khi về tay người Thái, Big C lẫn Nguyễn Kim vẫn đang chật vật kinh doanh. Đơn cử, theo tiết lộ mới nhất từ Central Group, trong quý III-2019 doanh số của Nguyễn Kim chỉ hơn 3.300 tỉ đồng một chút, một con số rất nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Hệ thống siêu thị Mega Market vốn được đổi tên từ Metro Cash & Carry của Tập đoàn TCC Holdings (Thái Lan) cũng chưa cho thấy sức mạnh vượt trội so với các đối thủ. Thậm chí còn đang chật vật cạnh tranh trên thị trường Việt.

Các công ty Việt đang nỗ lực cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Trong ảnh:Khách mua hàng tại Điện Máy Xanh. Ảnh: PM

Các công ty Việt đang nỗ lực cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Trong ảnh:Khách mua hàng tại Điện Máy Xanh. Ảnh: PM

Sức ép cạnh tranh

Ngoài yếu tố khách quan thì sức ép cạnh tranh là nhân tố chính khiến các tỉ phú Thái chật vật tìm kiếm tăng trưởng trên đất Việt. Nổi lên đó chính là nhiều công ty Việt đã đủ lực kinh doanh sòng phẳng và ngang ngửa trước các đối thủ tên tuổi, lịch sử hình thành lâu đời và vốn mạnh.

Chẳng hạn, ở lĩnh vực bia, Sabeco đang gặp sức ép lớn đến từ đối thủ trực tiếp là Heineken. Công ty bia này có độ phủ sản phẩm cao trên kênh thương mại hiện đại, chưa kể rất nhanh chóng ra mắt sản phẩm mới đáp ứng xu hướng khách hàng theo các điều kiện bình thường mới.

Ví dụ, Heineken ra mắt bia có độ cồn bằng 0 ngay khi Nghị định 100 có hiệu lực thì rất lâu sau Sabeco mới tiếp bước. Heineken cũng nhanh chân hơn, đưa ra sản phẩm bia phục vụ riêng cho thị hiếu người Việt với thương hiệu Bia Việt vào tháng 4 thì đến cuối tháng 6 Sabeco mới có sản phẩm tương tự là Lạc Việt.

Ở lĩnh vực bán lẻ, Saigon Co.op, chủ sở hữu hệ thống siêu thị Co.opmart, đang là thách thức lớn cho hệ thống bán lẻ của người Thái. Có bề dày lịch sử kinh doanh, am hiểu thị trường, quy mô lớn… đã giúp Saigon Co.op sở hữu năng lực kinh doanh mạnh mẽ, đủ sức đối đầu với bất kỳ đại gia ngoại nào.

Bằng chứng là tính riêng năm ngoái, Saigon Co.op đạt doanh thu hơn 35.000 tỉ đồng, tăng gần 5.000 tỉ đồng so với năm trước đó. Hiện Saigon Co.op nắm trong tay hơn 200 siêu thị với đủ phân khúc từ cửa hàng tiện lợi cho đến đại siêu thị hoành tráng.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc điều hành Thế Giới Di Động, đơn vị sở hữu thương hiệu Điện Máy Xanh, cũng tự tin: “Xét về lĩnh vực kinh doanh điện máy, chúng tôi hiện không có đối thủ nếu tính cả quy mô cửa hàng lẫn doanh thu”. Ông Hiểu Em dẫn chứng hệ thống siêu thị Điện Máy Xanh đang chiếm 45% thị phần với hai mô hình Điện Máy Xanh lớn và mini có hơn 1.000 cửa hàng, phủ sóng cả nước.

Tuy nhiên, chưa dừng tại đây, đơn vị này vừa ra thêm mô hình Điện Máy Xanh supermini với diện tích nhỏ nhằm đánh chiếm thị phần nông thôn. “Mô hình này được thiết kế theo cách tiết giảm chi phí tối đa cả về mặt bằng và nhân sự, trong khi nguồn hàng phù hợp đa nhu cầu thị hiếu người dân nông thôn thì biên lợi nhuận sẽ lớn” - ông Hiểu Em tự tin nói.

Hàng loạt thương vụ bom tấn của tỉ phú Thái Lan

Các tỉ phú Thái Lan đang sở hữu hàng loạt doanh nghiệp trong các ngành sản xuất lẫn bán lẻ tại thị trường Việt Nam. Trong đó nổi lên những đại gia lớn như Central Group, TCC Holdings, SCG… liên tục thực hiện các vụ mua bán, sáp nhập khủng.

Đơn cử, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thông qua TCC Holdings mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) với giá gần 900 triệu USD hồi năm 2015. Đặc biệt, vị tỉ phú này thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage chi gần 5 tỉ USD mua 53,59% cổ phần Sabeco.

Tập đoàn Central Group của gia tộc tỉ phú Thái Chirathivat trở thành chủ sở hữu hệ thống siêu thị Big C sau khi chi 1,14 tỉ USD mua lại từ đối tác châu Âu. Tập đoàn này cũng từng chi đến 2.600 tỉ đồng để thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim… 

Nguồn: [Link nguồn]

Tỷ phú Thái bỗng thất thu vì ”ông lớn” bia Việt

Hàng loạt "ông lớn" bứt phá rồi lan tỏa giúp thị trường quay đầu tăng điểm ấn tượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG MINH ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN