Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối diện mức lỗ kỷ lục

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do chi phí đầu vào liên tục tăng cao trong cả năm 2022, tỷ giá biến động mạnh và hơn 4 năm liên tiếp không được điều chỉnh giá bán lẻ điện, hiện mỗi kWh điện bán ra, tập đoàn bị lỗ 197 đồng, tương ứng mức lỗ 10,57%.

Dự kiến lỗ hơn 64.000 tỷ đồng

Về tình hình kinh doanh, trong báo cáo gửi Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gần đây, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2022, là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Tập đoàn đang đối diện tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo EVN, dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn; tối ưu hóa dòng tiền, vận hành tối ưu nguồn điện, huy động tối đa nguồn thủy điện, giảm huy động các nguồn nhiệt điện có giá thành cao nhưng do chi phí mua điện tăng quá cao, trong khi giá bán lẻ điện không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tổng cộng 27.685 tỷ đồng.

Với sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến là 251,3 tỷ kWh, mỗi kWh điện bán ra đang bị lỗ 197 đồng/kWh, EVN sẽ bị lỗ tổng cộng ước tính hơn 64.000 tỷ đồng. Trong đó, lỗ dự kiến do tỷ giá lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.

Các số liệu thực tế cũng cho thấy, do bán điện thấp hơn giá thành, chỉ trong 2 tháng đầu năm EVN bị lỗ thêm 11.200 tỷ đồng khiến áp lực tài chính của EVN ngày càng tăng. Lãnh đạo EVN cho biết, hiện giá than, giá khí cơ bản đã thực hiện theo cơ chế thị trường, tuy nhiên giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo biến động của giá các loại nhiên liệu đầu vào gây áp lực lớn đến cân bằng tài chính của EVN.

EVN cho biết, đang đối mặt tình trạng khó khăn chưa từng có khi các chi phí đầu vào liên tục tăng cao và hơn 4 năm chưa được điều chỉnh giá bán điện.

EVN cho biết, đang đối mặt tình trạng khó khăn chưa từng có khi các chi phí đầu vào liên tục tăng cao và hơn 4 năm chưa được điều chỉnh giá bán điện.

Các số liệu cho thấy, năm 2022, giá than thế giới tăng phi mã, tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Kéo theo đó, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu, giá dầu, tỷ giá tăng cao cũng lên tới 3.500 - 4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh khiến EVN ghi nhận năm lỗ kỷ lục trong lịch sử tập đoàn.

Với khoản lỗ của năm 2022 và ước tính của năm 2023, EVN cho biết, nếu không được điều chỉnh giá điện, việc lỗ tới 90.000 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 sẽ khiến tập đoàn mất tới 44,8% vốn Nhà nước tại EVN.

Cùng với đó, tập đoàn sẽ không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện. Cụ thể theo tính toán của EVN trường hợp giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh thì dự kiến đến tháng 6/2023 Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỷ đồng và đến 12/2023 thiếu hụt 27.779 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh giá điện phải cân nhắc

Tại cuộc làm việc của Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các Cục Vụ thuộc Bộ Công Thương phối hợp với EVN triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng các dự án điện và thị trường điện, cơ chế bán điện.

Đối với việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ trưởng đã chỉ đạo EVN cần bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định.

Tại phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.

Hiện Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam thành lập đoàn kiểm tra chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong trường hợp giá điện sinh hoạt tăng 5% thì dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng 3,9%; giá điện sinh hoạt tăng 7% thì CPI bình quân dự báo tăng 4,4% và nếu giá điện sinh hoạt tăng 8% thì CPI bình quân tăng khoảng 4,8%.

Lần tăng giá điện gần nhất là ngày 20/3/2019 khi giá bán lẻ điện được tăng thêm 144 đồng⁄kWh (tăng thêm 8,36%), từ 1.720 đồng lên khoảng 1.864,44 đồng một kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, giá bán buôn với hộ tiêu dùng, thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh.

Nguồn: [Link nguồn]

Bất ngờ với mức lương của ”vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn

Được mệnh danh là "vua hàng hiệu" nhưng ông Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ nhận mức lương khiêm tốn tại doanh nghiệp mình làm Chủ tịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN