Ông lớn ngành tôm kinh doanh ảm đạm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Những tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của những "ông lớn" ngành tôm lại khá ảm đạm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2023, xuất khẩu tôm chỉ đạt 600 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Cập nhật đến tháng 4, xuất khẩu tôm mới đạt hơn 891 triệu USD, giảm 44%. Sự sụt giảm diễn ra ở hầu hết các thị trường, đặc biệt là thị trường lớn nhất là Mỹ. Điều này cũng nói lên sự khó khăn của các doanh nghiệp (DN) ngành tôm khi đang phải cầm cự chờ thị trường phục hồi.

Công ty CP tập đoàn thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC), được mệnh danh là “vua tôm”, vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với khoản lỗ gần 100 tỉ đồng (98,3 tỉ đồng) trong khi quý I/2022 ghi nhận lãi hơn 91 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên công ty này lỗ theo quý trong 10 năm trở lại đây.

Năm 2022, Minh Phú đã đạt mốc doanh thu 16.000 tỉ đồng, tăng 21% so với 2021, lần đầu tiên đạt mức lợi nhuận sau thuế hơn 800 tỉ đồng - cao nhất từ trước đến nay.

Do đó, năm 2023, Minh Phú lên kế hoạch doanh thu 17.985 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1.146 tỉ đồng – vượt cả kỉ lục 2022. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường, Minh Phú sẽ phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh của năm 2023 hoặc nỗ lực tăng tốc thì phải chờ đại hội cổ đông dự kiến diễn ra cuối tháng 6 tới mới rõ.

Trong khi đó, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC) báo cáo quý I/2023 doanh thu giảm 24% so với cùng kỳ 2022 (tương đương 1.008 tỉ đồng) nhưng lãi ròng đạt gần 43,7 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân, do doanh nghiệp tôm này đã giảm được giá vốn (giảm 23%) và chi phí bán hàng (giảm 66%) dù chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.

Năm 2023, "ông lớn" ngành tôm Sao Ta tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng với 5.900 tỉ đồng doanh thu (thực hiện 2022 là 5.702 tỉ đồng) và 400 tỉ đồng lãi trước thuế (năm 2022 là 340 tỉ đồng).

Sản phẩm tôm được trình bày ấn tượng tại Hội chợ Vietfish 2022 tại TP HCM

Sản phẩm tôm được trình bày ấn tượng tại Hội chợ Vietfish 2022 tại TP HCM

Giữa lúc 2 đại gia ngành tôm tại ĐBSCL lạc quan về tăng trưởng 2023 thì Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng, mã chứng khoán THP) lại khá thận trọng khi đưa ra chỉ tiêu cho năm 2023 đều giảm so với năm ngoái.

Cụ thể, Thuận Phước đưa ra kế hoạch doanh thu 2.300 – 3.000 tỉ đồng năm 2023 (năm 2022 đạt 3.146 tỉ đồng), xuất khẩu 100 – 130 triệu USD (thực hiện năm 2022 hơn 134 triệu USD), lợi nhuận 20-25 tỉ đồng (thực hiện 2022 gần 26 tỉ đồng).

Trong quý I/2023, doanh thu Thuận Phước hơn 489 tỉ đồng, giảm 21% so với quý I/2022 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt gần 7,3 tỉ đồng, so với con số gần 4,5 tỉ đồng cùng kỳ 2022, tăng hơn 60%.

Theo VASEP, tính đến tháng 4, doanh nghiệp thủy sản vẫn bị áp lực nặng nề vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh trong khi sản xuất, chế biến trong nước bị gánh nặng chi phí sản xuất tăng cao, nhất là thức ăn, con giống và các chi phí cơ bản khác.

Cập nhật đến hết tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 2,6 tỉ USD, thấp hơn 31% so với cùng kỳ năm 2022. Với diễn tiến này, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ có thể hồi phục dần từ quý III/2023.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông chủ “heo ăn chay” chạm đáy lợi nhuận trong quý đầu năm 2023

Kể từ khi niêm yết vào năm 2021, đây là quý đầu tiên lợi nhuận của BAF xuống thấp kỷ lục với mức lãi vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, "bốc hơi" hơn 95% so với cùng kỳ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN