Nhà đầu tư Việt mua cổ phần vì "đất vàng" hơn là thương hiệu

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, những thương vụ mua cổ phần doanh nghiệp Việt thời gian qua cho thấy các nhà đầu tư nhắm chính vào bất động sản và những khu đất vàng hơn là thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Thông tin trên được chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long trình bày bày tại Diễn đàn Tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước sáng 8/8 ở Hà Nội.

Ông Long cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại không quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư.

Điều ưu tiên, theo ông Long, là nhà đầu tư phải có công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm, cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt.

Vị chuyên gia cũng cho hay, thời gian qua có rất nhiều ý kiến cho rằng cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại là coi như “mất tất” hoặc “mất thương hiệu.” Tuy vậy, theo ông, việc đánh giá cái được, cái mất cần phải thực hiện một cách toàn diện.

Dẫn chứng trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), theo ông Long, nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso) không hề có kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực sản xuất phim.

“Không ít những nhà đầu tư chiến lược Việt khác tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp”, vị chuyên gia nhận định.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua bị chậm lại. Ông Long cho rằng, nhiều quy định pháp lý cần chặt chẽ hơn, một số khâu, công đoạn buộc phải kéo dài để tránh thất thoát như việc xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý đất đai trước khi cổ phần hóa…

Toàn cảnh diễn đàn ngày 8/8

Toàn cảnh diễn đàn ngày 8/8

Trước đó, theo công bố của Bộ Tài chính, tính tới hết quý 2 năm nay, mới có 35/127 doanh nghiệp trong danh mục được duyệt thực hiện cổ phần hóa. Số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa tới năm 2020 là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay: "Cơ chế thì chung cho doanh nghiệp Nhà nước nhưng triển khai thì mỗi doanh nghiệp lại khác nhau. Tới đây, phải cổ phần hóa, thoái vốn tại các tập đoàn tổng công ty quy mô vốn lớn, đa ngành sẽ có vấn đề mang tính đặc điểm riêng," ông Tiến nói.

Theo ông Trần Nguyên Nam, Phó trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Cụ thể, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế; Việc thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước gặp nhiều khó khăn do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. Doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước cao (có trường hợp đến hơn 90%) thì hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước.

Về công tác cổ phần hóa, SCIC cho hay, doanh nghiệp này gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc vì hầu hết các công ty TNHH 1, 2 TV mà SCIC tiếp nhận có quy mô nhỏ, còn nhiều tồn tại vướng mắc về tài chính kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí mất hết vốn nhà nước không đủ điều kiện triển khai cổ phần hóa.

Đối với công tác thoái vốn nhà nước, đại diện SCIC cho biết, nhìn chung, pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp nhà nước thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước; doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; Giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...

Lợi nhuận ”ông lớn” Sông Đà thấp kỷ lục sau cổ phần hoá

Sở hữu khối tài sản hơn 15.600 tỉ đồng nhưng ngay trong năm đầu tiên cổ phần hóa, lợi nhuận trước thuế của Tổng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN