Lãi suất tiết kiệm đồng loạt tăng, có ngân hàng 1 tháng tăng 2-3 lần

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Từ đầu tháng 5 đến nay có 18 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm. Thậm chí có ngân hàng tăng 2-3 lần trong vòng 1 tháng. Dòng tiền được dự báo quay lại gửi ngân hàng nhưng nhỏ giọt, bởi các kênh đầu tư khác đang hấp dẫn hơn.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 21/5. Trong đó, với tiền gửi của khách hàng cá nhân thông thường và nhận lãi cuối kỳ, ngân hàng này đồng loạt tăng lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 1-15 tháng thêm 0,1-0,2%/năm.

Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng tăng từ 2,1%/năm lên 2,3%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 2,3%/năm lên 2,5%/năm, kỳ hạn 3-4 tháng tăng từ 2,5 - 2,6%/năm lên cùng mức 2,7%/năm, kỳ hạn 5 tháng tăng từ 2,7%/năm lên 2,8%/năm, kỳ hạn 6-8 tháng tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm, kỳ hạn 9-10 tháng tăng từ 3,6%/năm lên 3,7%/năm, kỳ hạn 11 tháng tăng từ 3,7%/năm lên 3,8%/năm, kỳ hạn 12-15 tháng tăng từ 4,5%/năm lên 4,6%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng nhưng chưa đủ hấp dẫn.

Lãi suất tiết kiệm tăng nhưng chưa đủ hấp dẫn.

Cùng với khách hàng cá nhân, MB cũng tăng lãi suất huy động đối với tiền gửi của khách hàng tổ chức. Theo đó, ngân hàng này đồng loạt tăng lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn 1-60 tháng thêm 0,1-0,2%/năm. Hiện biểu lãi suất huy động MB áp dụng cho khách hàng tổ chức dao động trong khoảng 0,5-5,5%/năm. Trong đó, mức lãi suất 5,5%/năm được áp dụng cho tiền gửi tại các kỳ hạn 36-60 tháng.

Như vậy, MB là ngân hàng tiếp theo tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 5. Trước đó, đã có 17 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tháng là ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, ngân hàng số Cake by VPBank và gần đây nhất là HDBank.

Thậm chí, có những ngân hàng 2-3 lần tăng lãi suất trong vòng 1 tháng. Cụ thể, ngân hàng VIB mới đây lần thứ 3 tăng lãi suất tiết kiệm kể từ đầu tháng 5 trở lại đây. Theo biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến, lãi suất cao nhất nhà băng này áp dụng cho kỳ hạn 24-36 tháng, ở mức 5,1%/năm.

Ngân hàng Techcombank cũng từng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm 2 lần liên tiếp trong ngày 8/5 và 9/5. Hiện lãi suất suất tiết kiệm cao nhất tại nhà băng này áp dụng cho kỳ hạn 12-36 tháng với mức 4,7%/năm.

Trên thị trường, một số nhà băng ghi nhận tăng mạnh lãi suất với mức tăng lên tới 0,9%/năm như CB và OceanBank.

Sau đợt điều chỉnh vừa qua, mặt bằng lãi suất tiết kiệm cao nhất đã quay trở lại mốc trên 6%/năm. Cụ thể, gần đây nhất, HDBank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm và trở thành ngân hàng thứ ba trên thị trường duy trì mức lãi suất từ 6%/năm cho khách hàng gửi tiền, với lãi suất kỳ hạn 15 và 18 tháng lần lượt là 6,1% và 6,2%/năm.

Làn sóng tăng mạnh lãi suất trở lại trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp kéo dài, tiền gửi dân cư cũng ghi nhận dấu hiệu dịch chuyển bớt khỏi kênh ngân hàng.

Báo cáo tài chính quý I cũng cho thấy, tăng trưởng huy động tiền gửi của các ngân hàng ở mức rất thấp, thậm chí nhiều nhà băng lớn ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như Vietcombank, MB, SHB, VIB, TPBank.

Chứng khoán Vietcombank nhận định rằng, mặt bằng lãi suất huy động có thể cao hơn từ 0,5-1 %, tuy nhiên đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động toàn thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, lượng tiền quay lại gửi ngân hàng sẽ nhỏ giọt bởi tâm lý của nhiều người dân thích đầu cơ. Trong khi đó, vàng đang là kênh có biên độ tăng giảm lớn, hấp dẫn nhà đầu tư lướt sóng. Bất động sản đang hút dòng tiền sớm quay trở lại khi sự phục hồi ngày càng rõ nét. Kênh đầu tư chứng khoán cũng đang khởi sắc. Thế nên, dòng tiền có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.

Nguồn: [Link nguồn]

Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng được mua bắt buộc và dự kiến trình phê duyệt phương án trong tháng 5 để hoàn tất việc này trong năm nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN