Phó thủ tướng: Năm nay chuyển giao xong 3 ngân hàng mua bắt buộc

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng được mua bắt buộc và dự kiến trình phê duyệt phương án trong tháng 5 để hoàn tất việc này trong năm nay.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái sáng nay báo cáo tình hình kinh tế xã hội, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Theo Phó thủ tướng, kinh tế 4 tháng đầu năm ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao nhất giai đoạn ba năm. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,93% so với cùng kỳ. FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm. Nhiều tập đoàn lớn cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo kinh tế xã hội, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 20/5. Ảnh: Phạm Thắng

Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo kinh tế xã hội, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 20/5. Ảnh: Phạm Thắng

Về cơ cấu ngân hàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5. Việc này cũng sẽ hoàn thành trong năm nay.

Trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.

Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng này và Ngân hàng Đông Á - nhà băng bị kiểm soát đặc biệt.

Hồi tháng 4, CEO Ngân hàng Quân đội (MB) Phạm Như Ánh cho biết đề án nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém đã được ngân hàng hoàn thành, gửi Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ. MB mong muốn "chốt" thương vụ chuyển giao này trong năm nay hoặc 2025 để "mở ra không gian phát triển mới, nhất là tăng trưởng tín dụng".

Ngoài các ngân hàng yếu kém đang chờ phương án tái cơ cấu được duyệt, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã triển khai cơ cấu lại. Tính đến cuối tháng 4, lỗ lũy kế của ngân hàng này giảm 20%; nợ xấu hạ 37,7% (tương đương 15.000 tỷ).

Tuy vậy, khi thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đáng lo ngại. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng gặp nhiều khó khăn.

Theo Ủy ban Kinh tế, thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán) tồn tại nhiều vấn đề, làm gia tăng áp lực và tiềm ẩn rủi ro với hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, năm ngoái nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận lãi lớn, như Vietcombank là 33.054 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022. BIDV lãi 22.027 tỷ, tăng 20%, hay MB đạt 21.053 tỷ đồng, tăng 16%.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến phát triển kinh tế - xã hội. "Cần làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn", cơ quan thẩm tra đề nghị.

Ở khía cạnh này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận sức ép lớn khi điều hành kinh tế vĩ mô. "Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn", Phó thủ tướng nói.

Trong đó, sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn. Bốn tháng đầu năm, gần 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Giá vàng biến động mạnh. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng chưa đạt yêu cầu.

Những hạn chế này, theo lãnh đạo Chính phủ, chủ yếu do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động phức tạp, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, tạo áp lực lên điều hành.

Chưa kể, những yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu, bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn, trong đó có thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng yếu kém.

"Phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một số cán bộ, công chức còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm", Phó thủ tướng nói.

Nhiều giải pháp được Chính phủ đưa ra, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên. Năm nay ngành ngân hàng phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt 15%, giảm 1-2% lãi suất vay.

"Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài", Phó thủ tướng cho biết.

Các giải pháp ổn định thị trường vàng "sẽ được thực hiện ngay, cùng với thanh, kiểm tra và áp dụng hóa đơn điện tử lĩnh vực này".

Phó thủ tướng cho biết, năm nay Chính phủ tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới quản lý công vụ, công chức và chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.

Nguồn: [Link nguồn]

Cần có biện pháp hiệu quả chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng người vay tiền phải mua bảo hiểm nhân thọ để được giải ngân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Minh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN