Ham lợi nhuận khủng, nhiều người mắc “bẫy” Capel?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Sau hơn 4 tháng không nhận được lãi và gốc như cam kết, nhiều người kéo đến văn phòng của Công ty CP Tập đoàn Capel tại Hà Nội...

Đội mưa gió đi đòi tiền

Hơn chục nhà đầu tư đại diện cho những người góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Capel (địa chỉ tại đường Thạch Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP.HCM) vừa đội mưa gió đến chi nhánh của công ty này tại Hà Nội (khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) để gặp lãnh đạo và yêu cầu công ty trả lãi, gốc hoặc muốn rút vốn đầu tư.

Chị Nguyễn Thị KH. (trú tại Tam Hiệp, Hà Nội) cho biết, tham gia đầu tư vào công ty này từ tháng 7/2021 và đã ký tổng cộng 5 hợp đồng góp vốn đầu tư, tổng trị giá hơn 400 triệu đồng với cam kết trả gốc và lãi theo ngày. Tuy nhiên, chị đã không nhận được tiền gốc và lãi như cam kết của công ty.

Các nhà đầu tư xuống văn phòng của Capel tại Hà Nội yêu cầu gặp lãnh đạo công ty, đòi trả gốc và lãi như cam kết

Các nhà đầu tư xuống văn phòng của Capel tại Hà Nội yêu cầu gặp lãnh đạo công ty, đòi trả gốc và lãi như cam kết

Chị Nguyễn Thị T. (trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho Báo Giao thông biết, đã đầu tư 450 triệu đồng vào Capel từ tháng 12/2021.

“Tôi được người làm cùng giới thiệu và mời tham gia đầu tư với lãi cao 650 nghìn đồng/ ngày. Thời gian đầu vẫn nhận đều đặn nhưng từ 26/4/2022 đến nay công ty không trả đúng như cam kết, có tháng chỉ nhận được mấy chục nghìn”, chị T. nói.

Chị T. và những người trong nhóm đã liên hệ với người kêu gọi mình tham gia đầu tư nhưng không nhận được phản hồi.

Sau đó, chị T. liên hệ với Công ty CP Tập đoàn Capel, nhân viên công ty hẹn sẽ trả lời nhưng việc này lặp đi, lặp lại nhiều lần.

Chị N.T.G (trú tại Thái Nguyên) cùng với một nhóm nhà đầu tư đã phải bắt xe từ đêm, đội mưa đội gió xuống tận Hà Nội để mong được gặp lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Capel với mong muốn nhận lại mấy chục triệu đồng vốn đầu tư: “Họ nói lãi cao hơn ngân hàng nên có tí tiền tích góp từ hái chè, trồng rau đều bỏ vào đây. Nếu công ty không trả cũng không biết liên hệ với ai, bấu víu vào ai để đòi”.

Các gói đầu tư khác của chị H., chị G... cũng như gần 30 nhà đầu tư trong một nhóm zalo mà PV Báo Giao thông nắm được thông tin đã đầu tư từ vài chục đến hơn 5 tỷ đồng vào Capel với thời hạn 1-2 năm, đều rơi vào tình cảnh tương tự khi công ty này ngừng trả tiền hoặc chỉ trả vài chục nghìn đồng/ tháng kể từ tháng 4/2022.

Sập “bẫy” lãi suất khủng?

Các nhà đầu tư cho biết, họ được người quen giới thiệu về công ty và các gói đầu tư từ vài chục tới vài trăm triệu vào Công ty CP Tập đoàn Capel do ông Lã Quốc Trưởng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Trong các tờ thông tin phát đến cho nhà đầu tư, công ty tự giới thiệu là “thành lập ngày 11/7/2019 với mục tiêu xây dựng thương hiệu “Capel Group” đến 2030 hoàn thiện mô hình tập đoàn đầu tư, sản xuất, kinh doanh thương mại đa ngành, lập kế hoạch chiến lược lâu dài để đạt giá trị thương hiệu dự toán 5 tỷ USD”.

Cụ thể, công ty này nhấn mạnh 4 mục tiêu: Thu hút nhà đầu tư; Thu hút nhân sự; Phát triển quỹ đất; Ổn định thị trường.

Theo Capel, đến hết tháng 7/2022 công ty này đã thu hút được hơn 100 nghìn nhà đầu tư; ngoài trụ sở tại TP.HCM thì đã thành lập được các văn phòng tại Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An và Cần Thơ. Về quỹ đất, công ty tiết lộ đã phát triển được 500 quỹ đất nhỏ; 5 khu đất lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Kiên Giang, Bình Phước và Kon Tum. Tuy nhiên, tên các dự án cụ thể không được tiết lộ.

Theo tìm hiểu của PV, khi được kêu gọi đầu tư, các nhà đầu tư chuyển tiền trước vào tài khoản của Capel, sau đó công ty sẽ chuyển hợp đồng kèm theo các tính toán về trả gốc và lãi cao.

Đơn cử như một hợp đồng hợp tác kinh doanh trị giá 100 triệu đồng ký ngày 30/12/2021, thời hạn 1 năm của chị Nguyễn Thị T. ghi hình thức hợp tác: “Bên B hợp tác kinh doanh với bên A dưới dạng hợp đồng mua cổ phiếu của bên A theo mức hợp tác đầu tư kinh doanh mà bên A đã quy định. Bên B nhận một số lượng cổ phiếu theo biên độ trên sàn giao dịch mà bên A quản lý”. “Bên B được phân chia các khoản tiền khuyến mãi, tiền thưởng, tiền phân chia lợi nhuận từ hợp đồng đầu tư kinh doanh của công ty”.

Theo phụ lục đính kèm theo hợp đồng này, lợi nhuận và vốn gốc trả theo tỷ lệ 0,625%/ngày (tương đương 625 nghìn đồng/ngày).

Nếu trả theo tuần thì tỷ lệ trả là 3,125% (3,125 triệu đồng/tuần). Nếu trả theo tháng, tỷ lệ là 12,5% (12,5 triệu đồng/tháng). Nếu nhận theo năm, tỷ lệ là 150% (150 triệu đồng/năm). Còn nếu sau hai năm mới nhận thì cả gốc và lãi là 300 triệu đồng (tỷ lệ 300%).

Còn nếu nhà đầu tư nhận cổ phiếu thì sẽ được cấp một “Ví điện tử” và được phép bán tối đa 10% số cổ phiếu trong “ví” trong 6 tháng đầu, bán 15% trong 6 tháng tiếp theo và 20% sau 12 tháng.

Nếu nhà đầu tư không bán cổ phiếu thì hàng tháng sẽ nhận được tiền chia bằng USD. Nhà đầu tư dùng cổ phiếu mua sản phẩm dịch vụ của công ty này thì sẽ được giảm giá 5-20%.

Đại diện Capel nói gì?

Theo tìm hiểu của PV, kể từ trung tuần tháng 4/2022, công ty này đã liên tục gửi thư ngỏ, thông báo tới nhà đầu tư thay đổi cách phân chia lợi nhuận, cam kết trả tiền chậm thanh toán cũng như kêu gọi các nhà đầu tư thông cảm và tiếp tục đồng hành.

Đó là lừa đảo! Không có hình thức đầu tư nào mà lại cam kết trả gốc và lãi. Còn hình thức công ty vay vốn lại là hình thức khác. Ở đây, hình thức trong hợp tác nói trên là sai cơ bản về nguyên lý. Nhà đầu tư ham lợi nhuận cao thì đã chấp nhận rủi ro ngay từ khi tham gia và tự làm tự chịu vì không có hình thức kinh doanh nào lãi mang lại cao như thế. Trong trường hợp này, nhà đầu tư chỉ có cách duy nhất là tố cáo đến cơ quan công an.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Sau nhiều lần trì hoãn, đến ngày 25/8, trước sự bức xúc của rất nhiều nhà đầu tư, Capel đã cử đại diện là bà Hà Thị Nga, Phó chủ tịch công ty, gặp gỡ trả lời thắc mắc. Tuy nhiên, bà Nga không gặp trực tiếp mà chuyển sang hình thức gặp qua zoom.

Bà Nga thanh minh: “Sau 20/4, tài chính công ty không về kịp nên bắt buộc phải đưa ra thông báo khẩn cấp. Thời điểm đó đáng lẽ làm tốt công tác trả đều như 2021, nhưng vì VTV vào cuộc, chúng tôi bị ngân hàng gác lại. Chúng tôi bị dịch chuyển tài sản ra, chúng tôi đã có thể thực hiện được khoảng 500 - 1.000 tỷ nhưng vì truyền thông vào cuộc”.

Bà Nga cũng nêu lý do, bên cạnh thị trường bất động sản trầm lắng thì từ tháng 4/2022 thị trường chứng khoán sụt giảm và ngân hàng siết chặt tín dụng.

“Cho đến 15/8 mới mở trở lại và công ty mới dịch chuyển được tiền. Chúng tôi xin hoãn đến 30/9”, bà Nga nói và cam kết trả tiền lãi và gốc cho nhà đầu tư.

Trước chất vấn của nhà đầu tư về việc Capel vẫn kêu gọi nhà đầu tư mới và trả tiền gốc, lãi cho nhà đầu tư mới nhưng lại ngưng của nhà đầu tư cũ, liệu có lừa đảo hay không?, bà Nga trả lời: “Chúng tôi không có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bất cứ ai. Vì một công ty có vấn đề xảy ra thì đóng cửa ngay lập tức”.

Tuy nhiên, trước việc nhà đầu tư yêu cầu công ty trả tiền theo như đúng hợp đồng nếu không sẽ nhờ công an vào cuộc, bà Nga khẳng định: “Nếu đưa hợp đồng ra làm việc là điều không mong muốn bởi khi làm hợp đồng chúng tôi bắt buôc phải có những điều khoản để bảo vệ chúng tôi.

Những điều khoản chúng tôi đưa ra bắt buộc phải là điều khoản bảo vệ công ty vì bảo vệ được công ty thì mới bảo vệ được quyền lợi cho mọi người. Nên xét về mặt hợp đồng thì đến thời điểm này Capel không sai”.

Đại diện Capel còn cho biết, nếu nhà đầu tư tiết lộ thông tin ra ngoài là “vi phạm hợp đồng và gây ảnh hưởng tới công ty”, nguồn tiền về chậm sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của chính nhà đầu tư.

Nguồn: [Link nguồn]

Vay tiền qua ứng dụng trực tuyến lãi suất ”cắt cổ”, ngàn người mắc bẫy

Khuôn mặt thất thần vì sau hai tuần số tiền nợ đã tăng vọt ngoài sức tưởng tượng, chị Hiền T. cho biết, liên tiếp nhiều ngày nay bị ám ảnh bởi những cuộc điện thoại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN