Vay tiền qua ứng dụng trực tuyến lãi suất "cắt cổ", ngàn người mắc bẫy

Khuôn mặt thất thần vì sau hai tuần số tiền nợ đã tăng vọt ngoài sức tưởng tượng, chị Hiền T. cho biết, liên tiếp nhiều ngày nay bị ám ảnh bởi những cuộc điện thoại lạ gọi tới đòi tiền, khủng bố tinh thần.

Một người vay tiền, cả gia đình bị khủng bố tinh thần

Chị Nguyễn Thị Hiền T. (Vĩnh Phúc) – làm nhân viên dạy tiếng nước ngoài tại một trung tâm lao động xuất khẩu cho hay, do ảnh hưởng của dịch hơn hai tháng nay trung tâm nơi chị làm việc tạm ngừng hoạt động.

Nhiều người vay tiền qua app trực tuyến bàng hoàng vì số tiền lãi đội lên từng ngày (Ảnh minh họa)

Nhiều người vay tiền qua app trực tuyến bàng hoàng vì số tiền lãi đội lên từng ngày (Ảnh minh họa)

Do cần gấp một khoản tiền để trang trải cá nhân, thấy thủ tục đơn giản, nhanh gọn, cuối tháng 3/2020, chị T. đã vay tiền qua ứng dụng (app) trực tuyến. Tuy nhiên, sau đó chị T. mới tá hỏa rằng, số tiền phải trả nhanh chóng đôi lên nhiều lần so với số tiền gốc chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo thông tin chị T. cung cấp, số tiền T. vay qua app là 1,7 triệu đồng, thực chất chị chỉ nhận được 1,42 triệu đồng, số còn lại 272.000 đồng bị bên cho vay “ngắt ngọn” được gọi là phí dịch vụ. Sau 8 ngày kể từ khi nhận tiền chị T. nhận được thông báo số tiền vốn lẫn lãi phải trả là 2,04 triệu đồng, nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt 102.000 đồng.

Những ngày sau đó, chị T. liên tục nhận những cuộc điện thoại đe dọa, chửi bới, bắt trả hết nợ. Vì chưa có khả năng chi trả, một phần vì số tiền liên tiếp đội lên, các đối tượng cho vay càng đòi ráo riết. Không chỉ chị T. mà bố mẹ ruột, bác họ, bạn bè của chị T. (theo danh bạ điện thoại chị T. cung cấp từ khi vay) cũng liên tiếp nhận những cuộc điện thoại lạ gọi tới để đe dọa và khủng bố tinh thần. Quá hoảng loạn và lo lắng đến sự an toàn của bản thân và gia đình, chị T. đã trình báo sự việc tới công an địa phương.

Vay từ 4 triệu thành con nợ… 200 triệu

Trước đó, Công an huyện Nam Đàn thông tin, ngày 17/2/2020, anh T.V.T. (SN 1992) trú tại xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn cũng đã đến trụ sở Công an huyện Nam Đàn trình báo sự việc: giữa năm 2019, do cần một khoản tiền gấp nên anh T. lựa chọn khoản vay 4 triệu đồng trong vòng 14 ngày qua app điện thoại. Tuy nhiên, trên thực tế tài khoản anh T. chỉ nhận được số tiền 2,2 triệu đồng, số tiền còn lại được gọi là phí dịch vụ. Sau 14 ngày, chưa trả được hết số tiền đã vay, anh T.V.T. liên tục bị gọi điện đe dọa, chửi bới, bắt trả hết nợ, bắt sử dụng ứng dụng khác tiếp tục vay tiền để trả tiền nợ. Ở ứng dụng mới, anh T.V.T. vay số tiền 2 triệu đồng nhưng thực tế nhận được là 1 triệu đồng và phải trả trong vòng 7 ngày. Cứ như vậy, nợ mới đè nợ cũ, lãi mẹ đẻ lãi con… khiến số tiền anh T. phải trả gấp nhiều lần khoản nợ ban đầu.

Nhóm đối tượng cho vay nặng lãi qua app với lãi suất lên đến 90%/tháng vừa bị Công an TP. HCM bắt giữ

Nhóm đối tượng cho vay nặng lãi qua app với lãi suất lên đến 90%/tháng vừa bị Công an TP. HCM bắt giữ

Cho đến khi trình báo với lực lượng chức năng, số tiền anh T.V.T. đã vay tổng cộng hơn 70 triệu đồng nhưng thực tế nhận được chỉ hơn 45 triệu đồng và số tiền phải trả nợ là gần 200 triệu đồng. 

Công an huyện Nam Đàn khuyến cáo, hình thức cho vay tiền qua các ứng dụng online là thủ đoạn mới, tinh vi, biến tướng của loại tội phạm “tín dụng đen”, đang lách luật để hoạt động, sử dụng công nghệ để dụ dỗ người vay và cho vay, biến tướng thành việc cho vay nặng lãi.

Với ưu điểm nhanh, đơn giản, lãi suất thấp, được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, youtube,…đánh vào tâm lý những người cần tiền gấp với số tiền không quá lớn, các ứng dụng này dễ dàng đánh lừa người vay bằng những quảng cáo khác xa với thực tế sau khi vay. Khi số tiền vay cùng số lãi suất lớn, người vay không trả được nợ, thì sẽ bị gọi điện đe dọa, bị tung ảnh lên mạng cắt ghép nội dung là lừa đảo, người thân bị khủng bố tinh thần…

Vì vậy, trước các chiêu thức, biến tướng của tội phạm “tín dụng đen” ngày càng tinh vi, mỗi người dân cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng về việc sử dụng dịch vụ vay tiền qua app, web này, tránh rơi vào “vòng xoáy nợ nần”. Khi gặp khó khăn về tài chính, người dân nên tìm đến các ngân hàng uy tín tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ vay vốn.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam một nhóm người được điều hành bởi hai người ở Trung Quốc có tên L. và M. để điều tra đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất lên đến 90%/tháng.

Kết quả điều tra xác định, L. và M. tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động để cho vay tiền mang tên “vaytocdo”, “Moreloan” và “VD online”. Các app này được quảng cáo trên Internet, mạng xã hội để người vay tự liên lạc.

Khi khách hàng có nhu cầu thì ứng dụng sẽ yêu cầu người vay tạo 1 tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân (hình ảnh, CMND, số tài khoản ngân hàng) và phải đồng ý theo 7 điều khoản, trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.

Các điều khoản này giúp kẻ cho vay nắm được hết các số điện thoại của người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ để sau này nhân viên gọi đòi nợ.

Sau 7 ngày người vay phải trả tiền gốc là 1,5 triệu đồng, trả chậm phạt mỗi ngày từ 2-5%. Tính ra, mức cho vay qua app là 3%/ngày, 90%/tháng.

Theo cảnh sát, chỉ sau gần 6 tháng hoạt động, nhóm đã có đến 60.000 người vay qua 3 ứng dụng nói trên với tổng số tiền lên đến 100 tỷ đồng. Nếu trừ đi ‘nợ xấu”, số tiền thu lợi bất chính của kẻ chủ mưu lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Báo động đỏ từ các app cho vay nặng lãi: ”Tín dụng đen” thời công nghệ cao

Với thủ đoạn tinh vi sử dụng công nghệ cao để cho vay nặng lãi qua ứng dụng "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online",...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN