Đổi tiền lẻ cuối năm: Cảnh báo lừa đảo trên mạng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cận Tết, phí đổi tiền lẻ có khi lên đến 500%. Người đổi tiền phải trả 6 triệu đồng để mua về 1 triệu đồng mệnh giá 500 đồng. Viện cớ khan hiếm tiền mới, giới buôn, đổi tiền tạo khái niệm “tiền lướt mới 99%” giá mềm.

Công khai trao đổi tiền nơi cổng chùa

Công khai trao đổi tiền nơi cổng chùa

Mệnh giá 500 đồng “cháy hàng”

Rằm tháng Chạp (15/12 Âm lịch), cảnh tượng công khai đổi tiền lẻ một lần nữa diễn ra trước cổng chùa, phủ tại Hà Nội. Khu vực chùa Phúc Khánh (Hà Nội), từ sáng sớm 27/1, các hàng bán đồ lễ đã tấp nập khách ra vào. Bên cạnh bánh kẹo, hoa quả, vàng mã,… thì tiền lẻ cũng là mặt hàng đắt khách ngày rằm.

Phớt lờ lệnh cấm, một số chủ hàng phô trương tiền, biển hiệu đổi tiền lẻ công khai ngay sạp hàng. Số còn lại hoạt động cầm chừng, bí mật hơn. Người bán giấu tiền trong túi, bày xen kẽ hàng hóa, thận trọng trao đổi khi khách có nhu cầu. Mức phí phổ biến 20 - 30% cho mệnh giá 1.000 - 20.000 đồng. Gọi là tiền mới, nhưng theo tiểu thương, đây chỉ là tiền dùng lướt, không nhàu, bẩn. Loại liền seri, nguyên niêm phong bán riêng theo thếp.

Cá biệt, mệnh giá 500 đồng “cháy hàng” khắp nơi. Dãy bán đồ lễ gần chùa Quán Sứ (Hà Nội) duy nhất một phụ nữ nhận đổi 500 đồng, phí 400%. Loại liền seri được các con buôn chợ mạng chào phí 500%. Trong chùa, tiền lẻ phủ đầy ban thờ, người dân nhét khắp nơi dù có thùng công đức đặt cạnh.

Chợ mạng cũng giao dịch sôi động loại tiền lướt. B.Hà (người bán tiền trên mạng xã hội) chào giá 4% cho các mệnh giá 10.000 - 20.000 đồng. Mức phí này thấp hơn đến một nửa so với tiền mới liền seri, tương đương 8%. “Tiền lướt đảm bảo như mới, nếu không cần seri thì lấy loại này. Chỉ tiền polyme mới nhiều hàng lướt. Tiền giấy dễ hư hỏng nên số lượng ít”, Hà tiết lộ.

Theo nhân viên một phòng giao dịch ngân hàng (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), khách VIP cuối năm cũng không có chế độ đổi tiền lẻ. Về khái niệm tiền lướt, người này cho hay: “Ngân hàng chỉ có ít tiền hơi mới 100.000 - 200.000 đồng đã lưu thông, nhân viên nhặt lại lúc giao dịch. Mệnh giá bé, tiền cotton không có loại mới. Tiền chuyển đến ngân hàng, qua kiểm đếm, chạy máy, rút lẻ nên không còn nguyên seri”.

Cảnh báo lừa đảo

Trên chợ mạng, thị trường tiền lẻ nhộn nhịp, xuất hiện mánh khóe lừa đảo. Trong các hội nhóm hàng mua bán tiền trên mạng xã hội (MXH), một số người bức xúc tố cáo chiêu trò đổi tiền bịp bợm. Viện cớ xả hàng, cần tiền nên thanh lý giá rẻ, giới buôn ảo dễ dàng đưa người mua vào bẫy, yêu cầu đặt cọc rồi biến mất.

Trường hợp khác, người bán phá luật, rút lõi tiền giao khách. Số tiền người mua nhận về không còn nguyên vẹn, thiếu tờ seri đẹp dù cam kết nguyên thếp. Giao dịch trên mạng ảo, khách mua “vỡ mộng” không biết kêu ai, ngậm ngùi tố cáo khi kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay. Mọi dấu tích, tài khoản MXH đều biến mất.

Theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Tết năm nay, NHNN sẽ tiếp tục siết chặt chuyện đổi tiền lẻ và không in tiền mới mệnh giá nhỏ. Đây là năm thứ 8 liên tiếp NHNN chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết. Việc hạn chế in tiền lẻ mới dịp Tết Nguyên đán các năm qua đã giúp ngân sách tiết kiệm được hơn 3.500 tỷ đồng.

Không chỉ tiền Việt, các loại tiền nước ngoài cũng được trao đổi rầm rộ trên chợ mạng. Trong đó, được quan tâm nhất là tờ 2 USD. Tiền mới nguyên thếp, liền seri giá 180.000 đồng tờ, loại mới 90% giá 150.000 đồng. Các tờ seri đẹp lên đến tiền triệu. Người bán thoải mái giao dịch, khẳng định có sẵn lượng lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Rầm rộ săn tiền lì xì, đổi tiền mới

Bên cạnh các loại tiền lì xì mang tính chất lưu niệm được bày bán khá nhiều trên thị trường, dịch vụ đổi tiền lẻ,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Linh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN