Đề xuất triển khai mô hình "tài khoản vàng"

Sự kiện: Giá vàng
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tại nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng, tình trạng không ghi nhận thông tin số sê-ri hay danh tính người mua vẫn diễn ra phổ biến.

Ghi số sê-ri để truy xuất nguồn gốc vàng

Liên quan dự thảo sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Bộ Công an nhận định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có quy định cụ thể về việc quản lý số sê-ri vàng miếng, bao gồm số sê-ri của vàng miếng sản xuất mới, vàng miếng móp méo được gia công lại, số sê-ri trong các giao dịch mua bán, hay số sê-ri khi vàng miếng được chuyển thành nguyên liệu. 

Do đó, Bộ Công an đề xuất NHNN bổ sung quy định bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri vàng miếng trên chứng từ giao dịch.

Bộ Công an đề xuất NHNN bổ sung quy định bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri vàng miếng trên chứng từ giao dịch

Bộ Công an đề xuất NHNN bổ sung quy định bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri vàng miếng trên chứng từ giao dịch

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Phượng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), cho biết từ ngày 30-6-2024, NHNN đã cho phép 4 ngân hàng thương mại lớn (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) cùng Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) tham gia trực tiếp thị trường bán lẻ vàng. 

Các giao dịch mua bán tại đây đều được lưu trữ đầy đủ thông tin, từ số sê-ri vàng miếng đến căn cước công dân (CCCD) của người mua. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi miếng vàng được định danh rõ ràng, giúp cơ quan quản lý dễ dàng truy vết khi cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này chỉ được thực hiện tại các ngân hàng lớn và đơn vị do NHNN chỉ định. Tại nhiều doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng, tình trạng không ghi nhận thông tin số sê-ri hay danh tính người mua vẫn diễn ra phổ biến. Lỗ hổng này khiến hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi cần xác minh nguồn gốc vàng hoặc dòng tiền trong các giao dịch có dấu hiệu bất thường.

Do đó, bà Phượng đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về việc bổ sung quy định bắt buộc ghi nhận số sê-ri vàng miếng trên hóa đơn và chứng từ giao dịch. Bà cho rằng số sê-ri, đặc biệt đối với vàng SJC, cần được coi là một dạng "mã định danh" gắn liền với thông tin cá nhân của người mua. Khi đó, việc lưu trữ đầy đủ số sê-ri cùng CCCD của khách hàng sẽ giúp thị trường trở nên minh bạch hơn, đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác điều tra, phòng chống rửa tiền và kiểm soát dòng tiền bất hợp pháp.

Triển khai mô hình "tài khoản vàng"

Không dừng lại ở việc định danh vật lý vàng miếng, một giải pháp dài hạn được bà Phượng đề xuất là triển khai mô hình "tài khoản vàng", tương tự tài khoản chứng khoán, tại các ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng. 

Giao dịch vàng sẽ được thực hiện thông qua một sàn giao dịch có kết nối trực tiếp với NHNN, trong đó mọi thông tin đều được số hóa và lưu trữ tập trung. Khi cần tra cứu, cơ quan chức năng chỉ cần truy cập theo CCCD khách hàng để nắm rõ lịch sử giao dịch, số sê-ri, thời điểm và giá trị từng lần mua bán.

Quan điểm này nhận được sự ủng hộ từ phía doanh nghiệp. Ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý châu Á (AJC), cho rằng mô hình tài khoản vàng không chỉ giúp NHNN kiểm soát cung cầu thị trường một cách minh bạch mà còn tạo nền tảng để can thiệp, điều tiết kịp thời khi xảy ra biến động bất thường. Đây cũng là bước đi tất yếu nhằm hiện đại hóa hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của các thị trường tài chính tiên tiến trên thế giới.

Sau một phiên suy yếu, giá vàng hôm nay đã bật tăng trong bối cảnh căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ leo thang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN