Đất quê được săn đón, lên giá nhờ cao tốc

Từ ngày có dự án cao tốc đi qua, cả một vùng làng quê nghèo bỗng thay da đổi thịt, đất nông nghiệp được nhiều người săn đón...

Đường kênh Châu Tá - Đại Ninh được làm từ 5 năm trước, kết nối với QL28 vào nút giao Ma Lâm. Trước đó, nơi này là vùng hoang hóa, không có đường đi lối lại

Đường kênh Châu Tá - Đại Ninh được làm từ 5 năm trước, kết nối với QL28 vào nút giao Ma Lâm. Trước đó, nơi này là vùng hoang hóa, không có đường đi lối lại

Trước không có đường, nay ô tô bon bon

Suốt dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam từ các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, nhất là ở những nút giao, cuộc sống của người bản địa đang có những chuyển biết rất sinh động.

Làng Suối Hộ thuộc thôn Dân Trí, xã Thuận Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận nằm trong vùng bán kính 15km từ nút giao Ma Lâm (Bình Thuận) của đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thành hình.

Anh Nguyễn Hữu, một người canh tác nông nghiệp ở đây cho biết: Tính 15km từ nút giao bởi trong bán kính ấy, cuộc sống của người dân có những thay đổi rất đáng kể.

Như bà Lệ, giờ đây bà không còn phải mỗi ngày chở những giỏ cá tươi băng qua những cánh đồng khô cỏ cháy để rao bán nữa mà đã có chợ để ngồi.

Ngay khi dự án chuyển động, nhiều con đường liên thôn, liên xã, liên huyện mọc lên và kết nối lại. Việc đi lại và giao thương dễ dàng hơn.

Anh Nguyễn Hữu, sinh sống ở TP Phan Thiết, cách đây 10 năm chuyển về làng Suối Hộ, cách nút giao Ma Lâm khoảng 9km.

Làng này và cả xã Thuận Hòa nói chung là khu vực thuần nông, đất đai chủ yếu hoang hóa vì không có đường đi lại. 10 năm trước, nhận thấy việc cao tốc đi qua và sẽ có nút giao Ma Lâm với QL28, anh Hữu đã về đây mua đất nông nghiệp (chủ yếu do người dân vỡ hoang) để canh tác, vì cho rằng có đường kết nối thì đường đi của nông sản sẽ dễ dàng hơn.

Đến nay, lượng đất nông nghiệp mà anh và bạn bè sở hữu ở khu vực bán kính 15km kể từ nút giao Ma Lâm khoảng 150ha, trồng đủ loại thanh long đỏ - trắng, khổ qua, dưa leo và cả nuôi heo rừng lai, nuôi gà thịt và lập hẳn một cửa hàng tên Đan Chi farm ở TP.HCM để cung cấp sản phẩm hữu cơ cho các bà nội trợ.

Nếu như 5 - 7 năm trước nhiều thôn, làng quanh nút giao Ma Lâm chưa có đường đi lại thì hiện nay, hầu như toàn bộ đường liên thôn đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa, xe ô tô chạy bon bon, xe tải nhỏ có thể ngược xuôi chở hàng nông sản.

Trước nhà của anh Nguyễn Hữu là con kênh Châu Tá - Đại Ninh (từ hồ thủy lợi Đại Ninh, Lâm Đồng) chảy qua xanh mướt. Một con đường nhựa uốn lượn theo dòng kênh, cắt ngang QL28.

“Con đường này mới được trải nhựa, từ khi dự án cao tốc được khởi động. Còn trước đó dân địa phương chỉ đi đường mòn. Cũng nhờ dự án cao tốc nên cuộc sống đang thay đổi”, anh Hữu nói.

Nhà anh Hữu tọa lạc trên một khu đất trồng thanh long và vài sản vật địa phương, khoảng 15ha. Anh cho biết, 10 năm trước mua của người dân địa phương khai hoang, giá khoảng 34 triệu đồng/ha.

“Nay thì có giá khoảng 400 triệu đồng/ha, vì có nút giao nên đất cát lên giá”, anh Hữu nói.

Săn đón đất nông nghiệp trồng nông sản

Trên vùng đất trồng thanh long của người dân đã mọc lên những lán du lịch xinh xinh, dấu hiệu thu hút khách phương xa

Trên vùng đất trồng thanh long của người dân đã mọc lên những lán du lịch xinh xinh, dấu hiệu thu hút khách phương xa

Sáng Chủ nhật 10/7, rất nhiều xe ô tô từ TP.HCM chạy lượn lờ ngang qua con kênh Châu Tá - Đại Ninh, bởi đây là toạ độ trong vùng ảnh hưởng của nút giao có view khá đẹp: Trước là mặt kênh, sau lưng là đồi.

Chị Tôn Hòa, sống ở TP.HCM cho biết, từ 4 - 5 năm trước, khi nghe dự án cao tốc chuyển động, chị và những người bạn tính ngay đến chuyện mua đất để làm nông nghiệp.

“Khi cao tốc hoàn thành, nông sản như thanh long và các sản vật địa phương từ nút giao Ma Lâm chuyển đi TP.HCM chỉ mất 1 giờ 45 phút. Tôi nghĩ đây là cơ hội và đã là cơ hội thì phải nắm bắt sớm”, chị nói.

Anh Hữu Khoa, sinh sống ở quận 12, TP.HCM nhưng đưa vợ con ra đây lập nghiệp từ 4 năm nay. Anh mua hàng chục ha đất nông nghiệp, giá khoảng 40 triệu đồng/ha để trồng thanh long, khổ qua, đưa leo theo mô hình hữu cơ.

Sản lượng còn ít nên chỉ cung cấp cho các nhà hàng ở Phan Thiết và bạn bè thân hữu. Khảo sát của chúng tôi, những khoảnh đất nông nghiệp của anh hiện giá tăng gấp 8 - 10 lần.

Đồng thời với nút giao Ma Lâm đang thành hình thì QL28 (đi Di Linh, Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng) cũng được nâng cấp phẳng phiu.

Những con đường tỉnh, đường huyện cạnh đó cũng đang được thảm nhựa lại. Nhà cửa được người dân nâng cấp. Những vườn thanh long vuông vức trĩu quả…

“Thú thực là tôi nhìn thấy sự thay đổi rất kỳ diệu khi dự án cao tốc đi qua đây. Nhiều con đường mới liên thôn, liên xã hình thành, không chỉ chạy xe máy mà xe hơi cũng chạy vù vù. 10 năm trước, tôi cũng nghĩ có sự thay đổi nhưng không kỳ diệu như vậy”, một cán bộ xã Thuận Hòa nói.

Đặc điểm của 2 đoạn tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết là cao tốc xuyên qua vùng núi đá và là vùng đất khô cằn, hạn hán và hoang vu nhất nước, gần như không có người sinh sống và đất đai không được canh tác.

Nhưng khi dự án khởi động, ở những nút giao thấy ngay nhịp đập của cuộc sống chuyển động nhịp nhàng.

Ông Trần Lệnh Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng 194, đơn vị đang thi công đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo bày tỏ: “Mình làm đường và thấy đời sống chuyển biến tích cực nên rất vui, rất có ý nghĩa. Và đó chính là ý nghĩa lớn nhất mà các con đường mang lại”.

“Nhưng cũng chỉ ở những vùng quanh nút giao thôi, còn xa hơn thì sự thay đổi lúc này chưa rõ ràng. Tuy nhiên, sự phát triển luôn có tính lan tỏa. Ninh Thuận - Bình Thuận là vùng đất còn nghèo, cao tốc đi qua đã kích thích các hoạt động kinh tế, nông nghiệp, địa ốc khá tốt và chúng tôi sẽ tận dụng sự trợ lực này”, một lãnh đạo tỉnh bày tỏ.

Những tín hiệu tích cực là có nhưng các tỉnh đều cảnh giác với việc tích tụ đất đai để phân lô bán nền. “Chúng tôi mong muốn thị trường phát triển nhưng kiểm soát để không xảy ra nạn đầu cơ”, vị lãnh đạo nói.

Trên suốt tuyến của 3 đoạn cao tốc từ Cam Lâm (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), hiện nay các nút giao đang trong giao đoạn gấp rút hoàn thành.

Trong đó, tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 104km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và có các nút giao Cam Ranh - QL1, nút giao QL27B, nút giao Du Long, nút giao QL27; tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8km; có các nút Vĩnh Hảo - QL1, nút Chợ Lầu (QL1 - Phan Sơn), nút Đại Ninh (QL28B), nút Ma Lâm (QL28), nút Phan Thiết (QL1 - Mỹ Thạnh)…

Ở những vùng có nút giao đi qua, hạ tầng giao thông đều đang được nâng cấp để tương thích, kết nối. Nhờ đó, bộ mặt xóm làng và đời sống kinh tế có những chuyển biến sinh động.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà cấp 4 đẹp như khu nghỉ dưỡng cao cấp ở TP.HCM

Căn nhà được hình thành trong giai đoạn toàn thành phố phong tỏa do dịch Covid-19.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đặng Đại ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN