Đất Đà Nẵng bây giờ hết rồi, lấy cái gì bù ngân sách?

Nhiều khoản trong thu ngân sách Việt đang giảm nhanh khiến câu hỏi lớn đặt ra là lấy gì để bù đắp trong khi ngân sách đang phụ thuộc khá nhiều những khoản thu từ đất.

Những nội dung này vừa được nhắc tới trong buổi công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2018: Hướng tới chính sách tài khóa bền vững và hỗ trợ tăng trưởng". 

Đây là ấn phẩm do giáo sư, tiến sỹ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân đồng chủ biên.  

Đất Đà Nẵng bây giờ hết rồi, lấy cái gì bù ngân sách? - 1

 Ngân sách đang phụ thuộc lớn và các khoản thu không bền vững như thu từ giao đất.

Với thu ngân sách, phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành nêu lên, số thu từ thuế xuất nhập khẩu đã giảm nhanh kể từ sau năm 2012 và chỉ mang lại khoảng 15% số thu ngân sách Nhà nước trong 5 năm gần đây (thậm chí dưới 13% năm 2018). Nguồn thu này sẽ tiếp tục giảm khi Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết với WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do khác.

Bên cạnh đó, số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đang sụt giảm đáng kể và hiện chỉ còn 16,8% tổng thu cân đối ngân sách vào năm 2018. Tỷ lệ này trước đó trong giai đoạn 2006-2010 lên tới hơn 25%. Sự suy giảm trên do nhiều nguyên nhân như cắt giảm thuế suất, hay trốn thuế, né thuế,..

Đây cũng là 2 yếu tố được chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhắc tới khi nói về áp lực với thu ngân sách hiện tại.

Ông Võ Trí Thành cũng nêu thêm vấn đề là thu từ dầu thô đang giảm dần, hiện chỉ còn 3-4% thu ngân sách thay vì 25-30% như trước đó.

Câu hỏi ông đặt ra là Việt Nam lấy gì để bù đắp? "Đất Đà Nẵng bây giờ hết rồi, vậy lấy cái gì bù," ông Thành lên tiếng.

Cũng về thu từ đất, phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành cũng nêu lên vấn đề là trong thu nội địa, có nhóm khoản thu giữ vai trò quan trọng là thu từ nhà đất. Nguồn thu này chỉ chiếm tỷ lệ trung bình là 9,6% tổng thu nội địa giai đoạn 2006-2011 đã tăng lên trung bình 11,6% giai đoạn 2012-2014 và đã lên tới 13,8% giai đoạn 2016-2018.

Chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm này là khoản thu có tính chất một lần là thu từ giao quyền sử dụng đất (chiếm trung bình 8,15% tổng thu ngân sách giai đoạn 2015-2018). Trong khi ấy, thuế từ nhà đất chỉ chiếm 0,2% tổng thu ngân sách Nhà nước.

"Việc phụ thuộc lớn vào các khoản thu không bền vững như thu từ giao đất là một lý do khiến ngân sách ngay lập tức bị ảnh hưởng nếu thị trường bất động sản ảm đạm" ông Thành nói.

Ở hướng ngược lại, với chi ngân sách, phó giáo sư, tiến sỹ Tô Trung Thành cho rằng, khoản chi lớn nhất trong tổng chi ngân sách vẫn là chi thường xuyên, chi cho bộ máy Nhà nước. Khoản này liên tục ở mức cao và chiếm khoảng 70% tổng chi kể từ năm 2008.

Chi tiêu cho quản lý hành chính liên tục tăng theo ông cho thấy Việt Nam không đạt được kết quả tốt trong việc cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng có quan điểm như vậy và thậm chí ông còn nhấn mạnh quan điểm: Chi lương cho công nhân viên chức Việt Nam quá cao nhưng lương của từng công chức lại quá thấp.

Ông Võ Trí Thành khẳng định, bài toán lớn nhất của Việt Nam hiện là áp lực chi. Đây là vấn đề theo ông cần ưu tiên trong tái cơ cấu ngân sách chứ không chỉ tập trung vào thu ngân sách.

Hiến kế để ngân sách có thêm... 100 tỷ đô

Hiệp hội Các Nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, Bổ sung một số Điều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN