Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Sự tức giận của Donald Trump và bài toán cạnh tranh của Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang thể hiện sự “tức giận” từ phía Hoa Kỳ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không đạt được những kết quả mong muốn trong việc đàm phán với Trung Quốc. Nhân dân tệ giảm giá là tác động nhãn tiền khi cuộc chiến thương mại leo thang. Điều này sẽ tạo ra một áp lực lớn trong bài toán cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ áp đặt mức thuế mới, lên đến 25%, với tổng cộng 5.140 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Phản ứng trên được cho là nhằm đáp trả quyết định của Mỹ ngày 10.5 vừa qua về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh với tổng trị giá 200 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xúc tiến việc áp mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại.

Nhân dân tệ lao dốc, tỷ giá VND/USD cũng có những bước sóng với biên độ lớn trong những ngày gần đây. Đó là những tác động rõ nét nhất từ sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Về vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Sự tức giận của Donald Trump và bài toán cạnh tranh của Việt Nam - 1

Ông Nguyễn Xuân Thành.

Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về sự leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế là Mỹ và Trung Quốc khi Mỹ tuyên bố tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh?

Chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang thể hiện sự “tức giận” từ phía Hoa Kỳ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không đạt được những kết quả mà mình mong muốn trong việc đàm phán với Trung Quốc.

Kỳ vọng của Hoa Kỳ là Trung Quốc sẽ nhượng bộ trong các vấn đề về mở cửa thị trường cho doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng như thay đổi chính sách bảo vệ sở hữu trí tuệ, thay đổi cách mà quốc gia này có được công nghệ cao,…

Trong thời gian qua, cách thức mà Trung Quốc đã làm để có được công nghệ và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu khiến cho Mỹ và các nước phương Tây không được hài lòng. Đây là yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho Hoa Kỳ ra sức ép thay đổi quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề thương mại.

Cuộc chiến thương mại này chỉ là bước đầu của sự xung đột trên cả phương diện kinh tế lẫn công nghệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cũng phải nói thêm rằng, trong những tháng đầu năm 2019, kết quả số liệu kinh tế của Trung Quốc tiếp tục cho thấy đà suy giảm tăng trưởng sản xuất và tiêu dùng nội địa, trong khi đó nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tin tưởng rằng, khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa của Trung Quốc, quốc gia này cũng không còn “đạn” để thực hiện hành động đáp trả. Nếu có thì hành động ấy cũng nhẹ nhàng hơn thay vì “ăn miếng trả miếng” như giai đoạn trước đây. Bằng chứng là, Mỹ tăng thuế đối với gói 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nhưng Trung Quốc cũng chỉ tuyên bố tăng thuế trên gói 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Và đe dọa tiếp theo là đánh thuế lên toàn bộ giá trị còn lại của hành hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Động thái này giữa 2 cường quốc kinh tế lớn có tác động như thế nào tới kinh tế toàn cầu, thưa ông?

Tác động đầu tiên với toàn cầu, đó là thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh theo hướng tiêu cực. Bởi đằng sau cuộc chiến thương mại này không chỉ có 2 quốc gia là Mỹ và Trung Quốc, mà rất nhiều các nước Châu Á bị tác động vì mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc.

Đơn cử, ngày đầu tiên khi Trung Quốc có hành động đáp trả động thái tăng thuế từ 10% lên 25% của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chỉ số MSCI All-Country World Index của chứng khoán thế giới giảm mạnh tới 2%, đánh dấu phiên sụt giảm thê thảm nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Cú giảm này đồng nghĩa với trên 1 nghìn tỷ USD vốn hóa "biến mất" khỏi thị trường.

Trong đó, mức giảm mạnh nhất được ghi nhận tại thị trường Mỹ, với chỉ số S&P 500 sụt 2,4% và Nasdaq "bốc hơi" trên 3%. Chứng khoán châu Âu giảm 1,2% phiên này, trong khi các thị trường mới nổi trượt 1,7%.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Sự tức giận của Donald Trump và bài toán cạnh tranh của Việt Nam - 2

Tác động tiếp theo liên quan đến tỷ giá. Cũng giống như cách đây 1 năm khi Tổng thống Mỹ “châm ngòi” cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì ngay lập tức, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc chịu sức ép giảm giá. Xu hướng đồng NDT giảm giá so với đồng USD thời điểm hiện nay cũng rất rõ nét.

Theo CNBC, đồng nhân dân tệ đã giảm 2,5% giá trị trong tháng này. Trước đó, đồng NDT có thời điểm suy yếu tới mức 6,9 NDT/USD trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Sự tức giận của Donald Trump và bài toán cạnh tranh của Việt Nam - 3

Đồng Nhân dân tệ mất giá khi chiến tranh thương mại leo thang.

Tuy nhiên, việc xuống giá của đồng NDT không phải là hành động “chủ động phá giá” của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mà đó là phản ứng của thị trường và mức độ giảm giá của đồng NDT chưa mạnh mẽ như cách đây 1 năm.

Theo các nhà quan sát thị trường, Tổng thống Mỹ vẫn có niềm tin rằng Hoa Kỳ hoàn toàn tạo được sức ép đối với ông Tập Cận Bình. Điều này thể hiện rất rõ khi chiến lược thương mại của Tổng thống Mỹ đưa ra gần đây đã chuyển sang mức độ “đe dọa”. Như trước đây, chiến lược này của Hoa Kỳ đã đạt được ở Bắc Mỹ khi Canada hay Mexico đã phải chịu nhượng bộ Mỹ trong đàm phán thương mại song phương. Mỹ cũng muốn như vậy với Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc lại tỏ ra cứng rắn hơn.

Vì vậy, quan ngại lớn nhất hiện nay là giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không đạt được thỏa thuận nào. Việc áp thuế có thể còn leo thang tiếp. Hơn 1 nửa kim ngạch xuất khẩu còn lại sang Hoa Kỳ sẽ bị áp thuế. Xác suất cho trường hợp này lại không hề nhỏ. Điều này với việc, chiến tranh thương mại kéo dài và không xuống thang được. Tất nhiên, điều này sẽ tạo quan ngại lớn cho toàn cầu, và NDT tiếp tục phải gánh áp lực lớn hơn. 

Việc leo thang này, NDT giảm giá kéo theo tỷ giá USD/VND của Việt Nam cũng có những bước sóng với biên độ lớn hơn trong thời gian qua hay không, thưa ông?

Khi NDT xuống giá so với đồng USD thì nó cũng có áp lực xuống giá so với tiền đồng. Còn đứng về phía các yếu tố thương mại để hỗ trợ cho tiền đồng của Việt Nam, thì không có yếu tố để VND mất giá nhiều so với USD.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Sự tức giận của Donald Trump và bài toán cạnh tranh của Việt Nam - 4

Diễn biến tỷ giá VND/USD. (nguồn Blomberg)

Trong những ngày gần đây, tỷ giá trong nước đúng là có áp lực hơn khi chiến tranh thương mại leo thang nhưng không phải quá lớn. Bởi hiện tại với sự ổn định vĩ mô và quy mô dữ trữ ngoại hối gần 70 tỷ USD của NHNN, nếu muốn NHNN vẫn có khả năng giữ ổn định tỷ giá một cách tương đối, phù hợp.

Trong thời gian qua, cơ quan điều hành vẫn để tỷ giá tự điều chỉnh “trườn, bò” theo cơ chế thị trường. Nhưng khi có áp lực quá mạnh thì hoàn toàn có thể can thiệp.

Như ông chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay đồng NDT có áp lực xuống giá so với tiền đồng của Việt Nam. Điều này sẽ tác động như thế nào đến xuất nhập khẩu của VN?

Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đương nhiên, sự tiếp tục của chiến tranh thương mại có thể kéo theo sự giảm giá mạnh hơn của đồng NDT. Áp lực cạnh tranh giữa hàng trong nước và hàng Trung Quốc cũng khốc liệt hơn.

Tại sao lại như vậy?

Khi NDT xuống giá so với đồng USD thì nó cũng có áp lực xuống giá so với tiền đồng. Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giá thành sẽ thấp hơn so với hàng nội địa. Với cùng một mặt hàng, bây giờ giá thành nhập từ Trung Quốc thấp hơn chắc chắc là thương lái, nhà buôn sẽ thích nhập hàng và bán hàng của Trung Quốc nhiều hơn.

Ngược lại, với bài toán xuất khẩu, chúng ta sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc khó khăn hơn vì phải cạnh tranh với các bạn hàng từ các quốc gia khác trên thế giới vì không còn lợi thế về giá cả. Người Trung Quốc thay vì nhập hàng của Việt Nam có thể nhập từ các quốc gia khác với giá cả cạnh tranh hơn. Từ đó, tạo nên sức ép rất lớn đối với những mặt hàng sản xuất trong nước.

Kết quả xuất nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2019 là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Sự tức giận của Donald Trump và bài toán cạnh tranh của Việt Nam - 5

Dẫn chứng là trong vòng 10 năm qua, từ 2008 đến 2018, Trung Quốc là thị trường hàng Việt Nam xuất khẩu sang có tốc độ phát triển nhanh nhất (bình quân 26%/năm). Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua Trung Quốc chỉ đạt 10,5 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giảm mạnh nhất là thủy sản, điện thoại và linh kiện... Nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tăng trưởng đều, lên tới 22,8 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm và tăng 21,3% so với cùng kỳ.

Tất nhiên, bù lại hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ chịu thuế cao thì lại có lợi cho hàng Việt Nam sang Mỹ nên xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay đã lên tới 17,9 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vậy những hàng hóa nào sẽ hưởng lợi khi Mỹ tăng thuế lên 25% trên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc tăng thuế lên 60 tỷ USD của hàng hóa Hoa Kỳ?

Theo như danh sách do Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) công bố, 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bị tăng thuế từ 10% lên 25% bao gồm khoảng 5.800 dòng sản phẩm với các mặt hàng tiêu dùng như đồ nội thất, vali - túi xách, thủy sản và nông sản. 

Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là máy móc thiết bị điện, điện tử (24,6%), máy móc thiết bị cơ khí (19,7%). Nhưng nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng có trong danh sách như nội thất (16,7%), hóa chất (5,1%), nhựa, cao su (5%) và nông sản, thủy sản (2,7%).

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Sự tức giận của Donald Trump và bài toán cạnh tranh của Việt Nam - 6

So với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất sang Hoa Kỳ có giá trị khoảng 13 tỷ USD, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 36,7%, vali – túi xách chiếm 8,8% và nông thủy sản là 22,1%. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi; trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Sự tức giận của Donald Trump và bài toán cạnh tranh của Việt Nam - 7

Vậy còn các rủi ro thì được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

Một rủi ro lớn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt đồng này có thể là nhập xuất đơn giản hay phức tạp hơn là có chế biến giả tạo thông qua doanh nghiệp nội địa hay FDI ở Việt Nam. Đặc biệt, khi hàng hóa Trung Quốc vô hình chung rẻ hơn so với hàng Việt Nam nhờ sự mất giá của đồng NDT thì rủi ro này càng lớn.

Transshipment nếu không được kiểm soát và ngăn chặn cũng có thể trở thành cớ để Hoa Kỳ trừng phạt Việt Nam.

Tương tự câu chuyện làm thế nào để mức thặng dư kinh tế không được tăng lên? Đó là câu chuyện thuần túy về thương mại nhưng rộng hơn về mặt kinh tế đó là những cam kết mạnh hơn để mở cửa thị trường và xóa bỏ các rào cản đối với nhà đầu tư của Hoa Kỳ.

Như ông đề cập, Việt Nam có thể sẽ rơi vào tầm ngắm “trừng phạt” của Hoa Kỳ, vậy trong trường hợp đó, nền sản xuất của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại như thế nào?

Transhipment, hàng chuyển tải, tức là hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam và xuất sang Mỹ để tránh thuế nếu không kiểm soát, sẽ làm cho Việt Nam thành tâm điểm để Hoa Kỳ tấn công.

Thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc là một ví dụ khi bị Mỹ đánh thuế lên đến 450% (gồm 199,76% thuế chống phá giá và 256,44% thuế đối kháng). Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện ra thì các doanh nghiệp bị trừng phạt là ở Việt Nam, và không chỉ doanh nghiệp mà là cả nhóm sản phẩm. Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín, và dễ đưa Việt Nam vào tầm ngắm để Mỹ có thể hành động vì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng rất lớn.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Sự tức giận của Donald Trump và bài toán cạnh tranh của Việt Nam - 8

Ảnh minh họa.

Tác động tiêu cực tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực chắc chắn cũng sẽ có. Tỷ trọng hàng chịu thuế trừng phạt lớn nhất là ở máy móc thiết bị cơ khí, điện điện tử, vốn là những hoạt động thương mại, chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, tỷ trọng lớn thuộc về các tập đoàn đa quốc gia. Với chính sách đa dạng hóa sản xuất, họ đều đã có nhà máy lắp ráp ở nhiều nơi, chứ không chỉ tập trung ở Trung Quốc.

Tác động sẽ không quá tiêu cực khi các tập đoàn này điều chỉnh suôn sẻ hoạt động sản xuất giữa các nhà máy của họ trên toàn cầu trong ngắn hạn. Về trung hạn, họ cũng sẽ có điều chỉnh đối với FDI đầu tư nhà máy mới. Đây có thể lại trở thành yếu tố tích cực cho Việt Nam khi dòng vốn FDI chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Mỹ hủy cuộc gặp với Trung Quốc, chiến tranh thương mại sẽ đi tới đâu?

Nhà Trắng đã từ chối tiến hành cuộc họp về vấn đề thương mại với Trung Quốc sau những nỗ lực tìm kiếm tiếng nói...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Thúy ([Tên nguồn])
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN