Có nên bỏ việc làm công ăn lương để kinh doanh riêng?

Hiện nay, nhiều người cho rằng làm công ăn lương chỉ mang đến mức thu nhập vừa đủ sống, muốn giàu phải kinh doanh riêng. Tuy nhiên, công việc kinh doanh lại khá bấp bênh và nhiều rủi ro không lường trước được. Vậy có nên bỏ việc làm công ăn lương để kinh doanh riêng?

Theo nhiều người, “phi thương bất phú”, công việc làm công ăn lương chỉ mang đến mức thu nhập vừa đủ sống, nếu biết cách chi tiêu hợp lý có thể để ra được một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Tuy nhiên, nếu như kinh doanh riêng có quyền tự chủ và linh hoạt hơn làm công, có thể làm giàu nhanh chóng thì lại bấp bênh và nhiều rủi ro không lường trước được.

Sau 5 năm làm việc tại một ngân hàng lớn với mức lương hơn 20 triệu/tháng, chị Hải Yến (Mỹ Đình, Hà Nội) quyết định nghỉ hẳn việc để mở cửa hàng hoa quả sạch. Chị cho biết, công việc kinh doanh của chị khá thuận lợi. Nếu như 1 tháng có 30 ngày thì doanh thu trong 2 ngày đầu tháng của chị đã đủ chi phí thuê cửa hàng, điện nước, nhân viên… 28 ngày còn lại là tiền nhập hàng và tiền lãi.

“Tính ra thu nhập của tôi gấp 5-6 lần khi còn làm tại ngân hàng, mà lại không phải mệt đầu, phải lựa thái độ của sếp để làm việc. Sắp tới tôi sẽ tuyển một giám đốc kinh doanh lương từ 30 – 35 triệu/tháng để cùng tôi phát triển một chuỗi cửa hàng hoa quả sạch!”, chị Yến cho biết.

Có nên nghỉ làm công ăn lương để kinh doanh riêng?

Có nên nghỉ làm công ăn lương để kinh doanh riêng?

Cũng giống chị Hải Yến, chị Ngọc Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau 11 năm làm kế toán tại một công ty cổ phần lớn đã quyết định nghỉ việc để mở nhà hàng hải sản. Chị cho biết, trước khi quyết định nghỉ việc chị phải đắn đo, trăn trở rất nhiều. Vì mức lương lúc đó của chị khoảng hơn 30 triệu/tháng, mức thu nhập mơ ước của nhiều người. Sau một năm kinh doanh nhà hàng, chị cho rằng quyết định nghỉ việc là đúng đắn. Bởi hiện giờ thu nhập của chị cao gấp 5-6 lần khi còn đi làm công, thậm chí có tháng gấp 10 lần.

Tuy nhiên, chị Hà cho rằng, không phải ai cũng phù hợp với việc kinh doanh, buôn bán. Công việc này không hề dễ như nhiều người tưởng. Vì thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh đủ các mặt hàng, thế nên sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.

“Nếu như làm công cứ làm đủ 8 giờ là được về nghỉ thì người làm kinh doanh không có giờ giấc cố định, có khi phải làm 12-16 tiếng/ngày, thậm chí làm cả thứ 7, chủ nhật. Hơn nữa, làm kinh doanh rất áp lực đặc biệt là trong 6 tháng đầu. Áp lực về doanh thu hàng ngày, như tôi nếu một ngày không đủ 20 khách đến cửa hàng sẽ lỗ. Áp lực về chiến lược kinh doanh, làm sao để nhiều khách hàng biết đến nhà hàng hơn, khách đến rồi làm sao để họ quay lại… Rồi áp lực về kinh tế gia đình, nếu như thất bại thì các con tôi sẽ sống thế nào, có khổ theo mình không. Thế nên công việc kinh doanh chỉ phù hợp với những người có quyết tâm, chịu khó, có sự chuẩn bị kỹ càng trước. Còn nếu không, chỉ nên đi làm công đến khi về hưu, tiền tích góp gửi ngân hàng, nếu dư có thể mua thêm đất để dành cho con cái”, chị Ngọc Hà phân tích.

Trên thực tế, nhiều người đã có những “bài học đắt tiền” khi thực hiện mong muốn làm chủ của mình. Anh Thành Trung (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi làm nhân viên cho một doanh nghiệp với mức lương 12 triệu/tháng. Thấy nhiều bạn bè kinh doanh thành công, có người thu nhập đến 200 – 300 triệu/tháng nên tôi cũng quyết định nghỉ việc để kinh doanh riêng.”

“Vừa rồi thấy thị trường homestay nở rộ, tôi vay bố mẹ, bạn bè, người thân hơn 200 triệu đồng để “khởi nghiệp” kinh doanh homestay. Cứ nghĩ là “ngon ăn”, 1 tháng phải kiếm được 20- 30 triệu là ít vậy mà “đời không là mơ”. Lượng khách đến kín phòng trong tháng chỉ khoảng 60%. Thu nhập các tháng cao điểm thu nhập của tôi chỉ vào khoảng 6-8 triệu. Tháng thấp điểm có khi còn không có khách”, Anh Trung cho biết.

Bên cạnh đó, do vốn không nhiều nên anh Trung phải tự làm hết các công việc ở homestay, từ lễ tân đến dọn phòng, kể cả cọ bồn cầu. “Nếu như đi làm công sở chỉ 8 tiếng/ngày, thì ra kinh doanh có khi tôi phải làm lượng thời gian gấp đôi, rồi làm cả đêm hôm khi khách đến check-in muộn. Bỏ nhiều thời gian công sức mà thu nhập còn thấp hơn đi làm thuê. Nên sau 6 tháng tôi sang nhượng lại homestay. Lỗ hơn 100 triệu, quay trở lại xin làm nhân viên văn phòng”, anh Trung chia sẻ.

Theo anh Trung, hiện giờ mức lương làm công cũng không phải quá thấp. Mức lương vị trí của anh hiện nay khoảng từ 10 – 15 triệu. Nếu chỉ chi tiêu cho mình anh, mỗi tháng anh có thể tiết kiệm được 3 – 5 triệu. Còn với vị trí trưởng phòng của anh, lương hiện nay khoảng 30 - 40 triệu.

“Nếu kiên trì đi làm công tại một doanh nghiệp, cố gắng phấn đấu, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để lên được vị trí trưởng phòng hay giám đốc thì mức thu nhập cũng rất cao, mà lại không nhiều rủi ro như kinh doanh”, anh Trung nhận định.

Nhảy việc: “Đứng núi này trông núi nọ” hay đi tìm thứ làm mình hài lòng?

Nhảy việc để tăng lương bỗng trở thành xu thế chung, nhất là với những người trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Kiều ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN