Tân chủ tịch 8X của ngân hàng Eximbank sở hữu khối tài sản lớn thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Với khối tài sản đang nắm giữ, tân Chủ tịch 8X của ngân hàng Eximbank, Lương Thị Cẩm Tú cũng là một trong những người sở hữu khối tài sản lớn trong số những lãnh đạo ngân hàng tại Việt Nam.

Chiều 17/2, Hội đồng Quản trị mới của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) đã thống nhất bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT giữ chức chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ VII (2020-2025).

Trước đó, bà Tú là một trong 7 nhân sự gồm ông Võ Quang Hiển; ông Nguyễn Hiếu; bà Lê Hồng Anh; ông Đào Phong Trúc Đại; bà Lương Thị Cẩm Tú; ông Nguyễn Thanh Hùng và bà Đỗ Hà Phương được cổ đông Eximbank bầu làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần 2 diễn ra ngày 15/2. Đáng chú ý, bà Tú là nhân sự duy nhất trong HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ cũ được bầu vào nhiệm kỳ mới.

Bà Lương Thị Cẩm Tú lần thứ hai trở lại vị trí Chủ tịch ngân hàng EIB

Bà Lương Thị Cẩm Tú lần thứ hai trở lại vị trí Chủ tịch ngân hàng EIB

Với việc được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam nhiệm kỳ VII (2020-2025), đây là lần thứ 2 bà Tú ngồi vào vị trí “ghế nóng” tại EIB. Trước đó, doanh nhân sinh năm 1980 đã được HĐQT nhiệm kỳ trước của Eximbank bầu vào vị trí này hồi tháng 3/2019 thay cho ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 5, HĐQT ngân hàng đã thông qua việc chấm dứt hiệu lực nghị quyết bầu bà Tú làm chủ tịch.

Trước khi lần thứ 2 được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú cũng đã có một thời gian dài công tác tại nhà băng này.

Theo đó, bà Tú tham gia Eximbank với tư cách là Thành viên HĐQT từ tháng 4/2018. Bà cũng là người duy nhất trong số 4 ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank thời điểm đó.

Theo giới thiệu từ EIB, bà Lương Thị Cẩm Tú sinh năm 1980, bà tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị kinh doanh, sau đó lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Griggs (Mỹ) và có 17 năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Trước khi gia nhập Eximbank, bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức kinh tế lớn như phó tổng giám đốc thường trực - phụ trách kinh doanh NamABank; giám đốc khu vực kiêm trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của MHB; giám đốc chi nhánh Sacombank; thành viên HĐQT Công ty Đường Ninh Hòa... Bà Tú cũng từng có thời gian đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc tại ngân hàng NamABank năm 2015, trở thành CEO trẻ nhất ngành ngân hàng thời điểm đó và đã từ nhiệm vị trí này vào tháng 3/2018.

Hiện bà Tú đang sở hữu gần 13,8 triệu cổ phần của EIB, tương đương tỷ lệ 1,117% vốn điều lệ của nhà băng này. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 17/2, khối tài sản bà Tú đang nắm giữ có giá trị hơn 436 tỷ đồng. Với khối tài sản này, bà Tú là một trong những nữ Chủ tịch ngân hàng 8X sở hữu khối tài sản lớn trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Với EIB, ngoài việc bầu bà Tú vào ghế chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025, HĐQT nhà băng này cũng thống nhất bổ nhiệm ông Ngô Tony làm Trưởng ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Ngô Tony sinh năm 1971 là nhân sự được đề cử bởi nhóm cổ đông Bamboo Capital, gồm Công ty Đầu tư và Dịch vụ Helios, Chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam và hai cổ đông khác.

Hai thành viên còn lại trong ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 của EIB là bà Phạm Thị Mai Phương và ông Trịnh Quốc Bảo.

EIB cũng đặt mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng trong năm 2022

EIB cũng đặt mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng trong năm 2022

Cùng với việc tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông và bầu được ban lãnh đạo mới của ngân hàng, trước đó HĐQT Eximbank thông qua nghị quyết về mục tiêu kinh doanh trong năm 2022 với tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ lên 1.159 tỷ đồng.

Nghị quyết HĐQT Eximbank cũng cho biết, tổng tài sản năm 2021 đạt 166.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt 115.790 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì dưới 2%.

Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Eximbank, sở dĩ lợi nhuận năm qua không đạt mục tiêu do ngân hàng chưa xử lý được các khoản nợ mua lại từ VAMC để hoàn nhập dự phòng, vì tác động bởi làn sóng Covid-19 thứ 4. Đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của Eximbank khoảng 2.400 tỷ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhận cổ tức hơn 100 tỷ đồng, tỷ phú Trịnh Văn Quyết nắm giữ khối tài sản thế nào?

Với việc nhận thêm khoản cổ tức có giá trị hơn 100 tỷ đồng, khối tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết nắm giữ vượt mức 4.400 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN