Tân Hoàng Minh và những lần huỷ cọc “đất vàng” khiến thị trường chao đảo

Trước "lùm xùm" về việc bị huỷ 9 đợt phát hành trái phiếu hơn 10.000 tỉ đồng, Tân Hoàng Minh đã từng khiến thị trường bất động sản trong nước nhiều phen "chao đảo" với những lần hủy cọc đất vàng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt giam ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 6 bị can khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi vướng lao lý, ông Đỗ Anh Dũng từng khiến thị trường bất động sản trong nước nhiều phen "chao đảo" với những lần hủy cọc đất vàng. Đặc biệt, gần đây nhất là động thái xin chấm dứt hợp đồng đấu giá tài sản lô đất 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm (TP.HCM) của tập đoàn này thực sự gây xôn xao giới đầu tư trong và ngoài nước.

Hủy cọc đất vàng Thủ Thiêm vì "lợi ích xã hội"

Tháng 12/2021, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gây xôn xao giới đầu tư khi đấu giá thành công lô đất rộng hơn 10.000 m2 tại Thủ Thiêm, TP.HCM.

Lô đất vàng "Thủ Thiêm" Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc từng khiến giới đầu tư “sốc”

Lô đất vàng "Thủ Thiêm" Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc từng khiến giới đầu tư “sốc”

Tuy nhiên, sau đó thông tin Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc lô đất vàng "Thủ Thiêm" mà doanh nghiệp con của Tập đoàn này đã trúng thầu đã khiến giới đầu tư “sốc”. Sự việc không chỉ khiến thị trường BĐS bị ảnh hưởng mà sàn chứng khoán cũng "đỏ rực" một thời gian dài.

Sau thời điểm trúng đấu giá, cái tên Tân Hoàng Minh và ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch tập đoàn xuất hiện rùm beng trên báo chí và mạng xã hội. Việc công ty của ông Dũng chấp nhận bỏ ra số tiền không tưởng lên tới gần 1,1 tỷ USD (24.500 tỷ đồng) cho 10.060 mét vuông đất Thủ Thiêm (tương đương 2,44 tỷ/mét) lập tức dấy lên một câu hỏi lớn trong dư luận. Rằng liệu có động cơ nào phía sau hay không? 

Đáp trả những hoài nghi này, trả lời một cuộc phỏng vấn, ông Dũng nói "vì lòng tự hào dân tộc và danh dự của các tập đoàn đầu tư bất động sản trong nước" nên ông đã quyết tâm trả giá cao hơn 3%, tương đương khoảng 700 tỷ để vượt qua người trả giá cao thứ 2 - một công ty nước ngoài.

Song, một tháng sau đó, doanh nghiệp suy nghĩ, lắng nghe dư luận xã hội và thấy rằng "kết quả trúng đấu giá ở mức cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt".

Ngày 25/1, Công ty Ngôi Sao Việt có văn bản gửi các cơ quan chức năng ở TP.HCM, đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm. Với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, Công ty Ngôi Sao Việt chấp nhận từ bỏ số tiền cọc gần 600 tỷ, đồng thời "chấp nhận chịu mọi chế tài" theo quy định của pháp luật.

Lô “đất kim cương” 4.000 m2 ở Hàng Bài

Trước lùm xùm bỏ cọc đất vàng Thủ Thiêm, Tân Hoàng Minh đã từng có "tiền lệ".

Cận cảnh lô đất 4.000 m2 “đất kim cương” ở Hàng Bài

Cận cảnh lô đất 4.000 m2 “đất kim cương” ở Hàng Bài

Theo đó, Tân Hoàng Minh cũng từng đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để thâu tóm lô “đất kim cương” tại ngã tư Hàng Bài (quận Hai Bà Trưng), mục đích xây trung tâm thương mại và tái định cư. Doanh nghiệp bắt đầu được giao đất từ năm 2011 nhưng sau đó cho rằng với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt thì dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế dẫn đến thua lỗ.

Để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư đã nhiều lần xin thay đổi quy hoạch từ trung tâm thương mại và nhà ở tái định cư sang trung tâm thương mại, khách sạn. Sau đó, dự án lại được chuyển thành mục đích trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở…

Tuy nhiên, do thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch kéo dài nhiều năm và phức tạp, chưa rõ có kết quả nên Tân Hoàng Minh muốn được cấp phép xây dựng, khởi công dự án vào năm 2018.

Trong quá trình triển khai thủ tục dự án, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thời Đại Mới T&T (công ty con của Tân Hoàng Minh thời điểm đó) đã có đề nghị xin điều chỉnh dự án về chức năng, chiều cao công trình (lên 12 tầng) song không được đồng ý.

Khu đất 22-24 Hàng Bài, đối diện Tràng Tiền Plaza, còn có một mặt tiền khác tại 25-27 Hai Bà Trưng sau đó bị bỏ hoang nhiều năm. Cuối cùng, Tân Hoàng Minh sang tay cho Masterise Homes để triển khai dự án bất động sản “hàng hiệu”.

Từng đòi hủy kết quả trúng thầu "lô đất vàng" 23 Lê Duẩn (TP HCM)

Năm 2015, TP.HCM từng đưa ra đấu giá “lô đất vàng” 23 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), diện tích 3.000 m2 với giá khởi điểm 558 tỷ đồng. Phiên đấu giá công khai khu đất này gây chú ý đặc biệt trong giới địa ốc với 16 đơn vị tham gia.

Tân Hoàng Minh từng đấu giá “lô đất vàng” 23 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), diện tích 3.000 m2

Tân Hoàng Minh từng đấu giá “lô đất vàng” 23 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), diện tích 3.000 m2

Ngay phiên đầu tiên, các bên đã đẩy giá cao hơn 33% giá khởi điểm, lên 745 tỷ đồng. Đến 2 phiên tiếp theo thì mức giá đã được đẩy lên 1.000 tỷ đồng. Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh) đã trúng đấu giá với mức 1.430 tỷ đồng.

Thế nhưng ngay sau khi UBND TP.HCM phê duyệt kết quả đấu giá thì Tân Hoàng Minh lại có văn bản đề nghị hủy kết quả. Doanh nghiệp cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá đã có sai phạm về bước giá, và cũng không nộp số tiền đã trúng đấu giá. Do vậy, thành phố đề nghị các đơn vị liên quan tham mưu để giải quyết, cụ thể là xem xét hủy kết quả để tổ chức đấu giá lại.

Trong thời gian này, Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng Trung Nam lại đề xuất thành phố bổ sung khu đất này vào danh sách các khu đất hoán đổi cho hợp đồng BT của một dự án chống ngập.

Bất ngờ, trong tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị được tiếp tục mua khu đất 23 Lê Duẩn.

Khi đó, số tiền đặt cọc đấu giá 83,7 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh đã được chuyển vào Kho bạc Nhà nước. Theo quy định, quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày trúng đấu giá mà đơn vị trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản thì phải nộp phạt, hoặc có thể bị hủy kết quả và mất tiền đặt cọc.

Với việc muốn tiếp tục mua đất vàng 23 Lê Duẩn thì ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh đã phải đóng thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt trễ hạn. Đến ngày 23/5/2017, Trung tâm bán đấu giá tài sản TP.HCM tiến hành bàn giao khu đất cho Tân Hoàng Minh.

Khu đất số 23 Lê Duẩn vốn là trụ sở Công ty Xổ số Kiến thiết TP.HCM.

Khi đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết quý III/2017 sẽ khởi công xây dựng khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, sau đó việc khởi công không được thực hiện.

Phải đến năm 2019, thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán 2018 ghi nhận đất vàng 23 Lê Duẩn từ tay Tân Hoàng Minh về Techcombank. Khoản tạm ứng mua tài sản là 3.458 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo, ngân hàng đã hoàn thành việc chuyển giao tài sản nói trên và hạch toán tăng tài sản cố định tương ứng từ ngày 16/1/2019.

Nguồn: [Link nguồn]

Chủ tịch Đỗ Anh Dũng của Tân Hoàng Minh bị bắt, thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Thông tin về việc Chủ tịch Đỗ Anh Dũng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng một loạt lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến tập đoàn này bị bắt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Tân Hoàng Minh bỏ cọc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN