Gia đình trẻ hối hận, mất nửa tỷ đồng khi quyết định mua tập thể cũ

Nhiều người coi việc mua nhà ở những khu tập thể cũ là một kênh đầu tư để hy vọng khi cải tạo hoặc xây mới, có thể đổi được sang căn hộ đẹp hơn mà vẫn ở vị trí này.

Theo các chuyên gia bất động sản, không chỉ các nhà đầu tư mà những người thực sự có nhu cầu sở hữu căn hộ tại khu các tập thể cũ ở một số quận trung tâm Hà Nội là không hề nhỏ và được dự đoán vẫn gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi về giao thông, gần trường học và bệnh viện, việc sinh sống trong những khu tập thể cũ đã được xây dựng cách đây cả nửa thế kỷ khiến nhiều gia đình trẻ thấy hối hận.

Sau gần chục năm thuê nhà ở những khu nhà trọ giá rẻ, năm 2017 vợ chồng anh Sơn, chị Vân tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) để dành và vay mượn thêm được số tiền tổng cộng 900 triệu đồng. Với số tiền này, anh không thể kiếm được một căn nhà hay căn hộ ở khu vực trung tâm sầm uất nên nhiều người bạn khuyên gia đình nên tìm mua một mảnh đất ở vùng ngoại thành để ở vì giá đất thổ cư thời gian này khá rẻ. Theo đó, một người bạn của anh mua 45m2 và xây nhà cấp 4 có gác xép cũng chỉ hết 700 triệu đồng. Một người bạn khác của gia đình mua một căn nhà 4 tầng xây sẵn với tổng sàn gần 200 m2 và xe ô tô đậu trước cửa nhà cũng chỉ có 1,2 tỷ đồng.

Các căn hộ ở các khu tập thể cũ thường phải cơi nới để tăng diện tích sử dụng

Các căn hộ ở các khu tập thể cũ thường phải cơi nới để tăng diện tích sử dụng

Ban đầu anh chị cũng đến xem đất ở khu vực này và khá ưng một mảnh đất 41m2 ở trục đường chính rộng rãi với giá bán 21 triệu đồng/m2. Trong khi đất trong các ngõ nhỏ 2m đến 2,5m cũng chỉ dao động từ 11 đến 13 triệu đồng/m2. Với số tiền anh chị có sẽ đủ tiền mua đất ở trục chính. Còn nếu mua đất trong các ngõ nhỏ, anh chị hoàn toàn có thể xây được thêm căn nhà kiên cố để ở.

Nhưng do không muốn đi làm xa, anh chị đã thay đổi kế hoạch mua đất thổ cư của mình bằng việc chuyển sang mua căn hộ tập thể cũ có diện tích trên sổ đỏ 15m2 được chủ cũ cải tạo và cơi nới để có 45 m2 sử dụng tại quận Thanh Xuân với giá 850 triệu đồng. Số tiền dư còn lại được anh chị đầu tư vào nội thất cho ngôi nhà mới này.

Chia sẻ về quyết định mua căn tập thể cũ, anh Sơn cho biết sẽ không phải đi làm xa như những người bạn mua nhà đất ở ngoại thành. Ở nhà tập thể cũ cũng ít phát sinh các khoản phí dịch vụ đi kèm, mà cũng tiện lợi nhiều thứ như gần chợ, trường học, trạm y tế… Đồng thời gia đình cũng tiết kiệm được một khoản để đầu tư cho các thiết bị nội thất để phục vụ cuộc sống.

Tuy nhiên, niềm vui của anh Sơn và gia đình không kéo dài lâu bởi khu tập thể đã xuống cấp do đã được xây dựng cách đây nửa thế kỷ. Những ngày mưa to khiến tường bị ngấm nước, ẩm mốc, nhiều mảng vữa ở khu vực hành lang chung đã bong tróc, có chỗ lộ cả sắt phía trong. Hàng năm gia đình phải chi một khoản đáng kể để cải tạo và sửa chữa thêm. Các con anh ngày càng lớn nên cần nhiều không gian sinh hoạt hơn. Bên cạnh đó do diện tích sử dụng khá chật hẹp nên mỗi khi có người thân lên thăm nhà thì cuộc sống gia đình anh gần như đảo lộn do phải sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho khách.

Sau gần 3 năm sinh sống trong căn tập thể cũ, đầu năm 2020 anh chị bàn nhau bán căn hộ này để mua một mảnh đất ở ngoại thành và xây nhà tạm. Nhưng khi rao bán căn hộ cả nhà mới ngẩn người vì giá bán không như kỳ vọng. Khách trả cao nhất là 750 triệu đồng, thấp hơn 100 triệu đồng so với số tiền anh chị bỏ ra để mua căn hộ trước đây và chưa tính tiền cải tạo thêm trong những năm qua.

Không chỉ lỗ nếu bán nhà, với số tiền thu được anh cũng khó có thể mua được mảnh đất nào với số tiền thu về. Bởi qua nhiều lần xuống chơi nhà bạn anh chị biết được mảnh đất 3 năm trước đây mình ưng thì nay đã tăng lên 33 triệu đồng mỗi mét vuông. Trong khi đó, đất của những người bạn mua trước đây cũng đã tăng thêm 8 – 10 giá mỗi mét vuông.

Chị Vân vợ anh Sơn thừa nhận gia đình đã có một quyết định sai lầm khi xuống tiền mua căn tập thể cũ. Bởi nếu nghe những người bạn của mình mua đất thổ cư từ cách đây 3 năm, bây giờ anh chị có thể lãi hơn nửa tỷ đồng nhờ chênh lệch giá thay vì rơi vào cảnh thua lỗ như hiện nay. Chị cũng chia sẻ, gia đình đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” bởi nếu bán nhà thì lỗ so với số tiền đã bỏ ra mua. Trong khi khu tập thể lại đang được quy hoạch để cải tạo lại, đồng nghĩa sẽ phải bù thêm một số tiền rất lớn để có thể đổi sang căn hộ mới tại đây do diện tích trên sổ đỏ chỉ là 15 mét vuông và số nợ vay mua nhà cách đây 3 năm vẫn chưa trả hết.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Chung cư - Nhà đất - Bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN