Gần Tết, loạt bất động sản giảm giá cả tỷ đồng chờ khách

Trước sự trầm lắng của thị trường BĐS thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư gặp áp lực về tài chính đã buộc phải giảm giá từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng để thoát hàng, thu hồi vốn.

Thị trường BĐS đã rơi vào trầm lắng kể từ giữa năm 2022 đến nay, càng gần Tết nguyên đán 2023, lượng tin rao bán giảm giá, cắt lỗ trên các diễn đàn, chuyên trang về BĐS xuất hiện ngày càng nhiều.

Anh Phúc, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Đông – Hà Nội cho biết đã gần 2 tháng rao bán mảnh đất thổ cư với diện tích 60m2 tại Đồng Mai – Hà Đông với giá 750 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa giao dịch thành công.

Nhà đầu tư này cho biết do đầu năm mới có công việc gia đình nên đã chấp nhận giảm kỳ vọng về lợi nhuận nhằm bán nhanh mảnh đất này để xử lý công việc. “Tôi đã gửi nhiều văn phòng bất động sản trong khu vực bán hộ, nhưng lượng khách hàng quan tâm là không nhiều bởi những người muốn mua để ở thì lại gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, gần Tết âm lịch nên nhiều người lưỡng lự, chờ qua năm mới xem thị trường thế nào rồi mới đưa ra quyết định”, anh Phúc nói.

Trong khi đó, việc vay 70% để mua lô đất nông nghiệp trị giá 2,8 tỷ đồng tại Bảo Lộc – Lâm Đồng hồi đầu năm 2022 đang khiến anh Thanh, một nhà đầu tư BĐS tại TP HCM lo lắng.

Càng gần Tết, tin rao bán giảm giá sâu, cắt lỗ BĐS xuất hiện càng nhiều trên các diễn đàn

Càng gần Tết, tin rao bán giảm giá sâu, cắt lỗ BĐS xuất hiện càng nhiều trên các diễn đàn

Theo đó, sau hơn nửa năm xuống tiền đầu tư vào lô đất này, anh Thanh đang rơi vào hoàn cảnh giá đất không tăng, giao dịch toàn thị trường đứng yên nhưng lãi suất cho vay đã tăng lên đến 14%/năm.

"Áp lực trả lãi hàng tháng khiến suất đầu tư ban đầu từng là niềm kỳ vọng sẽ có lãi nay lại thành gánh nợ bởi nếu không đủ khả năng trả lãi, lô đất có thể bị phát mãi với giá thấp hơn giá thị trường", anh Thanh lo lắng.

Trước áp lực về tài chính đang phải đối mặt, nhà đầu tư này đã quyết định rao bán mảnh đất của mình với mức lỗ 15% so với giá mua vào nhưng vẫn chưa có khách.

Chị Phương, môi giới BĐS tại TP HCM chia sẻ, một khách hàng của chị đang gửi bán lô đất với diện tích 1.000 mét vuông tại Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với giá 2 tỷ đồng. Chị Phương cho biết lô đất trên từng được mua với giá 3,5 tỷ đồng, tuy nhiên do gặp khó khăn về tài chính khiến nhà đầu tư này buộc phải bán bớt tài sản để trả nợ. Theo chị Phương, những lô đất “ngộp”, giá giảm mạnh như này là do chủ đất cầm sổ vay tiền, giờ không trả được lãi nên người cầm bán thanh lý luôn.

Tại Hà Nội, nhiều lô đất nền tại Sơn Tây, Mê Linh, Hà Đông,... cũng đang được chủ đất rao bán cắt lỗ từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, anh Sỹ, chủ một văn phòng môi giới BĐS tại Hà Đông cho biết do thị trường trầm lắng nên lượng giao dịch thời gian qua cũng khá ít.

Nhà đầu tư này cho rằng, giá bất động sản đã tăng chóng mặt trong 2 - 3 năm qua, do đó với nhà đầu tư thứ cấp phải mua giá cao thì chắc chắn giờ bán cắt lỗ, giá vẫn cao. Còn những người đầu tư trước năm 2018 rõ ràng giờ bán giá thấp hơn giá cắt lỗ của nhà đầu tư thứ cấp họ vẫn có lãi.

Cũng là người đang đi "săn" bất động sản thời kỳ thị trường nhiều biến động, anh Sỹ cho rằng, các thông tin rao bán chỉ dừng ở mức tham khảo. Nếu thực sự cần mua, nhà đầu tư cần tới trực tiếp khảo sát giá khu vực xung quanh, tìm hiểu được nguồn gốc đầu tư lô đất này thì càng tốt.

Chia sẻ về câu chuyện “cắt lỗ hay cắt lãi” của những nhà đầu tư BĐS hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết đầu năm 2021, thị trường đón nhận hàng loạt cơn "sốt đất" trên diện rộng khiến mức giá đẩy lên quá cao vượt quá khả năng của nhiều người.

"Dù giá bất động sản có giảm trong những tháng cuối năm nhưng vẫn gấp nhiều lần so với thời điểm 2018. Cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn", ông Đính nhấn mạnh.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng lãi suất tăng quá cao, room tín dụng cạn kiệt là hệ quả tất yếu dẫn đến sự trầm lắng của thị trường BĐS thời gian qua. Do đó, theo chuyên gia này, năm tới, dự báo thị trường bất động sản sẽ chuyển biến khá thận trọng.  

Nguồn: [Link nguồn]

“Ngậm trái đắng” vì ôm đất giá cao bằng tiền đi vay

Trong thời gian qua có nhiều nhà đầu tư phải “ngậm trái đắng” vì trót ôm bất động sản với giá cao trong các đợt sốt đất chưa kịp thoát hàng thì thị trường “lao dốc”...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN