Đất nền nhiều nơi tăng mạnh, nhà đầu tư nhấp nhổm xuống tiền

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước việc giá đất nền nhiều địa phương ghi nhận tăng mạnh đầu năm 2022, nhà đầu tư đang giữ tiền cũng nhấp nhổm chờ cơ hội xuống tiền ở những khu vực thích hợp.

Thời gian qua dù dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vẫn nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Theo đó, đầu năm 2020 đến nay liên tiếp các đợt sốt giá bất động sản đã đẩy giá đất nền tại nhiều tỉnh thành lên mặt bằng giá mới.

Tại Hà Nội, từ khi thông tin xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội được công bố, bất động sản khu vực ven Hà Nội - nơi đường vành đai 4 đi qua cũng đang “nóng” lên từng ngày. Theo khảo sát có những nơi giá đất đã tăng thêm từ 10 đến 20 triệu đồng/mét vuông so với cuối năm 2021. Nhiều đoàn khách đã về khu vực này tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Trước việc giá đất nền nhiều nơi ghi nhận mức độ tăng mạnh thời gian qua, chị Thu Hương (Đống Đa – Hà Nội) cho biết cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào đất nền sau một thời gian dài chỉ đầu tư vào chung cư cũ tại khu vực trung tâm.

Chị Hương chia sẻ so với đầu tư đất nền thì đầu tư vào chung cư cũ mức độ rủi ro ít hơn bởi vẫn có thể cho thuê để có dòng tiền nhưng mức độ tăng giá thì không bằng. Bên cạnh đó, một lý do khác khiến chị suy nghĩ về kế hoạch đầu tư đất nền thời điểm này là muốn mua để dành cho ngươi con trai đang học năm cuối đại học. Nhà đầu tư này cho biết ngân sách đầu tư của mình lần này từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng.

BĐS vẫn là kênh hút nhiều nhà đầu tư

BĐS vẫn là kênh hút nhiều nhà đầu tư

Trong khi đó, chị Phương (TP HCM) cũng chia sẻ trước việc giá đất nền liên tục tăng trong thời gian qua, nhóm đầu tư của chị cũng đang tìm mua đất có thổ cư tại các khu vực Phú Nghĩa, Cam Ranh với ngân sách 3 tỷ đồng, hoặc đất có thổ cư tại các mặt tiền đường khu vực Đất Đỏ (Vũng Tàu) với ngân sách dự kiến khoảng 2 tỷ đồng.

Trong một hội thảo về BĐS mới được tổ chức, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết ngay từ những ngày đầu năm 2022, mặc dù diễn biến dịch vẫn phức tạp nhưng thị trường hừng hực khí thế ở mọi vùng miền, các giao dịch bất động sản vẫn khá sôi động, doanh nghiệp cũng rất hưng phấn. Tuy nhiên, trong dài hạn, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, lạm phát đẩy giá bất động sản tăng lên nên bất động sản năm 2022 sẽ khá khắc nghiệt.  

Không chỉ những nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi, BĐS cũng đang thu hút những nhà đầu tư mới sẵn sàng vay mượn để xuống tiền đầu tư.

Sau nhiều năm tích góp gia đình chị Duyên (Hà Đông – Hà Nội) tiết kiệm được số tiền 500 triệu đồng và chị cũng đang có kế hoạch vay mượn thêm để tìm kiếm đầu tư vào đất nền với ngân sách khoảng 700 đến 800 triệu đồng.

Chị Duyên cho biết, sau khi tham khảo nhiều môi giới trong khu vực đang được giới thiệu đầu tư vào khu vực Hòa Bình bởi số tiền này có thể mua được khoảng 800 - 1.000 mét đất vườn có thổ cư. Trong khi đó, với số tiền hiện tại rất khó để tìm mua được một mảnh đất có vị trí đẹp tại khu vực chị đang sinh sống.

Tuy nhiên, điều khiến chị Duyên suy nghĩ là khu vực đầu tư quá xa nơi mình sinh sống, bên cạnh đó chị cũng lo ngại về những rủi ro trong thanh khoản khi cần tiền bán gấp.

Trước nhu cầu đầu tư vào BĐS của nhiều nhà đầu tư mới, anh Trần Tuấn An – một nhà đầu tư bất động sản kỳ cựu tại Tây Ninh lưu ý hiện nay nhiều nhà đầu tư mới cứ đòi nhân hai nhân ba lần trong vòng 2-3 năm. Theo anh An, những kèo như này chỉ giành cho những nhà đầu tư giỏi, có kinh nghiệm, kiến thức, mối quan hệ và có thông tin trước. Với những nhà đầu tư tay ngang thì tỷ lệ lợi nhuận từ 20 đến 30%/năm là có thể chấp nhận được.

Các nhà đầu tư kỳ cựu lưu ý chỉ nên đầu tư vào những khu vực có pháp lý rõ ràng, đảm bảo

Các nhà đầu tư kỳ cựu lưu ý chỉ nên đầu tư vào những khu vực có pháp lý rõ ràng, đảm bảo

Cũng theo anh An, khi đầu tư vào BĐS cần phải đặt việc an toàn lên hàng đầu. Đầu tư phải chọn sản phẩm an toàn pháp lý. Trong trường hợp thị trường có xấu thì bất động sản đảm bảo yếu tố pháp lý vẫn có thể bán được, dù bán lỗ nhưng vẫn thanh khoản được.

Và bất động sản có hạ tầng tốt vị trí tốt thì tính thanh khoản cao hơn, khi không bán được cho người đầu tư thì có thể bán cho người mua tiêu dùng thật. Với những sản phẩm đầu tư ở khu vực xa xôi, hay ở địa phương không có tiềm năng thì không nên mua để tránh chôn vốn và khó thanh khoản.

Cùng quan điểm, chị Đào Hoa – một nhà đầu tư kỳ cựu tại TP HCM cho biết thời gian gần đây 10 người hỏi mình thì 9 người quan tâm đến lĩnh vực đầu tư BĐS. Trước những câu hỏi nhận được, chị Hoa cho rằng chỉ nên đầu tư vào bất động sản nếu hội tụ đủ 4 lý do là có tiền nhàn rỗi, dài hơi. Chỉ mua bất động sản có pháp lý và có tính than khoản. Chỉ xuống tiền đầu tư khi nơi đó có kết nối giao thông hạ tầng và yếu tố quan trọng nhất được nhà đầu tư này lưu ý là chỉ mua khi xác định nếu chỗ đó bán không được thì mình có thể ở được.

Chị Hoa cảnh báo các nhà đầu tư mới đừng nghe những lời tư vấn có cánh của môi giới rằng chỗ này sắp có dự án, sắp làm đường,… bởi để những dự định này thành hiện thực sẽ cần một khoảng thời gian rất dài.

Một lưu ý nữa được chị Hoa cảnh báo là dù đầu tư vào lĩnh vực gì thì nhà đầu tư cũng phải để tiền dự phòng cho cuộc sống biến động và giá cả leo thang khi mà giá xăng dầu đang ở mức kỷ lục.

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh nghiệp Shark Hưng làm phó chủ tịch mạnh tay chia tiền cho nhà đầu tư

Cùng với việc mạnh tay chia tiền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp nơi Shark Hưng làm Phó chủ tịch cũng lên kế hoạch tăng vốn lên gấp đôi trong năm 2022.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN