Đất đấu giá ế ẩm, loạt ô đất “phiếu trắng” không có người trả giá

Nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng khi chứng kiến các phiên đấu giá đất lại vắng người như thời điểm này. Thậm chí, tại một số địa phương, sau phiên đấu giá còn lại loạt lô đất không có người tham gia trả giá.

Cuối tuần vừa qua, anh Nguyễn Văn Thảo (Bắc Ninh) tham gia phiên đấu giá đất tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, cho hay anh theo nghề “thợ đất” gần 15 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến thị trường lạ như thời điểm này.

Nhiều địa phương tổ chức đấu giá đất nhưng vắng bóng người mua thực tham gia

Nhiều địa phương tổ chức đấu giá đất nhưng vắng bóng người mua thực tham gia

Trong phiên đấu giá có tổng 73 lô đất trong danh sách mời đấu (giá khởi điểm từ 10 triệu đồng/m2), nhưng chỉ có 92 người tham gia đấu với tổng 223 hồ sơ. Kết quả, có gần chục lô đất “trắng phiếu”, không có người đấu. Ngoài ra, nhiều lô trúng với giá chỉ chênh 1 triệu đồng so với giá khởi điểm.

“Khoảng hai năm trước, khi thị trường sôi động tôi chứng kiến nhiều lô đất ở những vùng “khỉ ho cò gáy” cũng được săn lùng, mua - bán sang tay chênh hàng trăm triệu. Thời điểm này, thì thị trường lại dư thừa nguồn cung. Không chỉ các nhà đầu tư thứ cấp “ngộp bank” nhờ bán gấp, mà khá nhiều nguồn đất đấu giá mới của các địa phương với giá khởi điểm khá mềm, nhưng cũng vẫn ế chỏng chơ” – anh Thảo thông tin.

Người tham dự các phiên đấu giá chủ yếu là môi giới và các văn phòng bất động sản

Người tham dự các phiên đấu giá chủ yếu là môi giới và các văn phòng bất động sản

Tương tự, chị Tuyết Mai - một nhà đầu tư khác cũng thường xuyên tham gia các phiên đấu giá đất, cho biết tháng 4 vừa qua, chị có dự phiên đấu giá đất tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Các lô đất có giá khởi điểm chỉ 16,5 triệu/m2 nằm tại trung tâm mới của thị trấn huyện ngoại thành. Tuy nhiên, số người tham dự chủ yếu là môi giới và các văn phòng bất động sản còn người mua thực để sử dụng đất rất ít.

“Lượng hồ sơ tham gia đấu giá không còn đông, chỉ tương đương 10% - 20% lượng hồ sơ so với 1-2 năm trước. Người tham gia đấu giá cũng dễ dàng thắng với mức giá không chênh lệch nhiều với giá khởi điểm, cá biệt có lô đất giá đấu thắng chỉ 16,6 triệu/m2. Sau phiên đấu giá thành công, các lô đất được rao bán lại cũng chỉ chênh 20-30 triệu đồng”, chị Tuyết Mai cho hay.

Cũng theo nhà đầu tư này, ở các phiên đấu giá còn xuất hiện trường hợp người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc, không thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Tình trạng ế ẩm trong các phiên đấu giá diễn ra tại nhiều địa phương

Tình trạng ế ẩm trong các phiên đấu giá diễn ra tại nhiều địa phương

Lý giải tình trạng trên, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, nguyên nhân là do thị trường bất động sản trầm lắng, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao dẫn đến một số dự án gặp khó khăn về tài chính.

Tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu mua bán, giao dịch bất động sản. Một số dự án xây dựng hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất triển khai giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến chưa thực hiện được kế hoạch đấu giá đất như dự kiến.

Đáng chú ý, địa phương này cho biết, một số cuộc đấu giá quyền sử dụng đất không đạt mục tiêu đề ra. Nhiều địa bàn, dự án tổ chức đấu giá nhưng số lượng người tham gia ít, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm thấp. Đồng thời, ở các phiên đấu giá xuất hiện trường hợp người trúng đấu giá bỏ tiền đặt cọc, không thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Theo giới chuyên môn, nguyên nhân "ế" là do thị trường bất động sản trầm lắng, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao... 

Theo giới chuyên môn, nguyên nhân "ế" là do thị trường bất động sản trầm lắng, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao... 

Đấu giá đất là một trong những hoạt động tạo nguồn thu quan trọng đối với các địa phương đồng thời cung cấp nguồn đất nền sạch cho người có nhu cầu về nhà ở. Vào thời điểm sốt đất 2021 và đầu năm 2022, các phiên đấu giá đất ở các địa phương đều nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư. Các lô đất đấu giá được trả giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2022 tới nay, thị trường bất động sản trầm lắng, các phiên đấu giá của các địa phương gần đây không còn sôi động, tấp nập nhà đầu tư tham gia. Giá trúng các lô đất chênh thấp so với giá khởi điểm, thậm chí nhiều lô còn không có người tham gia trả giá.

Tính từ thời điểm cuối tháng 5 đến hết tháng 7, hàng trăm lô đất tại Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An, Huế, Bình Định... được đưa ra đấu giá. Cụ thể, tại Bình Định, chi nhánh Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Thắng thông báo tổ chức bán đấu giá 153 lô đất khu dân cư Đông Bắc Phước Hòa tại xã Phước Hòa và Phước Thắng vào 4 ngày 16/6, 23/6, 30/6 và 7/7. Tổng diện tích khu đất là 18.068m2, tổng giá khởi điểm 133,759 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản Nghệ An cũng thông báo đấu giá 32 lô đất của Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Cửa Lò vào ngày 30/5. Theo đó, 14 lô đất nằm ở vùng quy hoạch vị trí 5, khối Hiếu Hạp, phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò. Các lô đất có diện tích hơn 163 - 183m2, giá khởi điểm 13 - 16,5 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại Hưng Yên, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam và UBND thị trấn Lương Bằng đang phối hợp tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng 44 thửa đất cho nhân dân làm nhà ở tại huyện Kim Động. Các lô đất có diện tích 80 - 113,5m2, giá khởi điểm đấu giá 18,3 - 22,9 triệu đồng/m2.

Tại Hà Nội, cuối tháng 5 vừa qua, Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam đã ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Sơn Tây. Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất ở đối với 68 thửa đất thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất khu Vàn Gợi - Đồng Quân, phường Viên Sơn (đợt 2). Các thửa đất có diện tích 85 - 172m2, giá khởi điểm 28 - 33 triệu đồng/m2…

Nguồn: [Link nguồn]

Khó khăn dòng tiền: Chủ đất ”năn nỉ cấn trừ nợ”, ”rao bán phá giá” loạt đất nền

Do khó khăn dòng tiền, thị trường bất động sản ngày càng xuất hiện nhiều thông tin rao bán giảm giá, cắt lỗ, hy hữu có những trường hợp chấp nhận bán “phá giá”, thậm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN