Chuyên gia nói gì về đề xuất cải tạo chung cư cũ tại Thành Công?

Phương án cải tạo tạo khu tập thể cũ Thành Công của Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) nhận được ý kiến như thế nào từ chuyên gia?

Điều đáng nói, thời điểm tháng 4/2017, tại hội thảo cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo Vihajico cũng đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ.

Hồ Thành Công có nguy cơ trở thành "ao làng" trước đề xuất lấp đi 1ha để xây dựng 3 tòa nhà chung cư cao tầng

Hồ Thành Công có nguy cơ trở thành "ao làng" trước đề xuất lấp đi 1ha để xây dựng 3 tòa nhà chung cư cao tầng

Trình UBND TP Hà Nội phương án mới nhất cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội), Vihajico đã có 2 phương án được đề xuất. Trong đó, phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư; 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng. Tuy nhiên, ở phương án này nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.

Chủ đầu tư cho rằng, với phương án này nhà nước không cần hỗ trợ; công năng của hồ nước không đổi vì diện tích bù đắp lớn hơn…

Trước đề xuất trên, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định, đây chỉ là ý tưởng của nhà đầu tư báo cáo trước Hội đồng kiến trúc quy hoạch TP và chưa nhận được sự đồng thuận của các thành viên Hội thẩm định, Hội đồng đã yêu cầu nhà đầu tư cần nghiên cứu lại phương án lập quy hoạch cho khu vực này phải tuân thủ theo đúng quy hoạch được phê duyệt.

Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, hồ Thành Công hay bất kỳ hồ nào khác trên địa bàn TP đều là tài sản “vô giá” đang cần được bảo vệ, không có chuyện nhà đầu tư thích làm gì cũng được. Những ý tưởng lập quy hoạch cải tạo xây mới chung cư cũ đều được Hội đồng thẩm định đánh giá rất kỹ trước khi trình UBND TP xem xét quyết định làm cơ sở để nhà đầu tư tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500, quá trình lập Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, các cơ quan tổ chức có liên quan trước khi phê duyệt theo đúng quy trình quy định.

Nhận định về đề xuất này, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, các hồ nước đang góp phần tạo nên bản sắc, diện mạo của Hà Nội, trong đó có hồ Thành Công. Các hồ nước gắn với cảm xúc, kỷ niệm của người dân và tham gia vào bảo vệ môi trường, cảnh quan... Thay đổi diện mạo của hồ để giảm diện tích không gian trống tiếp cận với đường là làm giảm lợi ích chung của cộng đồng dân cư đang được hưởng.

Điều đáng nói là đi liền với việc lấp đi một góc hồ, chủ đầu tư lại đề xuất khai thác chính quỹ đất đó để xây dựng chung cư cao tầng khai thác lợi thế kinh doanh. “Chủ đầu tư muốn chuyển cái lợi ích cộng đồng thành lợi ích của một số cá nhân, doanh nghiệp. Về giải pháp đưa thêm cây xanh, mặt nước vào khu trung tâm của khu Thành Công là giải pháp tốt nhưng không được “đánh đổi” bằng lấp đi một phần hồ nước!”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho hay.

Mặc dù một số cơ quan chức năng của Hà Nội cho rằng, đây là “ý tưởng có thể ghi nhận”, nhưng theo một số chuyên gia về đô thị, trường hợp nhà đầu tư cho lấp một phần hồ nước và xây dựng các tòa cao ốc ở góc hồ Thành Công sẽ tác động nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan tại đây. Hồ Thành Công vốn đã bị thu hẹp thì nay càng chật hẹp hơn. Diện tích mặt nước có thể không thay đổi nhưng hàng loạt chung cư cao tầng vây quanh hồ thì chẳng khác nào biến hồ Thành Công thành “ao làng” tù túng. Góc ngã tư mà chủ đầu tư đề xuất xây cao tầng là phần rất cần được bảo vệ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hồ nước tự nhiên ở Hà Nội liên kết với nhau tạo thành một chuỗi hồ có tác dụng điều hòa không khí, nước mưa. Bây giờ, thay đổi 1ha hồ Thành Công sẽ làm phá vỡ hệ thống đó và làm thay đổi đến cảnh quan, sinh vật trong lòng hồ.

“Tôi chưa thấy quá trình đô thị hóa ở đâu mà lấp hồ chỗ này để đào chỗ khác. Đơn vị xây dựng đó không có tính toán cụ thể về mặt tự nhiên. Nói như nhà đầu tư thì bây giờ lấp đi 1/3 Hồ Hoàn Kiếm để xây nhà rồi đào bù chỗ khác thì còn gì là Hồ Hoàn Kiếm nữa”, ông Chính nói.

Tương tự, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội thì cho rằng, đây là “đề xuất không ai chấp nhận được".

Theo TS Nghiêm, khi xem xét cải tạo chung cư phải đảm bảo hài hòa cảnh quan và nét đặc trưng của Thủ đô. Hiện công viên cây xanh của Thủ đô Hà Nội mới đạt hơn 5m2/người và mục tiêu là 12m2/người. Do đó, công viên, mặt nước và cây xanh cần phải ưu tiên phát triển.

“Nhiều nơi muốn tăng diện tích cây xanh, hồ điều hòa phải tốn hàng trăm tỉ đồng. Nay doanh nghiệp đề xuất lấp hồ, giảm diện tích không gian xanh thì không ổn. Hơn nữa, quy hoạch chung thường không cho lấp hồ tạo cảnh quan. Do đó, lấp hồ Thành Công là không được”, TS Nghiêm nói.

Cũng theo ông Nghiêm, các phương án đề xuất hiện nay chỉ quy hoạch trong ranh giới của dự án, chưa cập nhật về quy hoạch giao thông. Chưa đưa ra cụ thể phương án giao thông khi tăng thêm nhà cao tầng, tăng thêm dân cư.

Một số chủ đầu tư đưa ra số lượng dân cư sau cải tạo nhưng không cho biết rõ giải pháp thiết kế, cơ cấu căn hộ ra sao. Do đó sẽ xảy ra tình trạng “bốc thuốc” không chính xác về số lượng dân cư sau khi cải tạo. Nếu nhiều căn hộ nhỏ, từ 50-70m2 thì không thể giữ được mật độ dân cư như đề xuất của các dự án.

“Điều này đã từng xảy ra với tuyến đường Lê Văn Lương. Nhà cao tầng đã xây kín hai bên đường nhưng hầu hết hệ thống đường xương cá, giao cắt với đường Lê Văn Lương chưa được mở rộng theo quy hoạch. Khi cấp phép xây dựng và triển khai dự án phải căn cứ vào hiện trạng của hạ tầng chứ không thể “tính cua trong hang”, tức là quy hoạch mới nằm trên giấy chưa biết khi nào triển khai”... ông Nghiêm nhấn mạnh.

Nguồn: [Link nguồn]

Lại đề xuất ”lấp” hồ Thành Công xây chung cư

Nếu làm theo đề xuất này thực chất là lấp đi một góc hồ đẹp nhất để xây dựng thêm 3 tòa nhà chung cư cao tầng…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN