8X Nam Định chóng vánh bỏ túi hàng trăm triệu khi đổ tiền vào đất nền

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chỉ sau 9 tháng, khoản đầu tư hơn 500 triệu đồng vào đất nền của anh Dũng đã sinh lời thêm cả trăm triệu. Trong khi đó, thị trường tiếp tục ghi nhận dòng tiền không ngừng chảy vào lĩnh vực BĐS. Thậm chí lĩnh vực này xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư mới (F0).

8X Nam Định lãi trăm triệu đồng sau chưa đầy 1 năm đầu tư vào đất nền

Anh Dũng quê Giao Thủy – Nam Định chia sẻ sau khi tích lũy được số tiền 500 triệu đồng cuối năm 2019, anh đã lên kế hoạch tìm mảnh đất nào đó phù hợp để đầu tư. Tuy nhiên, do những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm 2020, phải đến cuối tháng 3/2020 anh mới thực hiện được kế hoạch của mình.

Theo đó, sau một thời gian tham khảo giá đất ở một số khu vực của Hoài Đức, Thanh Trì, Hà Đông, Long Biên,... cuối cùng anh quyết định xuống tiền mua mảnh đất 30m2 tại Hà Đông với mức giá 18 triệu đồng/m2. 8X Nam Định cho biết trước khi xuống tiền đầu tư vào mảnh đất này, anh đã dành khá nhiều thời gian để tham khảo giá đất tại khu vực. Bên cạnh đó, người bán cũng đang muốn bán nhanh để giải quyết việc gia đình.

Nhiều người lãi cả trăm triệu đồng khi đầu tư vào đất nền đúng thời điểm

Nhiều người lãi cả trăm triệu đồng khi đầu tư vào đất nền đúng thời điểm

Theo đánh giá của anh, khu vực này dù không có hiện tượng tăng nóng nhưng đây vẫn là khu vực có tốc độ tăng giá ổn định, giao thông đi vào trung tâm thành phố khá thuận tiện. Trong khi mảnh đất cũng gần chợ, trường học và bến xe.

Kế hoạch ban đầu của anh là đầu tư trong khoảng 1-2 năm, khi nào sinh lời như kỳ vọng sẽ bán. Tuy nhiên, đầu tháng 12/2020, mảnh đất của anh đã được một văn phòng môi giới nhà đất trong khu vực hỏi mua lại với giá gần 22 triệu đồng/m2. Anh cho biết chỉ trong quãng thời gian 9 tháng, mảnh đất mua ban đầu chỉ 540 triệu đồng bây giờ đã có thể thu về số tiền lên tới 650 triệu đồng (bên mua chịu mọi khoản thuế phí).

Anh Dũng cho biết với số tiền gốc và lãi thu được từ mảnh đất này, anh đang có kế hoạch vay thêm ngân hàng để đầu tư vào 2 mảnh đất khác với diện tích từ 36 đến 40m2 ở một khu vực khác tại Hà Đông với giá rẻ hơn nhưng anh đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển trong 1-2 năm tới.

Trong khi đó, chị Hạnh (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ trước đà giảm sâu của lãi suất gửi tiết kiệm, chị cũng đang có kế hoạch rút khoản tiền gửi ngân hàng của mình để đầu tư vào BĐS. Mới đây, chị đã được nhiều môi giới tại Hà Đông, Hoài Đức và Thanh Trì giới thiệu nhiều mảnh đất từ 36 đến 50m2 với khoảng tài chính từ 800 triệu đến 1,4 tỷ đồng.

Tiền vẫn không ngừng chảy vào BĐS

Anh Dũng hay chị Hạnh không phải là những nhà đầu tư vào BĐS cá biệt ở thời điểm này. Theo ghi nhận của phóng viên bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thời gian qua thì dòng tiền vẫn không ngừng chảy vào lĩnh vực đầu tư BĐS.

Trong một hội thảo về đầu tư BĐS mới được tổ chức, một chuyên gia về BĐS đã chia sẻ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều người có tiền mà không biết đầu tư vào lĩnh vực nào, nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tìm đến BĐS. Chính vì nhu cầu lớn, nguồn cung không dồi dào, nên giá BĐS tiếp tục tăng.

Các dự án chung cư đảm bảo tiến độ cũng có lượng giao dịch sôi động

Các dự án chung cư đảm bảo tiến độ cũng có lượng giao dịch sôi động

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam thì dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng thị trường BĐS Việt Nam đang có sự hồi phục. Theo đó, tỷ lệ hấp thụ đã được cải thiện qua từng quý. Nếu quý I/2020, khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, cả thị trường "đóng băng", tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14% thì sang quý II đã đạt 37% và lên tới 50% trong quý III.

Dù vậy, ông Đính cũng lưu ý về việc giá đất đai tại một số làng, xã vùng Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì… tăng dựng đứng trong thời gian qua. Đáng chú ý, giá đất tăng theo tuần, tuần này 1 triệu đồng/m2, tuần sau lên 1,7 triệu đồng/m2 và tuần sau nữa lên 2 triệu đồng/m2... Ông cho rằng việc đầu tư vào những khu vực đang sốt có thể khiến những nhà đầu tư ít kiến thức bị mắc kẹt, chôn vốn,...

Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam thì thị trường BĐS thời gian tới hứa hẹn sôi động khi có thêm dòng vốn với lãi suất thấp từ các ngân hàng: "Dòng vốn được kỳ vọng sẽ tiếp tục rót vào thị trường bất động sản qua nhiều kênh khác nhau. Thậm chí gần đây, lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm cho thấy các ngân hàng thương mại đang gặp khó vì không có khách vay. Khi lãi suất giảm mạnh, chắc chắn các ngân hàng sẽ ưu tiên lựa chọn kênh cho vay bất động sản, bởi vẫn có thể sinh ra lợi nhuận khá chắc chắn".

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là 8,3 triệu tỷ đồng; trong đó, tín dụng trong lĩnh vực BĐS khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Thống kê của các công ty chứng khoán cũng cho thấy, 9 tháng đầu năm 2020, trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS tiếp tục dẫn đầu tỷ trọng phát hành. Gần 90 doanh nghiệp BĐS phát hành tổng cộng gần 138.000 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 40,3% tổng trái phiếu của cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nguồn: [Link nguồn]

“Nhận nhà cũ, trả nhà mới”, chàng trai trẻ bỏ túi 2 tỷ đồng trong 6 tháng

Trong 6 tháng đầu năm 2020, chàng kiến trúc sư Anh Quý đã tận dụng thời cơ bỏ túi hơn 2 tỷ đồng nhờ những thay đổi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN