Từ chuyện tình buồn của đôi trai gái mà ra đời loại bánh tẻ vừa ngon vừa rẻ còn mãi với thời gian, nức tiếng ẩm thực Việt

Có những đặc sản rất gần gũi bình dị với đời sống làng quê Việt Nam xưa - đặc sản bánh Tẻ Phú Nhi cũng vậy. Mấy ai biết xuất xứ của loại bánh tẻ này từ một câu chuyện tình rất buồn nhưng lại để lại miếng bánh ngon đặc sản cho nhiều đời sau.

Sự tích bánh tẻ của làng Phú Nhi

Phú Nhi xưa có tên là Bần Nhi - một thôn cổ có từ cuối thế kỷ 19, thuộc tổng Cam Giá Thịnh - được gọi là Cam Thịnh thuộc trấn Sơn Tây, nay thuộc phường Phú Thịnh (Sơn Tây, Hà Nội) là làng nghề truyền thống bánh tẻ nổi tiếng.

Bánh tẻ Phú Nhi bắt nguồn từ một chuyện tình buồn. Ảnh minh họa.

Bánh tẻ Phú Nhi bắt nguồn từ một chuyện tình buồn. Ảnh minh họa.

Tích bánh tẻ Phú Nhi xưa bắt đầu từ chuyện tình của chàng Nguyễn Phú và nàng Hoàng Nhi. Làng Phú Nhi xưa có nghề nấu bánh đúc, còn gọi là làng Bần Nhi. Nguyễn Phú ở Giáp Ðoài, thông minh, sáng sủa, con bà Trọng làm nghề bán dầu vỏ, bố là người nông dân hiền lành chất phác. Hoàng Nhi là con bà Hương làm nghề nấu bánh đúc hằng ngày đem bán – và nàng Nhi thường đem hàng cho mẹ.

Phú và Nhi biết nhau qua những buổi chợ hằng ngày, vì Nhi phải đem hàng cho mẹ. Cuộc tình cứ thế lớn dần theo ngày tháng. Nguyễn Phú đánh bạo sang nhà nàng chơi - đúng lúc Nhi đang khuấy nồi bánh đúc. Vì vội ra mở cổng mời chàng Phú vào nhà mà nàng quên bẵng việc cho vôi vào nồi bột. Rồi mải trò chuyện, tâm tình họ quên mất nồi bánh đúc đang nấu dở trên bếp lửa. Khi biết thì lửa đã tắt, nồi bánh đúc thành nửa sống, nửa chín không dùng được nữa.

Bố Hoàng Nhi là người rất nghiêm khắc, phong kiến biết chuyện bực lắm, bèn đuổi chàng Phú về cùng chỗ bánh đúc hỏng và cấm hai người gặp nhau, cấm Hoàng Nhi mang hàng cho mẹ. Thế là đôi trẻ mãi chẳng có dịp được gặp nhau, khiến Hoàng Nhi vì chuyện này mà buồn bã, ốm nặng rồi qua đời.

Chàng Phú thì đem chỗ bánh đúc hỏng về, nghĩ bỏ đi thì tiếc nên ra vườn lấy lá dong, lá chuối khô, làm nhân mộc nhĩ, thịt nạc gói lại thành bánh đem luộc lại. Khi có mùi thơm bốc lên, Phú dỡ bánh ra, thấy ăn cả lúc nóng và khi nguội đều ngon hơn bánh đúc.

Vào ngày giỗ của Hoàng Nhi, Phú tự tay làm lại nồi bánh… và đã mày mò cách nấu loại bánh mới cho mẹ đem ra chợ bán. Loại bánh mới nhanh chóng được ưa chuộng, bán rất chạy và nhà Phú trở nên giàu có hơn. Chiếc bánh tẻ Phú Nhi ra đời theo truyền thuyết đó.

Kết thúc chuyện tình chàng Phú – nàng Nhi là những ngày giỗ nàng chàng tự tay làm những chiếc bánh thật ngon gửi sang nhà nàng cúng và tưởng nhớ người yêu xưa. Chàng không lấy vợ, chỉ chuyên tâm cho nghề. Thứ bánh ngon tâm huyết chàng cũng không để làm của riêng, mà dạy lại cho dân làng để món bánh tẻ được lưu truyền mãi mãi – và tâm nguyện của Phú đã thành hiện thực. Bánh tẻ Phú Nhi giờ vẫn nổi tiếng ngon, có mặt trong các đám tiệc, đám cỗ, giỗ. Ai về Phú Nhi, khi ra về cũng lặc lè những túi bánh để làm quà.

Làm bánh tẻ Phú Nhi rất đơn giản. Ảnh minh họa.

Làm bánh tẻ Phú Nhi rất đơn giản. Ảnh minh họa.

Cách làm bánh tẻ

Theo Chuyên gia ẩm thực Vũ Thị Tuyết Nhung, bánh tẻ (còn gọi là bánh răng bừa) là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, làm từ bột gạo tẻ - làm bằng gạo Khang Dân là ngon và dóc bánh nhất. 

Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau. Tuy nguyên liệu và cách làm vẫn đơn giản, nhưng để có bánh thơm ngon đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo trong các công đoạn - nhất là ráo bột.

Cách làm bánh tẻ

Nguyên liệu  (10 người ăn)

- Gạo tám: 1kg;

- Thịt lợn ba chỉ hoặc nạc vai: 0,8 kg;

- Hành củ khô: 2 lạng;

- Mộc nhĩ: 2 lạng;

- Lá dong (loại nhỏ): 60 lá;

- Dây buộc (có thể buộc hoặc không);

Cách làm

Gạo làm bánh tẻ Phú Nhi chọn tẻ quê, hạt dài đều, trắng trong, thơm mùi gạo mới. Loại bỏ hạt mốc, hạt nhiều cám bong ra rồi ngâm 3-4 giờ. Xay gạo ngâm với nước vôi trong, rồi cho lên bếp đun và quấy đều tay với lửa nhỏ cho bột chín khoảng 50% (nêm chút muối và mì chính) và quấy tới khi nặng tay là được.

Bắc bột xuống, dùng máy hoặc tay đánh nhuyễn lại bột cho bột không bị vón cục - đây là công đoạn quan trọng quyết định mẻ bánh tẻ ngon hay không - bởi bột non, hoặc bột già quá bánh đều không ngon. 

Bỏ bột lên mâm để khoảng 30-40 phút cho bột ráo và nguội bớt trước khi làm bánh.

Nhân bánh

Nhân là "linh hồn" của bánh nên phải làm kỹ: Thịt ba chỉ, mộc nhĩ và hành khô băm nhỏ, ướp với chút tiêu, chút muối.

Hành khô thái nhỏ rồi phi thơm. Đổ thịt và mộc nhĩ vào xào với mỡ. Tất cả trộn đều và đảo chín trên chảo rồi nêm lại hạt nêm, nước mắm ngon, hạt tiêu cho vừa ăn.

Gói bánh

Sau khi nấu bột bánh qua cho dẻo thì dùng thìa xúc những phần bột ước lượng bằng quả trứng gà nhỏ dàn bột dọc theo lá dong hình lòng thuyền.

Nhân bánh cho vào giữa và rải đều theo thân bánh, gói bánh sao cho hai đầu bánh thuôn dài, phần giữa gồ lên để chiếc bánh giống với cái răng bừa (phình to ở giữa 2 đầu nhỏ lại), gấp lá dong theo hình sống trâu, vuốt đều vận lá và gập 2 đầu lá lại.

Bánh gói bằng lá dong rồi bọc thêm hai lượt lá chuối khô và lấy lạt buộc lại, rồi đem dựng đứng trong nồi, luộc cho chín đều.

Luộc bánh

Bánh gói xong có thể đem luộc hoặc hấp cách thủy giống như xôi. Ước lượng nước xăm xắp, đun sôi. Cho bánh vào đậy kín vung, đun to lửa bánh sôi khoảng 20 phút, kiểm tra và ăn thử 1 cái trước khi bắc xuống.

Bánh luộc xong dỡ ra, để khoảng 5 phút cho ráo nước, ăn ngay hoặc ủ giữ nhiệt đều nóng hổi, rất ngon. Nhưng nên ăn tới đâu lấy ra tới đó thì bánh lúc nào cũng ngon. 

Loại bánh tẻ Phú Nhi ăn nguội cũng ngon miệng, nhưng không ngon bằng ăn bánh khi nóng hổi.

Bánh tẻ Phú Nhi ăn rất ngon và tiện khi đi du lịch, picnic cuối tuần... Ảnh minh họa.

Bánh tẻ Phú Nhi ăn rất ngon và tiện khi đi du lịch, picnic cuối tuần... Ảnh minh họa.

Nước chấm bánh tẻ đơn giản, nhưng phải đúng vị. Bánh tẻ khi ăn chấm với tương ớt hoặc nước mắm ớt, tương Bần Hưng Yên tùy khẩu vị, sở thích của từng người.

Bánh tẻ chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay với chanh, tỏi, ớt hoặc chấm với tương ớt.

Ở một số nơi thực khách còn dùng thêm món chả gà và một ít dầu cà cuống cho vào nước mắm để tăng thêm hương vị của món bánh.

Bánh tẻ Phú Nhi trắng ngần, thơm ngậy mang đậm nét ẩm thực xứ Đoài. Có nhiều nơi làm bánh tẻ, hương vị ít nhiều có khác: Bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), bánh tẻ Văn Giang (Hưng Yên), nhưng bánh tẻ Phú Nhi có hương vị riêng không lẫn được.

Bánh tẻ là thứ quà quê chân chất mộc mạc, thứ bánh mà ai cũng có thể thưởng thức. Khi ăn, dùng con dao nhỏ cắt bánh thành từng miếng, xếp lên đĩa. Ăn một miếng để cảm nhận kết tinh của trời đất, độ giòn của vỏ bánh, vị đậm, béo của nhân, thơm mùi tiêu, hành. Bánh có thể thay bữa sáng, ăn chơi, ăn nhiều mà không bị ngán.

Tất cả các bánh bán ở ven đường và bến xe không phải là bánh tẻ Phú Nhi, mà là bánh các vùng lân cận, treo biển bánh Phú Nhi rẻ nhưng ăn không ngon, bột lọc không được làm cẩn thận, nhân ít và òn có nhiều mỡ.

Bánh tẻ Phú Nhi mọi nguyên liệu làm bánh đều được chọn kĩ và chế biến đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là không hàn the. Những xưởng bánh đã được cấp logo thương hiệu càng yên tâm mà "chén".

Mỗi khi đi đi du lịch, đi phượt, cắm trại tới Sơn Tây, Ba Vì, các bạn mang theo bánh mì sẽ bị ỉu, khó ăn. Mang xôi thì khô và nguội. Thế nên, bánh tẻ Sơn Tây là lựa chọn số 1 – mua ở làng Phú Nhi thì còn nóng nguyên, mang đi cả ngày vẫn còn ấm. Bóc vỏ lá xanh, chiếc bánh trắng ngần hiển hiện, mùi thơm nhân thịt tỏa ra như chào mời thực khách. Bánh ăn nóng chấm với nước mắm ngon, thêm chút tiêu là ngon nhất. Nếu ngại mang nước mắm hạt tiêu thì dùng tương ớt có nắp đậy kín là ăn thoải mái, không sợ mùi. Nhiều người khoái ăn bánh tẻ Phú Nhi chấm tương ớt lúc nguội, ăn vài cái hết veo.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyên gia chia sẻ món bánh tẻ Phú Nhi ngon nổi tiếng của Sơn Tây, Hà Nội khiến bao người chỉ muốn được ăn ngay lập tức

Bánh tẻ Phú Nhi nóng hổi hay có mặt trong mâm cỗ của người Sơn Tây, tiệc tùng giỗ chạp, tết nhất đều có mặt bánh tẻ. Nhưng không phải ai cũng biết ăn món bánh ngon này đúng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Hà ([Tên nguồn])
Ẩm thực, nhà hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN