Những lưu ý khi ăn rau muống

Rau muống là một loại rau rất phổ biến và quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Theo Đông y rau muống có rất nhiều ích lợi đối với sức khỏe. Tuy nhiên cũng cần lưu ý khi dùng loại rau này.

Rau muống có tên khoa học là Ipomoea aquatica Forsk, thuộc họ Bìm Bìm (Convolvulaceae), là cây trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Là cây bán thủy sinh, rau muống thường mọc bò ở mặt nước hoặc trên cạn.

Thành phần hóa học của rau muống có chứa một số acid amin như acid aspartic, glycine, alanin, leucin, lysin, arginin...; chứa nhiều carotenoid và diệp lục; các vitamin A, B1, B2, B6, B12, C, E, K và một số khoáng chất như sắt, magie, calci, kẽm, natri, kali.

Công dụng của rau muống

Rau muống là loại rau thường có trong bữa ăn hằng ngày của người Việt.

Rau muống là loại rau thường có trong bữa ăn hằng ngày của người Việt.

Rau muống ngoài công dụng làm thức ăn (ăn sống hoặc chế biến), còn được sử dụng làm thuốc trong Đông y. Trong Đông y, rau muống có vị ngọt nhẹ, tính hơi lạnh, khi nấu chín sẽ giảm tính lạnh. Quy kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường.

- Rau muống có tính nhuận tràng nhẹ nên có thể dùng cho bệnh nhân trĩ, tuy nhiên tác dụng này thường chỉ thấy rõ ở những người ít ăn rau muống trước đây.

- Trong dân gian rau muống được dùng cho bệnh nhân chảy máu cam (kèm với Cúc hoa).

- Rau muống có tính giải độc, làm mất tác dụng của những thuốc đã uống. Cách dùng: Giã nát lá, vắt lấy nước uống.

- Rau muống được xếp vào nhóm thuốc điều trị bệnh tiêu hóa, lợi mật (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi), điều trị vàng da và bệnh gan (Dược điển Ấn Độ). Một số nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy tác dụng bảo vệ tế bào gan của rau muống.

- Nhiều nghiên cứu trên mô hình gây đái tháo đường typ 2 bằng streptozotocin trên chuột cho thấy nước chiết từ lá rau muống có tác dụng hạ đường huyết. Cơ chế hạ đường huyết hiện đang được nghiên cứu, có thể do tăng cường tiết insulin hoặc tăng hấp thu đường ở ngoại vi, giảm tổng hợp glucose và ức chế giải phóng các hormone điều hòa ngược như cortisol, glucagon, và GH. Tuy nhiên các nghiên cứu về tác dụng này trên bệnh nhân đái tháo đường chưa thu được các kết quả thực sự có ý nghĩa.

- Trong rau muống có vitamin C và các chất glucoside, polyphenolic có tác dụng chống oxy hóa. Các chất oxy hóa là các chất đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...

- Nước chiết từ lá rau muống có tính kháng sinh diệt được E. coli, trực khuẩn mủ xanh trên thực nghiệm.

- Hoa rau muống được sử dụng như thuốc diệt giun sán.

Lưu ý khi dùng rau muống

Nộm rau muống có thể có nhiều loại ký sinh trùng.

Nộm rau muống có thể có nhiều loại ký sinh trùng.

- Trong rau muống có thể có nhiều loại kí sinh trùng, đặc biệt là sán lá ruột lớn Fasciolopsis buski, nguy cơ xâm nhập vào cơ thể khi ăn rau sống (rau muống chẻ, nộm rau muống) hoặc chế biến chưa chín kĩ.

- Do là cây bán thủy sinh, nên nếu rau muống được trồng ở nguồn nước ô nhiễm hoặc nước bị nhiễm kim loại nặng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của rau, có thể gây ngộ độc.

- Khi đang dùng thuốc đông y, không nên ăn quá nhiều rau muống vì có thể làm giảm tác dụng của bài thuốc (giống như tác dụng của đậu xanh).

Nguồn: [Link nguồn]

Quên rau muống đi, thịt bò xào với quả này mới là tuyệt hảo

Thịt bò xào đậu bắp không chỉ thơm ngon mà còn rất bổ dưỡng. Chỉ cần các bước sau, các bà nội trợ đã có món thịt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BS. Đặng Trúc Quỳnh ([Tên nguồn])
Ẩm thực, nhà hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN