Ngon, mát dịu với món trứng vịt bắc thảo
Trứng vịt bắc thảo là món ăn dân dã, được chế biến từ quả trứng vịt khi phôi chưa phát triển thành hình. Đây không những là món nhậu tuyệt hảo mà còn có thể ăn cùng với cơm nóng, ngon hết ý lại giàu chất dinh dưỡng.
Nơi tôi sinh sống là con hẻm nhỏ trong khu phố cổ Hội An. Chiều nào cũng vậy, các hàng ăn nơi con hẻm này thường tấp nập thực khách. Có những lần rảnh rỗi, khi chuông điện thoại reo vang, bạn bè hò hẹn: “Mình tới chơi, nhưng đi ăn hàng nhé!”. Này tô mì Quảng đậm đà, đĩa nhộng xào béo ngậy, món bò bía thơm lừng,… Nhưng trong thực đơn vốn ưa thanh mát của người quê tôi không thể thiếu món trứng vịt bắc thảo.
Do nhà ở trong con hẻm, gần với những quán ăn này nên tôi biết, quy trình làm món trứng này khá phức tạp. Để có những quả trứng ngon trước tiên phải chọn loại trứng vịt mới đẻ, còn tươi nguyên. Trứng đem rửa qua nước lọc, lau sạch bằng khăn khô, sau đó đem ngâm trứng với nước đã hòa phèn chua.
Trứng vịt bắc thảo có thể ăn cùng với các loại rau, dưa leo, dưa chua, tương ớt.
Trong qui trình chế biến, có lẽ lâu nhất là thời gian canh chừng 3 ngày mới lấy được trứng trong nước phèn chua ra. Sau đó, phết lên bề mặt quả trứng một lớp hỗn hợp bùn gồm nhiều loại bột (trà xanh, vôi tôi, tro gỗ, muối biển) đã pha với nước đun sôi. Tiếp tục lăn trứng qua một lớp mỏng vỏ trấu để hỗn hợp bọc chặt vào nhau, bao kín quả trứng. Cuối cùng bỏ trứng vào sọt để bảo quản, chừng 3 tháng, khi hỗn hợp bùn, vỏ trấu khô lại là thành phẩm món trứng vịt bắc thảo. Quả trứng lúc này có lòng đỏ chuyển sang màu xanh xám, lòng trắng có màu nâu đen và trong suốt như thạch.
Từ trứng bắc thảo, các bà các chị quê tôi có thể chế biến nhiều món ngon lạ miệng như nấu cháo, ăn cùng với chả, nem. Ở các hàng quán thường để nguyên trứng như vậy, cắt lát nhỏ ăn kèm với dưa chua hoặc rau xanh, dưa leo.
Những món ăn “công phu” từ trứng vịt bắc thảo khi được bày trong mâm cơm đều rất đẹp mắt, hấp dẫn và đặc biệt hơn là phù hợp cho cả tiết trời oi nóng mùa hè, hay khi trời se lạnh mùa thu.