Chỉ có thịt kho tàu của ngoại là thấm đẫm tình quê

Bao giờ cũng vậy, nồi thịt kho tàu của ngoại có nước trong veo, đượm màu cánh gián thiệt đẹp. Riêng miếng thịt vừa trong vừa mềm lại cay cay, rất ngon cơm.

Chỉ có thịt kho tàu của ngoại là thấm đẫm tình quê - 1

Thịt kho tàu

Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng 25 tháng Chạp là ngoại bắt chị Hai gọi điện để được nói chuyện với tôi. Bên kia đầu dây, tôi nghe giọng ngoại run run: “Minh hả con, chừng nào con về? Về đi ngoại làm thịt kho tàu cho con ăn Tết”. Nghe ngoại nhắc, tôi liền thưa: “Dạ, khi nào cơ quan cho nghỉ là con về ngay với ngoại”.

Tôi sinh ra trong gia đình có 6 anh em. Từ nhỏ, tôi luôn được ngoại cưng chiều bởi tôi là đứa cháu trai duy nhất trong tổng số gần 10 đứa cháu của ngoại. Cũng vì thương tôi nên ngoại giành phần nuôi tôi, không để ba má tôi phải vất vả. Chắc có lẽ do “mến tay mến chân” với thằng cháu ngoại tinh nghịch nên ngoại hay làm nhiều món ngon cho tôi ăn. Mà cũng lạ, tôi sinh ra ở miền Tây, nơi tôm cá nhiều vô kể vậy mà tôi chỉ thích ăn thịt. Dĩ nhiên, ngoại luôn ưu tiên cho tôi món thịt kho tàu để tôi ăn dần, ăn dần trong những ngày thơ ấu.

Hồi đó, nhà tôi có nuôi bầy heo và mỗi khi Tết đến, ba tôi làm heo để chế biến nhiều món ăn cho cả gia đình trong những ngày Tết. Biết tôi thích ăn thịt kho tàu nên bao giờ ngoại cũng dặn ba chừa phần thịt ba rọi để ngoại kho. Ngoại bảo ba: “Tết nhứt mà không có thịt kho thì chẳng khác nào thiếu dưa hấu, hoa mai, bánh, mứt vậy. Bây chừa cho má mớ thịt ngon để má làm”. Mỗi khi nghe ngoại nói, tôi như mở cờ trong bụng vì sắp có món thịt kho tàu ngon không đâu sánh bằng.

Chỉ có thịt kho tàu của ngoại là thấm đẫm tình quê - 2

Thịt heo ướp với gia vị cho thấm

Thịt heo vừa được xẻ ra nóng hổi là ngoại lấy phần thịt ba rọi đem rửa sạch, cắt miếng dài cỡ 10 phân, dày khoảng 5 phân. Thịt cắt xong được ngoại cho vào cái thau, ướp nhiều đường, bột ngọt, tỏi và ớt bằm nhuyễn. Ngoại kêu tôi bưng thau thịt ra ngoài nắng phơi khoảng 1 tiếng cho miếng thịt thấm đều. Trong lúc chờ thịt thấm, ngoại biểu tôi ra vườn hái mấy trái dừa xiêm. Nhớ ngày đó, tôi leo lên cây dừa cạnh mé mương mà chân run lập cập vì chỉ cần trượt chân té xuống mương thì… đau điếng. Cũng may là tôi hái được trái dừa và tuột xuống mà không hề hấn gì. Thấy tôi cầm mấy trái dừa vào, ngoại lấy dao chặt dừa, trút hết nước vào nồi, bắc lên bếp.

Chỉ chờ nước dừa sôi, ngoại cẩn thận gắp từng miếng thịt đã ướp cho vào nồi. Ngoại nấu thịt khoảng 1 tiếng mới cho thêm nước mắn ngon cùng gia vị vào, tiếp tục nấu trên lửa riu riu. Trong khi nấu, ngoại cẩn thận vớt bọt trong nồi bởi theo ngoại nếu không làm vậy nồi thịt sẽ không trong, nhìn mất ngon. Nấu vài tiếng, ngoại tắt bếp, chờ thịt nguội rồi lại tiếp tục đun sôi với lửa riu riu. Ngày trước, mỗi khi thấy ngoại làm như vậy tôi liền cười hỏi “sao phải cầu kỳ vậy” thì ngoại bảo: “Làm như vậy thịt mới mau mềm, mới ngon con à”. Trước khi món thịt hoàn tất, ngoại còn cho thêm trứng vịt luộc đã bóc vỏ vào.

Chỉ có thịt kho tàu của ngoại là thấm đẫm tình quê - 3

Thơm ngon thịt kho tàu của ngoại

Bao giờ cũng vậy, nồi thịt kho tàu của ngoại có nước trong veo, đượm màu cánh gián thiệt đẹp. Riêng miếng thịt vừa trong vừa mềm lại cay cay, rất ngon cơm. Khi ăn thịt kho, ngoại thường làm món dưa giá hay cải chua cho cả nhà ăn kèm cho bớt ngán.

Mấy hôm nay Sài Gòn tấp nập, người người sắm Tết càng khiến tôi nhớ quê, nhớ cái dáng gầy gầy, bàn tay nhăn nheo, gân guốc của ngoại và cả món thịt kho tàu đã theo tôi suốt thời thơ ấu. Tôi cũng thèm nghe được giọng run run của ngoại: “Minh hả, chừng nào con về?”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Minh (Người lao động)
Món ngon mỗi ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN