Đồng loạt hạ lãi vay: “Bánh xe” tiền tệ bắt đầu quay?

Sự kiện: Tiền tệ

Ngày 29/4, đúng thời điểm Thủ tướng lần đầu đối thoại với doanh nghiệp cả nước, giới nhà băng bất ngờ phát đi tín hiệu đồng loạt hạ lãi suất cho vay. Sự khởi động “bánh xe” tiền tệ dường như đã đi đúng đường giới chuyên gia, doanh nghiệp trông đợi - hạ lãi suất!

Đồng loạt hạ lãi vay: “Bánh xe” tiền tệ bắt đầu quay? - 1

Ồ ạt công bố hạ lãi vay

Sáng ngày 29/4, Vietcombank trở thành nhà băng đầu tiên phát đi tín hiệu sẵn sàng đưa lãi suất vay với mức điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND về tối đa 10% trong thời gian 1 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh. Kế ngay sau Vietcombank có BIDV cũng công bố điều chỉnh hạ lãi vay.

Trao đổi với PV, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank khẳng định: Việc hạ lãi suất được ngân hàng tính toán và cân nhắc rất kỹ. Lại nhớ, tại đại hội cổ đông 2016 vừa qua, chính ông Thành cũng nhấn mạnh: Lãi suất vay của Vietcombank lúc nào cũng ưu đãi thấp nhất trong hệ thống. “Năm nay chúng tôi đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 17-18% nhưng chỉ đặt lợi nhuận tăng thêm theo tỷ lệ thấp hơn nhiều. Điều này cũng là vì chúng tôi đang muốn hướng đến chia sẻ với khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp”, ông Thành nói. Chỉ ít phút sau khi Vietcombank công bố hạ lãi suất, BIDV cũng lập tức công bố giảm theo.

Sự vào cuộc của giới nhà băng tiếp tục được đánh dấu với TPBank. Ngân hàng này thậm chí còn mạnh tay “tung” gói vay ưu đãi khủng lên tới 5.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp - mức lãi suất ưu đãi từ 6.9%/năm. “Đối tượng được hưởng ưu đãi là các Doanh nghiệp XNK vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại TPBank và các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ”, lãnh đạo TPBank cho biết đồng thời nhấn mạnh: TPBank hy vọng gói hỗ trợ này sẽ thêm “cú hích” giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí, có điều kiện mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, ‎đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều...

Kế đến, thêm nhà băng thứ tư cho hay đã sẵn sàng ưu đãi doanh nghiệp đó là Techcombank. Ngân hàng này công bố sẽ áp dụng lãi suất tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nhận được lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5% đến 1% so với lãi suất cho vay chung mà hiện nay Techcombank đang áp dụng (tất nhiên có một số tiêu chí, điều kiện đi kèm. ). Chia sẻ về thông tin này, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Giám đốc Khối Ngân hàng bán buôn Techcombank cho biết: Với chương trình này, chúng tôi hi vọng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, thu lợi nhuận cao hơn, từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước.”

Đồng loạt hạ lãi vay: “Bánh xe” tiền tệ bắt đầu quay? - 2

Nới hay thắt đều cần thận trọng

Thực ra, những tín hiệu phát đi hôm qua 29/4 không phải là tự dưng mà có. Bởi ngay chính các Ngân hàng đều nhất loạt thừa nhận: sở dĩ quyết định giảm lãi vay vì hưởng ứng lời hiệu triệu của Chính phủ và Thống đốc.

Như Tiền phong đã đưa tin  trước đó, ngày 27/4, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng triệu tập cuộc họp với 14 NHTM hay còn gọi là nhóm G14. Tại buổi họp này, người đứng đầu NHNN và các NHTM đã đi đến sự đồng thuận khi dự kiến giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,3% - 0,5%/năm và giảm lãi suất trung và dài hạn xuống dưới 10%.

Thống đốc đã lập luận: công cụ điều hành lãi suất cần căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và đặc biệt lạm phát. Với lạm phát 5% năm nay thì điều hành lãi suất và tiền tệ phải hết sức thận trọng. “Hiện vốn cho nền kinh tế là vốn Ngân hàng mà chủ yếu là vốn ngắn hạn, huy động vốn chủ yếu tiền gửi nên mặt bằng lãi suất phải cân nhắc rất thận trọng, phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô”, Thống đốc lưu ý.

Theo NHNN, đến thời điểm này, tín dụng đã tăng hơn 3% so với cuối 2015 và cao hơn cùng kỳ năm trước. Tại buổi gặp mặt đối thoại với doanh nghiệp hôm qua (29/4), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cam kết hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN nhằm tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất. Liên quan đến việc sửa Thông tư 36, người đứng đầu NHNN cũng “hứa” sẽ xem xét lùi lộ trình  và cân nhắc thận trọng để đảm bảo vốn vào đúng lĩnh vực sản xuất kinh doanh cần thiết.

Sự khởi động trong chính sách tiền tệ sau nợ xấu đã tiếp theo là lãi suất.Dù “nặng gánh” nhưng hy vọng, nhà điều hành luôn toan tính đủ đầy giữ được ổn định mặt bằng lãi suất cho vay; đồng thời tiếp tục điều hành tỉ giá linh hoạt, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN