Năm 2021: Kênh đầu tư nào sẽ sinh lời cao nhất?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khi tình hình kinh tế vẫn còn nhiều bất định như hiện nay, theo phân tích của các chuyên gia, năm 2021 kênh đầu tư nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất?

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn với các nhà đầu tư do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hệ lụy của nó là hàng vạn doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những kênh đầu tư mang lại lợi nhuận rất lớn.

Khi đại dịch Covid-19 vẫn là nỗi khiếp sợ tại nhiều quốc gia, nhận định về năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng, các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, tiền ảo, bất động sản,… vẫn sẽ là kênh tăng trưởng ấn tượng.

Gửi tiết kiệm có an toàn?

Tính đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất đối với mục tiêu kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất. Điều đó đã góp phần đưa dòng tiền chảy sang kênh đầu tư sinh lời khác.

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng luôn được coi là kênh đầu tư an toàn nhất

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng luôn được coi là kênh đầu tư an toàn nhất

Thông thường, gửi tiết kiệm là cách đầu tư được nhiều người nghĩ tới bởi đó là kênh đầu tư an toàn nhất, tuy nhiên, khi đồng tiền đang ngày càng bị mất giá do tác động của lạm phát thì giá trị nhận được từ tiền lãi suất của ngân hàng không bù được giá trị của đồng tiền mất đi. Thậm chí, theo một số chuyên gia bạn đang bị mất tiền khi tỷ lệ tiền lãi từ tiền gửi tiết kiệm thấp hơn tỷ lệ lạm phát và giá cả của các sản phẩm trên thị trường tăng giá.

Gửi tiết kiệm  không có lãi cao khi chính sách của Ngân hàng Nhà nước đang định hướng kiểm soát lạm phát, duy trì lãi tiền gửi thấp, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Do đó gửi tiết kiệm tại ngân hàng sẽ không còn là kênh đầu tư sinh lời hiệu quả thời điểm này.

Tuy nhiên TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, lãi suất tiết kiệm đã giảm khá sâu và dư địa giảm không còn nhiều, nên nhà đầu tư không cần lo lắng lãi suất sẽ giảm sâu thêm.

Vàng có còn lấp lánh?

Nếu bạn có nhiều tiền nhàn rỗi thì đây được cho là kênh đầu tư tài chính an toàn trong thời điểm thế giới đầy biến động như hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vàng vẫn còn có nhiều cơ hội tăng giá ở năm 2021

Nhiều chuyên gia cho rằng, vàng vẫn còn có nhiều cơ hội tăng giá ở năm 2021

Có thể thấy, năm 2020 với kênh đầu tư vàng mặc dù biến động không ngừng nhưng có mức tăng trưởng khá cao.

Đơn cử, giá vàng tăng từ mức khoảng 42 triệu đồng/lượng ngày 1.1.2020 lên tới hơn 55 triệu đồng/lượng vào ngày 6.12 (tỷ suất sinh lời hơn 30%); thậm chí có thời điểm vàng lập đỉnh lịch sử 62,2 triệu đồng/lượng. Nếu chốt đúng đỉnh, người mua vàng đạt mức lợi suất lên tới hơn 47%. Do đó, vàng trở thành kênh “trú ẩn” tài sản của nhiều nhà đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia, vàng vẫn còn có nhiều cơ hội tăng giá ở năm 2021.

“Vàng có thể tiếp tục tăng giá trở lại vào năm 2021 khi dòng tiền kích thích kinh tế được các quốc gia, đặc biệt là Mỹ bơm ra thị trường” - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích đầu tư nhận định, việc Mỹ ồ ạt bơm tiền hậu bầu cử, sẽ hỗ trợ giá vàng tăng thời gian tới. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng vàng đang ở vùng giá thấp để đầu tư. Song, đầu tư vàng chỉ thích hợp cho nhà đầu tư dài hạn và phải lựa chọn thời điểm giá vàng trong nước và thế giới ít chênh lệch.

Nhìn về tổng thể thì vàng luôn có xu hướng tăng giá. Dữ kiện từ lịch sử cho thấy thời điểm cuối năm âm lịch (dịp cận Tết Nguyên đán), nhu cầu vàng sẽ tăng, tuy nhiên do đã tăng quá mạnh từ đầu năm, cùng với việc thế giới đã có vắc xin Covid-19 thì vàng nếu có tăng tiếp cũng sẽ khó đạt mức lợi nhuận lớn.

Bên cạnh đó các chuyên gia nghiên cứu kim loại cho biết, trong năm 2020 nhu cầu về trang sức vàng trên toàn cầu giảm 31% xuống còn 1327 tấn. Điều này cho thấy, nếu thời điểm này lựa chọn vàng là kênh đầu tư thì dường như là một quyết định khó khăn và cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Đặc biệt, bạn cần lưu ý nếu không phải đầu tư vàng vật chất để tích trữ lâu dài mà bạn muốn “lướt sóng” mua đi bán lại để kiếm lời thì hình thức này cũng giống như chơi Forex vì rủi ro sẽ cao do chênh lệch giá giữa mua vào bán ra quá nhiều.

Đầu tư chứng khoán, tiềm năng nếu am hiểu thị trường

Có thể thấy đầu tư chứng khoán là kênh đầu tư tài chính phổ biến hiện nay đối với các cá nhân và doanh nghiệp.

Năm 2020 chúng ta chứng kiến thị trường chứng khoán bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Sau 2 quý đầu 2020 giảm mạnh thì cuối tháng 9, đầu tháng 10 các phiên giao dịch đã có dấu hiệu phục hồi. Mặc dù vậy, đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp khôi phục còn khá chậm nên thị trường chứng khoán vẫn bị tác động. Những tin tức về ca nhiễm bệnh vẫn có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Chứng khoán sẽ vẫn là kênh tiềm năng nếu nhà đầu tư am hiểu thị trường này

Chứng khoán sẽ vẫn là kênh tiềm năng nếu nhà đầu tư am hiểu thị trường này

Nói về thị trường năm 2021, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường chứng khoán đang tăng quá nóng, dòng tiền rẻ không đi vào sản xuất kinh doanh, không đi vào gửi tiết kiệm và các kênh khác liên tục được bơm vào khiến VN-Index bùng nổ thanh khoản, tạo ra dấu hiệu bong bóng.

Tuy nhiên, ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Công ty chứng khoán VietinBank, nhận định năm 2021 tình hình vĩ mô sẽ có xu hướng tích cực khi VN sớm khống chế thành công dịch Covid-19; dòng vốn FDI tiếp tục vào mạnh; lãi suất duy trì ở mức thấp; cán cân thương mại thặng dư nhờ hiệp định EVFTA và RCEP; lạm phát và nợ xấu tại các ngân hàng được kiểm soát hiệu quả. Do đó, diễn biến vĩ mô thuận lợi tạo nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên trong năm 2021.

Để thành công trên thị trường này, các chuyên gia phân tích cho rằng, nhà đầu tư phải biết phân tích, theo dõi dòng tiền, nếu không vẫn thua lỗ như thường.

Tiền kỹ thuật số (tiền ảo): Nhiều chính phủ vẫn e dè

Tiền kỹ thuật số (tiền ảo), đặc biệt là bitcoin (được tạo ra trên nền tảng công nghệ blockchain – một khái niệm rất mới nhưng lại rất hot hiện nay bởi nó “ăn theo” xu hướng cách mạng 4.0 và làn sóng tài chính phi tập trung (DeFi).

Bên cạnh bitcoin, hiện nay người ta còn phát hành hàng loạt đồng tiền ảo khác, song được giao dịch nhiều nhất vẫn là các đồng bitcoin, Ripple, Ethereum, Letecuin,…

Tuy nhiên, do bản chất và sự tác động của nó đến nền tài chính toàn cầu chưa rõ ràng nên nhiều chính phủ vẫn e dè. Do đó, các nhà đầu tư đặc biệt các cá nhân cũng đang do dự khi đầu tư vào kênh tài chính này.

Với bitcoin, năm 2020 là năm điên rồ với tất cả những người đầu tư, hoặc thậm chí chỉ quan sát diễn biến của Bitcoin. Khi Covid-19 bắt đầu lan đến Mỹ hồi đầu tháng 3, giá Bitcoin chỉ chưa đến 4.000 USD một đồng. Nhưng đầu tháng này, tiền ảo phổ biến nhất thế giới có thời điểm giao dịch trên 23.000 USD.

Theo ông James Ledbetter - chủ biên trang viết chuyên về fintech FIN, kiêm cựu tổng biên tập Inc, giá trị của Bitcoin không trực tiếp gắn với một hiện tượng thực tế nào, ví dụ như chính sách tài khóa hay tiền tệ. Vì thế, nó có thể tăng giảm theo những cách khó đoán, hoặc thậm chí khó giải thích.

“Điều này khiến việc khuyến nghị đầu tư trở nên bất khả thi. Một số dự báo Bitcoin có thể lên 30.000 USD hoặc 50.000 USD. Nhà đầu tư cũng có thể chuyển bớt tiền từ các tài sản khác sang Bitcoin. Dĩ nhiên, không loại trừ khả năng giá sẽ đi theo hướng ngược lại. Vì thế, nhà đầu tư tốt hơn hết là luôn chuẩn bị một tinh thần thép” - ông James Ledbetter cho hay.

Ngoài ra, các chuyên gia tài chính khác cũng cảnh báo thêm rằng, nhà đầu tư phải am hiểu thị trường tài chính số và cảnh giác với các loại tiền ảo rác.

Bất động sản còn nhiều cơ hội phục hồi

Theo các chuyên gia, bất động sản là kênh đầu tư tiềm năng cho năm 2021, bởi đây là lĩnh vực hưởng lợi khi nền kinh tế phục hồi trở lại.

Năm 2021, bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư tiềm năng

Năm 2021, bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư tiềm năng

So với kênh đầu tư vàng và chứng khoán thì bất động sản vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn giữa bối cảnh thị trường bất định này. Ở thời điểm đầu năm 2020 khi dịch bùng phát, bất động sản đã bị tác động mạnh khiến cho thị trường trầm lắng, nhiều dự án phải hoãn tiến độ, nhiều sàn giao dịch phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, sau khi dịch đã được kiểm soát ổn định, thị trường bất động sản bắt đầu khôi phục.

Mới đây, Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản trong quý 3 đang dần phục hồi và phát triển. Đặc biệt trong thời gian tới bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường này bởi Hiệp định EVFTA có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao giúp thu hút nguồn vốn ngoại.  

Nhận định về thị trường bất động sản trong thời gian tới, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, từ nay đến Tết âm lịch Tân Sửu và cả năm 2021, thị trường bất động sản cả nước sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới.

“Ngoài, ra, tiến trình phát triển đô thị và đô thị hóa sẽ tiếp thêm nguồn lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, cả trong trung hạn và dài hạn, với những lực gia tốc mới” – ông Châu nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia tay năm 2020, cổ phiếu nào chia cổ tức tiền mặt cao nhất?

Trong tuần cuối cùng của năm 2020 (28-31/12/2020), có tất cả 14 doanh nghiệp chốt mức trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN