Lương thưởng 30 triệu, vợ chồng trẻ than trời không đủ tiêu Tết
Người ta thường nói “vui như Tết”, nhưng với đa số các chị em có gia đình thì ngoài niềm vui, Tết còn là nỗi lo vì trăm thứ cần phải tiêu đến tiền. Thế nên không ngạc nhiên khi nhiều chị em than trời lương thưởng vài chục triệu cũng không đủ tiêu Tết.
Vừa lấy chồng được 3 tháng, chị Yến (28 tuổi, Phúc Yên) cho biết, chỉ trong vài ngày Tết đã tiêu hết hơn 30 triệu – số tiền lương, thưởng Tết của hai vợ chồng.
“Hôm qua mới ngồi tính lại các khoản đã chi mà chóng hết cả mặt, chưa hết Tết mà hai vợ chồng đã tiêu hết cả lương với thưởng rồi, không biết ra Tết tính sao đây”, chị Yến tâm sự.
“Vợ chồng mình được hai bên gia đình mua cho một căn chung cư ở Hà Nội, tuy những ngày Tết đều về hai quê nội ngoại ăn Tết cùng ông bà nhưng vẫn phải sắm sửa mọi thứ ở nhà riêng, để ra Tết bạn bè còn đến chơi”, chị Yến chia sẻ.
Theo chị Yến, trước Tết chị gửi biếu ông bà hai bên nội ngoại mỗi bên 5 triệu, tổng là 10 triệu để ông bà sắm sửa nhà cửa. Gần Tết chị lại gửi thêm mỗi bên giỏ quà khoảng 1 triệu để ông bà bày bàn thờ, tổng cộng 2 triệu. Ngoài ra, ngày đầu năm mới, chị mừng tuổi ông bà nội ngoại mỗi người 500.000 đồng, tổng số tiền 2 triệu đồng.
Chi tiêu Tết không biết bao nhiêu là đủ?
“Trước đây ông bà đi làm còn có thưởng Tết, giờ các ông bà về hưu hết rồi, không có khoản thưởng Tết sẽ thấy rất hụt hẫng, chi tiêu eo hẹp đi. Nên mình biếu ông bà nhiều một chút để Tết ông bà phấn khởi hơn”, chị Yến cho biết.
“Mình là dâu mới nên Tết đến phải đi chúc Tết ra mắt họ hàng, cảm ơn mọi người đến dự đám cưới, khoản này làm hai vợ chồng tối tăm mặt mũi nhất. Đến gia đình có người cao tuổi thì vợ chồng mình mừng tuổi 100.000 đồng/người, trẻ em thì 50.000 đồng/người. Bây giờ làm gì còn mừng tuổi 10.000 – 20.000 đồng nữa, thấp nhất cũng 50.000 đồng rồi. Ở quê nhà mình đông trẻ con, mà vợ chồng mình chưa có em bé để “gỡ” lại, nên tính riêng tiền mừng tuổi đến thời điểm này đã 6-7 triệu rồi!”, chị Yến tâm sự.
Thêm vào đó, chị Yến cũng phải chi tiêu mua sắm, trang trí cho căn nhà riêng của mình. Tiền đào, quất, hoa, bánh kẹo, mâm ngũ quả, rượu bày bàn thờ, chị Yến tính sơ sơ vào khoảng 4 triệu đồng. Tiền thực phẩm, bánh kẹo mua sẵn để khi hai vợ chồng về Hà Nội mời bạn bè đến chơi cũng khoảng 4 - 5 triệu. “Chưa kể ngày mai hội bạn tôi hẹn đến nhà tụ tập, mua thêm con cua hoàng đế 5kg ăn lẩu, thêm bò Mỹ, rượu, rau nhúng lẩu, 6 người ăn tính ra đâu đó khoảng 12 triệu. Nhà tôi 2 người đã 4 triệu rồi”, chị Yến chia sẻ.
“Tính sơ sơ mấy ngày Tết mà cũng tiêu hết hơn 30 triệu rồi. Tiền bạc có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, chẳng biết bao nhiêu là đủ cả”, chị Yến tâm sự.
Cũng giống chị Yến, chị Hương Giang (Bắc Ninh) cho biết Tết này không dám về quê ăn Tết vì tốn kém quá. Những năm trước, mỗi lần về quê ăn Tết tính sơ sơ cũng khoảng 15-20 triệu. Năm nay nhà chị mới xây nhà, vẫn đang nợ nần nhiều nên anh chị chủ trương tiết kiệm được khoản nào hay khoản ấy.
“Tuy không về quê ăn Tết nhưng vợ chồng tôi vẫn gửi biếu hai bên ông bà nội ngoại 5 triệu cùng 2 giỏ quà 1triệu. Ngoài ra, tiền sắm sửa nhà cửa, bánh kẹo, thực phẩm Tết cho gia đình vào khoảng 5 triệu, tiền mừng tuổi khoảng 5 triệu… Chưa tính các khoản như mua sắm quần áo mới cho hai vợ chồng, các con trước Tết, mua vật dụng gia đình, rồi đi lễ chùa đầu năm… Tết này tiết kiệm triệt để rồi vẫn phải chi khoảng 20 triệu”, chị Giang chia sẻ.
"Lấy chồng 7 cái Tết rồi, mỗi lần Tết là 1 lần nát óc vì tính toán, mua gì cũng phải nâng lên đặt xuống. Dù đã lựa cơm gắp mắm rồi nhưng có những khoản vẫn không thể không chi tiêu. Thế nên mỗi lần Tết xác định trước tiêu vài ba chục triệu là chuyện bình thường”, chị Giang cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Tết Nguyên đán 2020 đã cận kề, các chị em lại xôn xao bàn tán về chi tiêu, mua sắm Tết thế nào cho hợp lý.